Thứ Sáu, ngày 17/01/2025 02:23 PM (GMT+7)
Nông sản Việt thu hàng tỷ USD từ thị trường Trung Quốc
2023-06-28 08:00:00
Trung Quốc đang là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam. Riêng năm 2022, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và Trung Quốc đạt tới 175,57 tỷ USD.
Trong bối cảnh nhiều mặt hàng xuất khẩu chủ lực như dệt may, gỗ, thủy sản sang Mỹ, EU gặp khó khăn, thì nhiều loại nông sản Việt đi các nước như Trung Quốc đang có thành tích xuất khẩu ấn tượng.
Theo số liệu thống kê, tổng giá trị xuất khẩu rau quả trong tháng 5 đạt 656,2 triệu USD, đưa tổng giá trị xuất khẩu rau quả 5 tháng đầu năm đạt hơn 2 tỷ USD, tăng 42,9% so với cùng kỳ năm ngoái.
Đáng chú ý, với quy mô hơn 1,4 tỷ dân, Trung Quốc ngày càng trở thành thị trường rộng lớn và quan trọng với nông sản Việt. Trong 5 tháng đầu năm, quốc gia này đứng vị trí thứ nhất về tiêu thụ hàng rau quả của Việt Nam với kim ngạch đạt 1,28 tỷ USD, tăng 80,2% so với cùng kỳ năm ngoái và chiếm gần 63,5% kim ngạch xuất khẩu rau quả của cả nước.
Sầu riêng hướng đến kim ngạch xuất khẩu tỷ USD
Sầu riêng đang nổi lên là mặt hàng có thành tích xuất khẩu vượt trội nhất trong các mặt hàng rau quả bán sang Trung Quốc khi mang về 332 triệu USD chỉ trong tháng 5, gấp hơn 10 lần so với tháng trước.
Tính chung lũy kế 5 tháng đầu năm, trị giá xuất khẩu loại quả này đạt tới 503,4 triệu USD, tăng 475,8 triệu USD, gấp hơn 18 lần so với con số 27,6 triệu USD của cùng kỳ năm trước. Trong đó, đáng chú ý, xuất khẩu quả sầu riêng sang Trung Quốc lên tới 477 triệu USD, chiếm 95% tổng trị giá xuất khẩu nhóm hàng này của cả nước.
Dù mới được cấp phép xuất khẩu chính ngạch vào Trung Quốc từ tháng 9 năm ngoái nhưng sự sôi động của hoạt động xuất khẩu sầu riêng thời gian qua càng chứng tỏ mặt hàng này có thể đạt con số 1 tỷ USD trong năm nay và lọt vào nhóm hàng nông sản xuất khẩu tỷ USD.
Kết quả tăng trưởng ấn tượng của xuất khẩu sầu riêng đã nâng kim ngạch xuất khẩu hàng rau quả trong 5 tháng đầu năm lên mức kỷ lục. Đáng chú ý, chỉ 20 ngày đầu tháng 6, xuất khẩu rau quả của Việt Nam đạt tới 723,3 triệu USD vượt con số 656 triệu USD của tháng trước và tăng hơn 79% so với cùng kỳ 2022.
Dự báo kết thúc tháng này xuất khẩu rau quả 6 tháng đầu năm có thể đạt tới 3 tỷ USD, tương đương giá trị xuất khẩu của cả năm 2022 gần 3,2 tỷ USD.
KIM NGẠCH XUẤT KHẨU RAU QUẢ 6 THÁNG ĐẦU NĂM | |||||||
Số liệu: Tổng cục Hải quan; Hiệp hội rau quả Việt Nam | |||||||
Nhãn | Tháng 1 | Tháng 2 | Tháng 3 | Tháng 4 | Tháng 5 | 3 tuần đầu tháng 6 | |
Kim ngạch xuất khẩu | triệu USD | 300 | 324 | 418 | 391 | 656 | 723 |
Ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng thư ký Hiệp hội rau quả Việt Nam, cho biết sầu riêng Việt Nam có lợi thế sản lượng dồi dào, thu hoạch rải vụ quanh năm, thời gian vận chuyển đến Trung Quốc cũng nhanh hơn so với nước khác. "Với nhu cầu tăng từ thị trường Trung Quốc, xuất khẩu sầu riêng của Việt Nam có thể đạt con số 1 tỷ USD, thậm chí hơn trong năm nay", ông Nguyên dự báo.
