Hôm chúng tôi đến trại cá, ông Tư “cá” đang lụi hụi bưng bê đống bánh bao vừa lấy từ nhà máy thực phẩm vào kho. Ông cho biết, mỗi ngày ông phải thu mua hơn 1 tấn bánh bao hết hạn cho gần 70.000 con cá tra ăn.
Có gan làm giàu
Để cái xe ba gác cà tàng chở đầy bánh bao bên hiên nhà, ông Tư “cá” dẫn chúng tôi ra xem mấy cái ao nuôi cá tra đang tuổi ăn, tuổi lớn. Vứt cái bánh bao được xé làm hai xuống ao, phút chốc đám cá tra đã nuốt gọn. Ông Tư “cá” cười khề khà: “Cá tra là loại cá ăn tạp nên thứ gì vứt xuống chúng cũng ăn hết. Ăn bánh bao chúng lớn khá nhanh”.
Trước khi nuôi cá tra, ông Tư “cá” làm nghề thu gom rác với hẳn một đội chuyên đi thu gom rác trong xã. Tuy nhiên, rác thì nhiều mà người dân trả tiền ít. Cứ 10 người, chỉ có 5 người vui vẻ trả tiền rác.
Thất vọng với công việc thu gom rác “nhặt bạc cắc”, ông Tư “cá” chợt nghĩ đến việc thuê đất hoang đào ao nuôi cá tra. Ngày ra nhận đất khai hoang, một số người biết chuyện bảo ông khùng. “Họ bảo tôi khùng sao dám bỏ tiền thuê đất hoang rồi đào ao nuôi cá” - ông thổ lộ.
Mặc thiên hạ cười chê, ông đổ ngay 250 triệu đồng thuê máy Kobe vào nhổ gốc cây, đào ao. Mất 2 tháng miệt mài, cuối cùng vợ chồng ông Tư cũng biến một góc rừng cây dại thành ao rộng 2.000m2. Thừa thắng xông lên, ông đào thêm 4 cái ao nữa biến đất hoang bạt ngàn cây cỏ dại thành khu nuôi cá rộng 3ha.
Thông thường nông dân khoái làm ăn theo phương châm “chậm mà chắc” nhưng ông Tư “cá” hoàn toàn khác. Ông đổ một lúc hàng chục ngàn cá tra giống xuống ao. “Tôi luôn nghĩ rằng, làm nông không làm thì thôi, đã làm là phải bài bản, cho tới luôn mới thắng. Chẳng hạn, nuôi cá tra phải nuôi nhiều mới quay vòng được. Nhiều nông dân chỉ nuôi 10.000 - 20.000 con thì khó làm giàu lắm” - ông chia sẻ.
Ông Tư “cá” cho biết, hiện ông đang nuôi hơn 60.000 con cá tra theo quy trình cuốn chiếu. Sau khi thu hoạch cá, vệ sinh ao xong, cá từ ao ương sẽ lại chuyển sang và nuôi tiếp. Vòng sản xuất này cứ thế tiếp diễn không ngừng từ năm này sang năm khác.
Ngay cả việc dùng bánh bao nuôi cá tra của ông Tư “cá” cũng là sáng kiến có một không hai trong làng nuôi cá tra. Một số nông dân nuôi cá cũng cho rằng: “Người ăn bánh bao còn mập chứ nói chi là cá” bởi bánh bao có nhiều chất bổ dưỡng từ trứng cút, trứng gà, thịt băm…
“Lúc đầu thấy tôi cho cá ăn bánh bao, một số người nuôi cá bảo không nên vì cá sẽ chết. Nhưng tôi cứ làm theo cách của mình. Suốt 4-5 năm nay, từ ngày nuôi cá tra, tôi chưa lỗ vụ cá nào” - ông Tư “cá” cười bảo.
Ai chê, mình làm
Nói đến nuôi cá tra, nhiều người nghĩ ngay đến nuôi cá tra xuất khẩu. Thực tế, nhiều người đã chọn nuôi cá tra theo hướng này và có khá ít nông dân chọn lựa đầu tư sản xuất kiểu nuôi cá tra bán trong nước. Nhưng với ông Tư “cá”, ai chê thì ông làm. Từ đó, ông say sưa nuôi cá tra bán nội địa. Trung bình mỗi năm ông thu hoạch hơn 50 tấn cá tra, trừ đi chi phí, ông Tư “cá” vẫn lời hơn 500 triệu đồng.
“Nhiều nông dân tập trung nuôi cá tra xuất khẩu nên thị phần cá tra trong nước rất rộng cửa. Chính vì vậy mà tôi quyết định đầu tư nuôi cá tra phục vụ thị trường trong nước. Hiện cá tôi nuôi không đủ để bán. Thương lái đến tận ao kéo cá, cân, chất lên xe. Tôi chỉ việc lấy tiền cá” - ông Tư hồ hởi khoe.
Theo ông Tư “cá”, cá tra nuôi kiểu này chỉ cần thị trường có giá 14.000 đồng/kg là người nuôi đã có lời. Tuy nhiên, thời gian qua, cá tra thương phẩm trong nước có giá hơn 20.000 đồng/kg. Ông Tư “cá” khoe, từ ngày nuôi cá tra, đời sống gia đình ông hết “3 chìm, 7 nổi”. Lợi nhuận từ con cá tra mang lại từng năm càng khẳng định vững chắc biệt danh Tư “cá” của ông.
Vừa rồi, tình cờ gặp ông Tư “cá” cùng đoàn nông dân TP.HCM đi học hỏi kinh nghiệm mô hình nông nghiệp ở Khánh Hòa, ông cho biết đang tìm hiểu, học hỏi kinh nghiệm làm rau sạch theo mô hình công nghệ cao. “Tôi thấy đầu ra của rau sạch cũng tốt. Tôi đang tính chuyển dần sang đấy. Vừa nuôi cá, trồng rau cũng ổn” - ông tâm sự.