Thứ Năm, ngày 16/01/2025 08:46 PM (GMT+7)
Nuôi kiến làm thú cưng, có con lên đến vài chục triệu đồng
2023-11-15 16:03:12
Mỗi sáng thức dậy, anh Minh Nhựt lại đảo sang căn phòng rộng khoảng 20m2, nơi đàn kiến trú ngụ xem tình hình rồi mới vệ sinh cá nhân. Thói quen đó, anh lặp lại suốt bốn năm qua.
Nguyễn Tấn Minh Nhựt, 33 tuổi, chủ một cửa hàng kiến cảnh trên đường An Lạc, quận Bình Tân. Anh là người tiên phong ở Việt Nam nuôi kiến làm thú cưng và thương mại chúng. Đến nay, anh Nhựt sở hữu khoảng 50 dòng kiến, trong đó loài cao nhất cũng khoảng 70 triệu đồng.
Là người yêu thiên nhiên nên anh Nhựt thường xuyên tìm hiểu về các loài động vật, trong đó có kiến. Anh kể, tháng 8/2019, tình cờ tìm được một con kiến chúa trong gốc cây rồi mang về chăm sóc, để chúng tự sinh sản. "Sau một năm tôi có hơn 100 kiến thợ", anh nhớ lại và cho biết bắt đầu công việc nuôi kiến làm thú cưng từ đó.
Thời gian đầu, anh Nhựt chưa biết đến cộng đồng chơi kiến cảnh nên kiến thức để nuôi loài côn trùng này hầu như bằng không. Mọi thứ anh phải tự học trên mạng và báo nước ngoài. Anh bắt đầu mày mò thiết kế tank (bể nuôi kiến).
"Nhiều lần thử làm tank để nuôi, xong lại thất bại. Nhưng rồi, tôi cứ học hỏi mỗi chỗ một ít, sai ở đâu sửa ở đó và dần tôi tìm ra được tank phù hợp cho từng loại kiến", anh kể.
Anh Nhựt chia sẻ, vốn ban đầu để nuôi loài côn trùng này mất khoảng 50 triệu bao gồm chi phí nhập kiến, máy móc, thiết bị, nguyên vật liệu và đặc biệt là tốn nhiều thời gian.
"Cộng đồng kiến hiện nay đã lớn mạnh hơn rất nhiều. Nhờ có những người đi trước, tiên phong, hướng dẫn kinh nghiệm như tôi nên giờ đây người chơi đã rất tự tin hơn", anh Nhựt nói.
Hiện nay có nhiều loại thiết kế tank sao cho phù hợp với tuổi đàn kiến, chủng loại, giai đoạn và nhu cầu người chơi. Thông thường một tank gồm có phần tổ và tiểu cảnh mô phỏng lại môi trường sống tự nhiên của kiến. Ngoài ra còn có hai hộc nhỏ bên hông là nơi kiến gom rác, thức ăn thừa cho sạch tổ và để thức ăn đang dùng.
"Tank phải tháo ra vệ sinh theo định kỳ. Vì thế, chơi kiến đòi hỏi sự kiên trì rất cao", anh nói.
Hiểu được tập tính của kiến thích đào bới, anh Nhựt tự thiết kế không gian săn mồi cho chúng bằng các cây nhựa, đá, cành cây… Ngoài ra, độ ẩm cũng rất quan trọng, nếu tổ quá nóng, trứng sẽ không nở. Anh Nhựt phải tạo một bộ phận chứa nước dưới đáy tank, ngăn cách bởi một lớp lưới để cấp ẩm.
Mùa sinh sản của kiến thường là mùa mưa. Khi đó, anh Nhựt sẽ đưa kiến chúa, kiến đực ra ngoài giao phối và tìm nơi thích hợp để làm tổ. Kiến là loại côn trùng ưa sạch. Vì thế, trước khi về tổ và tiếp xúc với trứng, kiến sẽ vệ sinh chân và râu thông qua vuốt nước bọt. Trong tuyến nước bọt của kiến có chất diệt khuẩn. "Chúng rất mẫn cảm với môi trường. Tôi phải luôn giữ vệ sinh sạch sẽ, có như vậy khả năng nở của trứng kiến mới cao", anh nói.
