Thứ Bảy, ngày 18/01/2025 04:13 AM (GMT+7)

Nổi tiếng thơm ngon nhưng hạt điều Bình Phước cứ lu mờ ngay trên thị trường nội địa

2023-08-02 17:16:00

Chỉ dẫn địa lý hạt điều Bình Phước có thể coi là báu vật của tỉnh Bình Phước. Thế nhưng báu vật này thường xuyên bị mạo nhận danh tiếng, sản phẩm thì gian dối trọng lượng. Hiệu quả của doanh nghiệp cũng như thu nhập của người trồng điều vẫn tiềm ẩn nhiều rủi ro.

Hạt điều Bình Phước mất uy

Nhờ hương vị thơm ngon và béo, ngọt; hạt điều Bình Phước từ lâu được khách hàng trong nước và quốc tế đánh giá cao. Thế nhưng, càng về sau, chất lượng sản phẩm điều Bình Phước không còn nổi tiếng như trước.

Ông Vũ Thái Sơn - Chủ tịch HĐQT Công ty CP Long Sơn cho rằng, nguyên nhân trước hết là việc các doanh nghiệp chế biến điều Bình Phước đã nhập điều thô châu Phi về sản xuất. Điều nhập khẩu chất lượng không cao nhưng vẫn cứ trộn chung vào hạt điều Bình Phước mà bán.

Trong khi thị trường nội địa có quá nhiều các công ty nhỏ làm hàng rang chiên. Dù quảng cáo là sử dụng hạt điều Bình Phước nhưng nhiều cơ sở sử dụng hạt điều chất lượng thấp, không rõ nguồn gốc để có giá thành rẻ, thu lợi nhuận cao nhất. Khi người tiêu dùng mua về sử dụng, thấy không thơm, ngon, nên không có hoặc mất dần ấn tượng với hạt điều Bình Phước.

Khách hàng lựa mua hạt điều Bình Phước và các loại hạt khác tại một siêu thị ở TP.HCM. Ảnh: Trần Khánh

Khách hàng lựa mua hạt điều Bình Phước và các loại hạt khác tại một siêu thị ở TP.HCM. Ảnh: Trần Khánh

Điều tai hại hơn nữa khiến các doanh nghiệp điều Bình Phước khó có chỗ đứng tại thị trường nội địa đó là gian lận về trọng lượng hàng hoá. Ông Sơn kể, mới đây, Công ty CP Long Sơn đã tiến hành khảo sát 2 sản phẩm điều vỏ lụa, có dán nhãn điều Bình Phước.

Kết quả cho thấy, loại ghi trên hộp trọng lượng tịnh là 400gr, nhưng thực tế trọng lượng hạt điều chỉ 224gr. Với loại ghi trên hộp trọng lượng tịnh là 500gr thì thực tế trọng lượng hạt điều chỉ 292gr.

Ông Sơn chỉ rõ, các doanh nghiệp này đã lợi dụng việc người tiêu dùng chỉ để ý giá bán và trọng lượng ghi trên hộp; không kiểm tra trọng lượng điều thực trong hộp để gian dối, móc túi người tiêu dùng.

"Nhiều doanh nghiệp điều Bình Phước là những đơn vị có nhà máy sản xuất đàng hoàng, không thể gian lận trọng lượng thì rất khó có chỗ đứng trên thị trường nội địa", ông Sơn nói.

Hiện nay, doanh nghiệp ít tham gia đăng ký chỉ dẫn địa lý vì thấy khá rắc rối về thủ tục, trong khi hiệu quả thực tế mà chỉ dẫn địa lý mang lại không cao.

Việc đăng ký chỉ dẫn địa lý hạt điều Bình Phước, và kiểm soát chất lượng điều Bình Phước là rất quan trọng. Ảnh: Trần Khánh

Việc đăng ký chỉ dẫn địa lý hạt điều Bình Phước, và kiểm soát chất lượng điều Bình Phước là rất quan trọng. Ảnh: Trần Khánh

Trên cương vị là Chủ tịch Hội điều Bình Phước, ông Sơn cho rằng, việc đăng ký chỉ dẫn địa lý hạt điều Bình Phước, và kiểm soát chất lượng điều Bình Phước là rất quan trọng. Nhiều nước trồng điều khác cũng đang dùng chỉ dẫn địa lý làm công cụ cạnh tranh quốc tế và mở cửa thị trường tại các quốc gia đối tác khác.

Khó cạnh tranh với điều nhập khẩu

Bà Bùi Thị Minh Thúy - Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ Bình Phước thừa nhận, việc xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ về chỉ dẫn địa lý hạt điều diễn ra khá phổ biến.