Theo ông, trong năm sau, khi những vườn trồng sầu riêng mới ra trái và nhiều mã số vùng trồng được cấp phép thì kim ngạch xuất khẩu sầu riêng có thể đạt từ 1,5 tỷ USD trở lên. Hơn nữa, việc gặp gỡ giữa các quan chức cấp cao hai nước cũng sẽ góp phần làm thuận lợi hơn tình hình thông quan, tiêu thụ các mặt hàng nông sản của Việt Nam và tăng lợi thế cạnh tranh cho mặt hàng sầu riêng.
"Tuy nhiên, để cạnh tranh được ở thị trường Trung Quốc, trái sầu riêng Việt Nam phải tập trung đầu tư để nâng cao chất lượng, mẫu mã cũng như xây dựng thương hiệu", Tổng thư ký Hiệp hội rau quả Việt Nam nhìn nhận.
Nhiều mặt hàng nông sản bứt tốc
Không chỉ rau quả mà nhiều mặt hàng nông sản khác như gạo, cà phê, hồ tiêu, hạt điều… của Việt Nam xuất vào Trung Quốc cũng đang tiếp tục trên đà tăng trưởng mạnh.
Thống kê của Tổng cục Hải quan cho thấy trong 5 tháng đầu năm, xuất khẩu gạo của Việt Nam đã đạt 3,62 triệu tấn, đây là một trong những mặt hàng hiếm hoi có kim ngạch xuất khẩu tăng trong bối cảnh khó khăn chung. Trong đó, xuất khẩu gạo sang Trung Quốc tăng tới 79%, đạt 365 triệu USD. Đặc biệt, giá gạo xuất khẩu bình quân sang Trung Quốc đạt 589 USD/tấn, tăng hơn 18% so với cùng kỳ năm trước.
Theo số liệu của Cơ quan Hải quan Trung Quốc, trong 4 tháng đầu năm, nước này giảm nhập khẩu gạo từ Ấn Độ, Pakistan, Thái Lan… nhưng tăng mạnh nhập khẩu từ Việt Nam, nâng thị phần của Việt Nam trong tổng nhập khẩu gạo của Trung Quốc lên mức 19,2% so với 6,7% của cùng kỳ năm 2022.
Không chỉ gạo mà hồ tiêu cũng là mặt hàng có thành tích xuất khẩu ấn tượng sang thị trường hơn 1,4 tỷ dân trong 5 tháng đầu năm. Trong khi, xuất khẩu sang Trung Quốc tăng đột biến, ngược lại đơn hàng đi Mỹ và EU có xu hướng giảm.
Cụ thể, xuất khẩu hồ tiêu sang khu vực châu Á trong 5 tháng đầu năm đạt 78.907 tấn, tăng 77,2% và chiếm 59,9% tổng kim ngạch xuất khẩu hồ tiêu Việt Nam. Trong đó Trung Quốc là thị trường xuất khẩu chính đạt 46.169 tấn, chiếm 35% và tăng tới 1.669% so với cùng kỳ năm 2022.
Theo ông Đặng Phúc Nguyên, thị trường Trung Quốc là thị trường đông dân, có thu nhập bình quân đầu người thuộc nhóm cao trên thế giới. Chính vì thế đây là thị trường rất tiềm năng đối với các mặt hàng rau quả, nông sản nhiệt đới như Việt Nam.
"Việt Nam có lợi thế là nước láng giềng với Trung Quốc nên chi phí vận chuyển, logistics... rẻ hơn so nhiều nước. Chẳng hạn, sầu riêng từ các nước khác vận chuyển đến Trung Quốc mất tới 7-8 ngày nhưng Việt Nam chỉ mất 1,5 ngày, do đó tiết kiệm được rất nhiều chi phí và kéo theo giá thành rẻ", ông dẫn chứng.
Lãnh đạo Hiệp hội rau quả Việt Nam đánh giá chuyến thăm Trung Quốc của Thủ tướng lần này sẽ thắt chặt hơn nữa mối quan hệ mậu dịch giữa Việt Nam và Trung Quốc. Việt Nam sẽ có cơ hội xuất khẩu được thêm nhiều mặt hàng nông sản, nâng cao kim ngạch xuất khẩu so với các năm trước.