Thức ăn của kiến thường là nước đường, mật ong và côn trùng, có vài dòng thì ăn hạt. Những loại thức ăn này nhằm cung cấp protein giúp kiến chúa sinh sản tốt. Anh thường nhỏ các giọt nước đường trên lá, nhụy hoa cho kiến tự tìm đến ăn.
"Nuôi kiến chỉ tốn chi phí ban đầu. Chứ tiền thức ăn không đáng bao nhiêu. Nước được cho vào ống xi lanh, kiến có thể uống đến 2-3 tuần", anh Nhựt cho biết.
Nói về thị trường kiến cảnh ở Việt Nam, anh Nhựt cho hay vẫn chưa phát triển, chỉ bán vì đam mê. "Thu nhập bấp bênh, không ổn định. Có những ngày sẽ không bán được", anh nói.
Hầu hết người mua kiến cảnh là các bạn trẻ từ 15-25 tuổi. Họ tìm đến tiệm vì đam mê và muốn trải nghiệm từ thú vui này.
Hiện, anh Nhựt bán kiến cảnh cả trong và ngoài nước, tập trung ở thị trường Âu Mỹ. Giá thành dao động từ 50.000-70 triệu đồng, tùy dòng kiến.
Chia sẻ về kinh nghiệm nuôi loài côn trùng này, anh Nhựt khuyên người chơi phải nắm rõ tập tính của từng loại kiến. Chẳng hạn, có những dòng kiến đòi hỏi phải có đất, cát, điều kiện tự nhiên tại nơi nó sinh sống. Lúc này, người nuôi phải thiết kế tank kết hợp lót loại đất đó để kiến sinh sống.
Đơn cử như, dòng kiến Dinomyrmex gigas của rừng mưa nhiệt đới, đặc trưng là độ ẩm cao. Kiến này không thích sự quấy rầy nhiều, cần sự yên tĩnh, không biến động. Nếu người nuôi không biết, vài ngày lại lấy ra chăm sóc thì nó sẽ chết. Chuồng của kiến này phải có độ ẩm trên 90%. Dùng máy cung cấp độ ẩm và đo độ ẩm bằng đồng hồ.
Hay đàn Camponotus auriventris anh Nhựt nuôi từ con kiến chúa đầu tiên. Sau gần một năm, đàn này hiện có hơn 100 con. Sau khi kiến chúa đẻ được khoảng 60 kiến thợ anh mới đưa chúng vào tank. Trứng của loài này khoảng gần hai tháng thì nở.
Loài kiến Harpegnathos venator, được dân nuôi kiến ưa chuộng bởi kích thước lớn, vẻ ngoài "hầm hố" nhờ hai chiếc càng. Tuy nhiên, loại kiến này khá chậm chạp, mắt rất tinh, không thích ánh sáng nên anh Nhựt phải dùng một tấm màn đen che tổ lại để chúng khỏi stress. Khi con kiến stress, chúng sẽ ăn trứng.
Tương lai, anh Nhựt sẽ gắn nam châm ở các mặt của tank và phát triển thêm nhiều loại tank có thể ghép nối, thông nhau bằng một lỗ nhỏ. Kiến sẽ chui qua mở rộng nơi ở mà không cần thay tank lớn hơn.
"Tôi hy vọng thị trường loại côn trùng này sẽ được mở rộng trong tương lai, nhiều người biết đến hơn. Việc nuôi kiến không chỉ vấn đề thương mại mà còn gắn kết mọi người cùng chung đam mê tìm đến nhau chia sẻ kinh nghiệm phát triển mô hình", anh tâm niệm.
Chi hơn trăm triệu cho thú cưng đi spa
26/10/2023 18:01Bệnh viện chăm sóc thú cưng lưu động đầu tiên ở TP.HCM
24/10/2023 06:32Miến trộn lòng gà cổng Đại học Kiến trúc TP.HCM có gì mà khách phải xếp hàng dài đợi mua?
12/10/2023 08:08VASEP kiến nghị loạt bất cập liên quan đến dự thảo truy xuất nguồn gốc sản phẩm
01/10/2023 10:14
Chi hơn trăm triệu cho thú cưng đi spa
Không ít người chi số tiền hàng trăm triệu mỗi năm để vật nuôi được làm đẹp tại các cửa hàng spa và khách sạn dành cho thú cưng.