Không những thế, việc cạnh tranh ngay trên thị trường nội địa không hề dễ dàng. Vì dù thơm ngon, giá trị dinh dưỡng cao nhưng hạt điều và các sản phẩm từ hạt điều vẫn chưa phải là thực phẩm thiết yếu.

"Trong khi giá sản phẩm hạt điều mang chỉ dẫn địa lý theo giá trị thực là khá cao. Người tiêu dùng vẫn có tâm lý giá rẻ thì dùng, mắc quá thì thôi", bà Thúy nói.

Khách hàng dùng thử hạt điều Bình Phước. Ảnh: Trần Khánh

Khách hàng dùng thử hạt điều Bình Phước. Ảnh: Trần Khánh

Không chỉ điều nhân, ngay cả hạt điều thô Bình Phước dùng làm nguyên liệu chế biến cũng bị cạnh tranh ngay tại sân nhà. Một số doanh nghiệp vẫn có xu hướng chọn mua điều Campuchia và điều châu Phi vì giá cạnh tranh hơn.

Công ty TNHH Vinahe (TX. Phước Long) là 1 trong số ít những doanh nghiệp thu mua 100% nguyên liệu của nông dân Bình Phước để chế biến và xuất khẩu.

Ông Nguyễn Hoàng Đạt – Giám đốc công ty kể, hạt điều Bình Phước có tỷ lệ thu hồi nhân cao. Vì thế, việc chẻ vỏ hạt điều cũng tốn chi phí đầu tư máy móc. Đó chỉ là 1 chi tiết tưởng đơn giản nhưng khiến nhiều doanh nghiệp ngán ngại.

Nhiều đại lý bán hạt điều Bình Phước cho nhà máy nhưng không vặt sạch cùi, cuống, và lẫn tạp chất. Máy chẻ hạt điều nhận diện nhầm lẫn giữa hạt điều to và hạt điều có dính cùi cuống vì kích thước giống nhau. Máy cắt bị sai dao, dẫn đến tỷ lệ vỡ nhiều, khiến chi phí sản xuất tăng cao.

Từ đó, nhiều đơn vị thích xuất khẩu thô hơn đầu tư chế biến sâu; hoặc chế biến bằng nguyên liệu điều nhập khẩu dù biết chất lượng nhiều khi không đảm bảo. "Đây cũng là một trong những lý do khiến hạt điều của nông dân Bình Phước có giá bán thấp hoặc khó bán", ông Đạt cho biết.

Thử nghiệm công thức gia vị mới trong chế biến điều nhân ở Công ty TNHH Vinahe. Ảnh: Trần Khánh

Thử nghiệm công thức gia vị mới trong chế biến điều nhân ở Công ty TNHH Vinahe. Ảnh: Trần Khánh

Theo ông Tạ Quang Huyên – Giám đốc Công ty Hoàng Sơn 1 (huyện Bù Đăng), hạt điều Bình Phước có chất lượng nhưng hạn chế số lượng. Hoàng Sơn 1 luôn cố gắng thu mua hạt điều của nông dân với giá tốt nhất để bà con yên tâm bám giữ cây điều.

Tuy nhiên, ông Huyên nhìn nhận, khâu chế biến hiện có rất nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ. Vì có rất nhiều doanh nghiệp cùng tham gia nên cũng cho ra rất nhiều loại sản phẩm có chất lượng khác nhau.

Không tránh khỏi trường hợp sẽ có người làm sản phẩm có chất lượng kém đi để bán hàng với giá rẻ. Điều này làm thị giá thị trường bị kéo xuống. "Hiệu quả của doanh nghiệp cũng như thu nhập của người trồng điều vẫn tiềm ẩn nhiều rủi ro", ông Huyên nói.

Ông Bạch Khánh Nhựt – Phó Chủ tịch Hiệp hội điều Việt Nam cho biết, diện tích trồng điều của Việt Nam khoảng 300.000ha, cung cấp khoảng 30% nguyên liệu cho nhu cầu chế biến của các doanh nghiệp. Trong số này, hạt điều mang chỉ dẫn địa lý chiếm một lượng rất nhỏ.

Có một nghịch lý đang diễn ra ở Bình Phước là diện tích và sản lượng điều thô thu hoạch được có xu hướng giảm nhiều.

"Việc duy trì và phát triển chỉ dẫn địa lý hạt điều Bình Phước vẫn là giải pháp quan trọng để thúc đẩy sản xuất, phát triển thị trường, nâng cao giá trị gia tăng, phát triển bền vững ngành điều", ông Nhựt nói.

Trần Khánh