Thứ Năm, ngày 16/01/2025 05:42 AM (GMT+7)

Chuyện mang từ trái chuối tươi đến chuối sấy và cả bẹ chuối ra bán ở nước ngoài của những người nông dân Đồng Nai

2023-06-14 09:56:00

Từ những khó khăn trong quá trình bán chuối, ông Lý Minh Hùng Giám - đốc HTX Thanh Bình, cùng các thành viên đã gắn kết, phối hợp để kết nối, tự xuất khẩu chuối tươi, chuối sấy, bẹ chuối ra nước ngoài.

Chuối chín vàng không tìm ra người mua, nông dân Đồng Nai tự mang chuối ra nước ngoài bán

Ông Lý Minh Hùng, Giám đốc HTX Thanh Bình (xã Thanh Bình, huyện Trảng Bom, Đồng Nai) nhiều năm qua đã tự nghiên cứu, tìm hiểu về các thủ tục, quy trình xuất khẩu... để đưa chuối địa phương vươn xa ra thế giới. HTX Thanh Bình đang là đơn vị tiên phong xuất khẩu trái chuối tươi, sản phẩm chế biến sâu từ chuối tới nhiều thị trường khó tính trên thế giới.

Đồng Nai: Nông dân tự kết nối, xuất khẩu trái chuối tươi, bẹ chuối, chuối sấy ra nước ngoài - Ảnh 1.

HTX Thanh Bình đóng tại thủ phủ chuối Đồng Nai. Ảnh: Tuệ Mẫn

Chia sẻ với phóng viên, nông dân Lý Minh Hùng cho biết bản thân ông là người trồng chuối, từng gặp thảm cảnh chuối chín vàng không có người mua, phải đi “gõ cửa” nhiều nơi tìm người mua chuối cho mình, cho các hộ nông dân khác. Cũng từ đó ông nung nấu suy nghĩ  giải phóng chuối cho nông dân nơi mình sinh sống, để đời sống của chính ông và bà con nông dân trồng chuối ngày càng khấm khá hơn.

Ông Hùng kể mọi thứ thay đổi kể từ năm 2018, thời điểm này ông Hùng được Hội Nông dân tỉnh Đồng Nai hỗ trợ đi học hỏi, tham quan ở Hàn Quốc. Tại Hàn Quốc, bản thân ông đã học hỏi được rất nhiều kinh nghiệm từ thực tiễn, để về áp dụng cho việc phát triển cây chuối của mình.

“Tôi thấy nước họ từ cây sâm, củ sâm mà chế ra rất nhiều thứ, nên tự hỏi sao mình không tìm cách đưa chuối đi xa hơn bằng chuối tươi, sản phẩm chế biến chuyên sâu... Khi trở về nước, tôi quyết định vận động nhiều nông dân khác cùng thành lập HTX Thanh Bình, để tìm cơ hội tăng giá trị cho cây chuối", ông Hùng kể.

Đồng Nai: Nông dân tự kết nối, xuất khẩu trái chuối tươi, bẹ chuối, chuối sấy ra nước ngoài - Ảnh 2.

Lịch làm việc, quy trình đóng gói chuối... được ông Hùng ghi lại cẩn thận. Ảnh: Tuệ Mẫn

Khi đã thành lập HTX, ông Hùng bắt đầu lên mạng tìm hiểu về xuất khẩu, thủ tục hồ sơ và nhờ cán bộ địa phương hướng dẫn thêm, để HTX có thể tự xuất khẩu chuối. 

Ngoài ra, ông Hùng còn khăn gói đến từng doanh nghiệp chế biến sản phẩm trái cây sấy khô để học hỏi kinh nghiệm, nhằm chế biến sâu các sản phẩm từ chuối, tạo đầu ra ổn định bền vững cho chuối.

