Thứ Năm, ngày 16/01/2025 07:19 AM (GMT+7)

Phở, bánh mì Việt trước cơ hội vàng ra thế giới

2023-05-30 08:16:00

Các món ăn truyền thống Việt Nam, ngày càng được khách hàng quốc tế biết đến như phở, bún, bánh cuốn, bánh mì… đang đứng trước cơ hội vàng để bước ra thế giới thông qua nhượng quyền.

Cơ hội vàng đưa phở, bánh mì ra thế giới

Sau đại dịch Covid-19, ngành nhượng quyền hiện trở nên sôi động khi nhiều nhà đầu tư chọn nhắm đến những hệ thống và thương hiệu đã có mô hình được kiểm chứng, kinh nghiệm kinh doanh, có hệ thống quản trị bài bản, có hỗ trợ xuyên suốt.

Ngoài nhượng quyền trong nước, nhiều startup Việt đang tìm đến nhượng quyền quốc tế sau khi từng bước chắc chân tại thị trường nội địa. Điều này hoàn toàn khác, bởi từ trước đến nay, chủ yếu là các thương hiệu quốc tế trong ngành F&B vẫn ồ ạt nhượng quyền tại Việt Nam.

Phở, bánh mì trước cơ hội vàng ra thế giới - Ảnh 1.

Phở’S đã và đang đàm phán hợp tác nhượng quyền tại Indonesia, Malaysia và Philippines. Ảnh: PhởS

Chuyên gia nhượng quyền Nguyễn Phi Vân đánh giá trong số các lĩnh vực thì ẩm thực được xem là một trong những ngành tiềm năng nhất để đi theo con đường nhượng quyền nhờ lợi thế tính khác biệt cao và được người tiêu dùng mong chờ. 

“Việt Nam với những món ăn truyền thống và ngày càng được khách hàng quốc tế biết đến như phở, bún, bánh cuốn, bánh mì… đang đứng trước cơ hội vàng để bước ra thế giới thông qua một mô hình phù hợp”, bà Vân nói.

Nhiều thương hiệu ẩm thực trong nước đang tìm đến mô hình này. Phở’S của hai anh em Nguyễn Tự Tin và Nguyễn Tiến Hải đồng sáng lập dựa trên nền tảng phở sâm Ngọc Linh của gia đình đang hướng đến nhượng quyền quốc tế. Phở’S đang thử nghiệm mô hình phở thuần Việt từ tháng 1/2023 và hoàn thiện nền tảng vận hành. Thương hiệu đã và đang đàm phán hợp tác nhượng quyền tại Indonesia, Malaysia và Philippines.

Trong lĩnh vực F&B, chuỗi trà sữa Phúc Tea cũng đang đàm phán hợp tác nhượng quyền tại Malaysia và Philippines. Ông Trần Nhật Vũ, nhà đồng sáng lập thương hiệu Phúc Tea cho biết chuỗi có 135 cửa hàng trên toàn quốc, 80% là nhượng quyền sau 6 năm kinh doanh. 

Cơ hội từ nhượng quyền quốc tế

Không chỉ F&B, nhiều doanh nghiệp khác cũng Việt Nam, nhất là ở khối thương mại, dịch vụ ứng dụng công nghệ cũng đang hướng đến nhượng quyền quốc tế. Cuộc tìm đường của Care With Love, Star Home Spa, Heramo, Run Together Vietnam, Limart… đều chung mục đích đưa tài nguyên bản địa Việt Nam, ứng dụng công nghệ ra thế giới.

Phở, bánh mì trước cơ hội vàng ra thế giới - Ảnh 2.

Nhà đầu tư tìm hiểu về mô hình nhượng quyền tại một sự kiện tổ chức ở TP.HCM, tháng 5/2023. Ảnh: M.T.

Nhượng quyền mô hình công nghệ là xu hướng của tương lai, phù hợp với xu hướng tất yếu của kinh tế sáng tạo và kinh tế số. Trên thế giới, các mô hình startup công nghệ tài chính (fintech), công nghệ quản lý tài sản (wealth tech), công nghệ thiết bị bay không người lái (drone), các dịch vụ cung cấp qua app, thương mại điện tử, dịch vụ công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI), phần mềm… đều đã có những mô hình nhượng quyền và cấp phép được triển khai. 

Các startup công nghệ tại Việt Nam xây dựng và đóng gói mô hình kinh doanh thành công hoàn toàn có thể sử dụng hình thức nhượng quyền để tăng tốc phát triển.

Dù vậy, để nhượng quyền thành công vẫn phải giải được bài toán hiệu quả kinh doanh với những yếu tố tài chính quan trọng như tổng ngân sách đầu tư, doanh thu, hiệu suất lợi nhuận và thời gian hoàn vốn. Hiệu quả kinh doanh tốt chính là điểm mấu chốt thu hút nhà đầu tư.

Đại diện Heramo cho biết một cửa hàng giặt ủi cao cấp 4.0 Heramo chỉ cần đầu tư ở mức 200 triệu đồng, hoàn vốn từ 3-6 tháng. Trong khi Run Together Vietnam có mức đầu tư khoảng 500 triệu đồng cho 1 chi nhánh với thời gian hoàn vốn dự kiến trong vòng 12 tháng.

Nhượng quyền đóng góp lớn vào GDP ở nhiều quốc gia. Tại Singapore, ngành nhượng quyền đóng góp 3% vào GDP, tại Philippines là 5%, tại Malaysia là 6,3%, tại Mỹ là 5,1%, tại Úc là 9%, trong khi đó, nhượng quyền góp đến 10% GDP Canada.

Theo chuyên gia Nguyễn Phi Vân, nhượng quyền là ngành đóng góp lớn vào GDP quốc gia khi được đầu tư đúng mức để ngành phát triển. Ngoài ra, đây cũng là ngành tạo nhiều công ăn việc làm. Nhiều quốc gia đã cấu trúc ngành nhượng quyền thành ngành chiến lược để phát triển kinh tế quốc gia, đặc biệt cho khối kinh tế tư nhân và đặc biệt cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ. 

“Chuyên nghiệp hóa một mô hình và thương hiệu, sau đó tăng tốc phát triển tại thị trường nội địa và xuất khẩu là cách hiệu quả để phát triển chuỗi giá trị cho doanh nghiệp, đóng góp chung vào nền kinh tế quốc gia”, bà Vân nhận định.

Phúc Minh