“Đến các doanh nghiệp, tôi xin tham gia một khâu trong quy trình chế biến của họ, nên tự học hỏi được khá nhiều. Những người hướng dẫn cũng không tin tôi và HTX làm được, nhưng tôi cố gắng và hứa nhất định sẽ làm được. Cuối cùng chúng tôi đã thành công sau nhiều lần thất bại, lỗ hàng chục triệu đồng. 

Tuy nhiên thất bại là mẹ thành công, và đến nay mọi việc đã vào guồng, các hoạt động của HTX đều ổn định”, ông Hùng nhấn mạnh.

Hiện trung bình mỗi tháng, HTX Thanh Bình xuất khẩu khoảng 600 tấn chuối tươi, cũng như một số lượng lớn chuối sấy, bẹ chuối ra thị trường thế giới.

Đồng Nai: Nông dân tự kết nối, xuất khẩu trái chuối tươi, bẹ chuối, chuối sấy ra nước ngoài - Ảnh 3.

Thùng đóng gói chuối đủ mẫu mã, đủ kích thước để đối tác lựa chọn. Ảnh: Tuệ Mẫn

Tính từ tháng 10/2020 đến nay, HTX Thanh Bình đã xuất chuối đi các thị trường Trung Đông, cụ thể là Qatar, Ả Rập Xê Út. Ngoài ra còn có các đơn hàng đi Malaysia, Singapore . Đặc biệt chuối của HTX còn được xuất thẳng vào thị trường Bắc Kinh - Trung Quốc; Hàn Quốc… 

"Hiện HTX cũng đã liên kết với nhiều hộ nông dân, với khoảng 800ha chuối, để mở rộng phạm vi xuất khẩu vì lượng đơn hàng, khách hàng của HTX ngày càng nhiều”, ông Hùng cho biết. 

Nhờ những cố gắng của ông Hùng và các thành viên trong HTX, đến nay ngoài tăng thu nhập cho các thành viên, HTX Thanh Bình còn tạo việc làm thời vụ cho khoảng gần 100 lao động tại địa phương. Trung bình mỗi lao động có thu nhập từ 9-15 triệu đồng/tháng.

Đồng Nai: Nông dân tự kết nối, xuất khẩu trái chuối tươi, bẹ chuối, chuối sấy ra nước ngoài - Ảnh 4.

Từ nông dân trồng chuối, ông Hùng đã tự đưa được sản phẩm chuối xuất khẩu ra nhiều nước trên thế giới. Ảnh: Tuệ Mẫn

Từ thành công của xuất khẩu trái chuối tươi, sản phẩm chuối, trái cây sấy... đến năm 2021, ông Hùng là người đầu tiên của cả nước đưa được mỗi tháng 30 tấn bẹ chuối cấy mô khô xuất ra các nước Mỹ, Canana, Nhật Bản, Malaixia, Pháp… Với những thân chuối bỏ đi, giờ đây mỗi tháng ông Hùng còn thu về trên 600 triệu đồng, còn người trồng chuối thì có thêm từ 25-28 triệu đồng/ha. 

Hiện HTX Thanh Bình có 10 thành viên tham gia góp vốn, 32 người liên kết cùng sản xuất. Ngoài ra, HTX còn bao tiêu đầu ra cho nhiều nông dân trong vùng.

HTX cũng đã đầu tư được nhà sơ chế, chế biến quy mô 500m2 cùng hệ thống dây chuyền thu hoạch chuối, một máy chế biến nông sản khô, một máy chế biến dẻo các loại nông sản, hệ thống kho lạnh. 

“Danh sách các sản phẩm của HTX sẽ tiếp tục nối dài, mục đích của tôi là sẽ không bỏ một bộ phận nào của cây chuối, vì thân cây chuối cũng có thể chế biến thành thực phẩm cao cấp... Sắp tới tôi sẽ đi Trung Quốc tìm mua máy móc phục vụ chế biến sâu, bởi không thể trông chờ vào việc xuất khẩu chuối tươi mãi được. Mình phải có cách để ổn định lâu dài", ông Hùng nói.

Đồng Nai: Nông dân tự kết nối, xuất khẩu trái chuối tươi, bẹ chuối, chuối sấy ra nước ngoài - Ảnh 5.

Bẹ chuối của HTX sản xuất ra được rất nhiều sản phẩm. Ảnh: Tuệ Mẫn

Ông Hùng thẳng thắn chia sẻ cho đối tác biết ông thu lợi nhuận bao nhiêu từ mỗi kg chuối, nên khách hàng hiểu, tin tưởng ông hơn, giúp ông ngày càng được "giới thiệu qua lại", có nhiều khách hàng tìm đến.

“Chúng tôi học theo nhiều nước đó là mở lòng tất cả, chia sẻ mọi điều để họ biết mình là ai, mình có gì, nhằm tạo tiền đề gắn kết lâu dài. Sản phẩm ra thị trường, ngoài công bố thành phần, tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm, công bố chất lượng, chúng tôi cũng đầu tư đồng bộ nhãn hàng, logo, đăng ký bảo hộ nhãn hiệu độc quyền… ", ông Hùng cho biết.

Cũng theo ông Hùng, vì nhiều nước nhập khẩu chú trọng mẫu mã, nên HTX rất chú trọng đầu tư bao bì, đóng gói, khẳng định thương hiệu. 

"Mỗi nước thích một mẫu mã riêng, nên các thùng hàng chúng tôi làm một loại khác biệt, đối tác được lựa chọn", ông Hùng chia sẻ thêm. 

Đồng Nai: Nông dân tự kết nối, xuất khẩu trái chuối tươi, bẹ chuối, chuối sấy ra nước ngoài - Ảnh 6.

Cây chuối mang lại nhiều giá trị từ gốc đến ngon và trái. Ảnh: Tuệ Mẫn

 Mặc dù là nông dân, nhưng khi tiếp xúc với các đối tác, ông Hùng nói ông luôn đặt mình ở thế ngang hàng với khách, thuyết phục họ bằng cái đúng, bằng chất lượng sản phẩm. 

"Sản phẩm của HTX đều xuất phát từ trồng trọt theo hướng hữu cơ, trong đó nguồn đất phải hoàn toàn sạch, chưa từng qua canh tác. Nguồn nước cũng phải trải qua hệ thống lọc để bảo đảm tiêu chuẩn chất lượng. 

HTX đã tuân thủ theo nguyên tắc “5 không”. Đó là không sử dụng phân hóa học; không sử dụng thuốc hóa học, thuốc diệt cỏ; không chất kích thích sinh trưởng; không sử dụng hạt giống, cây biến đổi gen. Duy trì chất dinh dưỡng cho vườn cây là điều vô cùng cần thiết trong sản xuất", ông nông dân Chủ nhiệm HTX Thanh Bình khẳng định.

Đồng Nai: Nông dân tự kết nối, xuất khẩu trái chuối tươi, bẹ chuối, chuối sấy ra nước ngoài - Ảnh 7.

Những đồi chuối tại Thanh Bình, Trảng Bom, Đồng Nai. Ảnh: Tuệ Mẫn

Mục tiêu của HTX Thanh Bình là tiếp tục mở rộng hệ thống các vườn trồng chuối đáp ứng tốt cả nhu cầu của thị trường nội địa và xuất khẩu. Logo sản phẩm của HTX Thanh Bình mang ý nghĩa về một vùng nguyên liệu an toàn, yên ả, nông sản sạch và ngon. 

“Quan điểm của tôi về nhãn hàng, thương hiệu là phải có sự tự tôn, chuối của chúng tôi phải mang tên chúng tôi. Siêu thị đặt hàng nhiều nhưng không để tên chúng tôi trên sản phẩm, tôi sẽ không bán. Nhiều đơn hàng, tôi chấp nhận bán giá rẻ hơn, với điều kiện trên sản phẩm phải có logo của HTX Thanh Bình, như vậy mới quảng bá được thương hiệu chuối của mình đi xa hơn”, ông Hùng tự hào.



Tuệ Mẫn