Thứ Năm, ngày 16/01/2025 09:55 PM (GMT+7)

Nợ vay của "ông lớn" Hòa Bình cao gấp 10 lần vốn chủ sở hữu

2024-02-02 09:09:00

Nhờ hoàn nhập trích lập dự phòng nợ phải thu khó đòi, Xây dựng Hòa Bình (HoSE: HBC) đã có lãi trở lại trong quý IV/2023. Tuy nhiên, tính đến cuối năm 2023, nợ vay của Hòa Bình ghi nhận ở mức 4.719 tỷ đồng, cao gấp 10 lần vốn chủ sở hữu, trong khi đầu năm cao gấp 5 lần.

Nợ vay của "ông lớn" Hòa Bình cao gấp 10 lần vốn chủ sở hữu- Ảnh 1.

Tính đến cuối năm 2023, nợ vay của Hòa Bình ghi nhận ở mức 4.719 tỷ đồng, cao gấp 10 lần vốn chủ sở hữu. Ảnh: HBC

Theo BCTC quý IV/2023 của Công ty CP Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình (HoSE: HBC) mới công bố, doanh nghiệp này ghi nhận doanh thu thuần đạt 2.190 tỷ đồng, giảm 32% so với cùng kỳ. Giá vốn hàng bán giảm mạnh, xuống còn 2.137 tỷ đồng, giảm 41%.

Không còn kinh doanh dưới giá vốn, doanh nghiệp lãi gộp 53 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ lỗ hơn 462 tỷ đồng.

Đặc biệt, doanh thu tài chính trong quý này của HBC đã dương trở lại, đạt 20 tỷ đồng, cải thiện hoàn toàn so với mức âm 113 tỷ đồng ghi nhận cùng kỳ năm trước. Trong khi đó, nhờ chi phí lãi vay giảm, chi phí tài chính của doanh nghiệp cũng giảm khoảng 18% nhưng vẫn ở mức 135 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, doanh nghiệp còn ghi nhận khoản lỗ 32 tỷ đồng từ công ty liên doanh, liên kết và khoản chi phí bán hàng gần 17 tỷ đồng.

Tuy nhiên, khá may mắn là trong quý Hòa Bình được hoàn nhập 223 tỷ đồng chi phí quản lý doanh nghiệp, góp phần bù đắp toàn bộ các khoản chi phí nói trên, từ đó chuyển thành lãi 112 tỷ đồng, cải thiện hoàn toàn so với khoản lỗ thuần kỷ lục 1.214 tỷ đồng ghi nhận hồi quý IV/2022.

Theo thuyết minh báo cáo tài chính của Xây dựng Hòa Bình, động lực cho sự chuyển biến tích cực này là việc hoàn nhập trích lập dự phòng nợ phải thu khó đòi ở mức 310 tỷ đồng.

Kết quả, Hòa Bình báo lãi sau thuế 101 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ lỗ kỷ lục 1.202 tỷ đồng.

Lũy kế năm 2023, Hòa Bình ghi nhận doanh thu hơn 7.546 tỷ đồng, giảm 47% so với năm 2022. Đặc biệt, dù có lãi trở lại trong quý IV/2023 nhưng cả năm HBC vẫn lỗ ròng 777 tỷ đồng, song con số này đã cải thiện đáng kể so với khoản lỗ gần 2.600 tỷ đồng của năm 2022.

Với việc tiếp tục thua lỗ trong năm 2023, HBC đã nâng lỗ lũy kế lên 2.878 tỷ đồng (bằng 105% vốn điều lệ). Vốn chủ sở hữu của HBC chỉ còn 453 tỷ đồng.

Tại thời điểm 31/12/2023, tổng tài sản của Xây dựng Hòa Bình ở mức 13.055 tỷ đồng, giảm 16% so với số đầu năm. Trong đó, chiếm 65% tổng tài sản là các khoản phải thu ngắn hạn đạt 8.492 tỷ đồng, giảm 20%.

Lượng tiền mặt và tiền gửi chỉ còn gần 400 tỷ đồng. Hàng tồn kho tồn ghi nhận 2.285 tỷ đồng, chiếm 17% tổng tài sản và tăng nhẹ so với đầu năm.

Năm qua, Xây dựng Hòa Bình tăng gấp đôi số vốn đầu tư cho công ty liên doanh, liên kết với tổng giá trị trên 310 tỷ đồng, chủ yếu do phát sinh khoản đầu tư hơn 193 tỷ đồng vào Công ty Thành Ngân.

Về cơ cấu nguồn vốn, tổng nợ phải trả của HBC ở mức hơn 12.600 tỷ đồng, tăng gần 2.000 tỷ đồng so với đầu năm. Trong đó, tổng nợ vay ngắn hạn và dài hạn giảm hơn 1.400 tỷ đồng so với đầu năm về 4.718 tỷ đồng, gồm 684 tỷ đồng dư nợ trái phiếu, còn lại là vay ngân hàng và tổ chức khác.

Như vậy, nợ vay của "ông lớn" Hòa Bình hiện đang cao gấp 10 lần vốn chủ sở hữu, trong khi đầu năm chỉ cao gấp 5 lần.

Bước sang năm 2024, Xây dựng Hòa Bình kỳ vọng hồi phục tình hình kinh doanh sản xuất như thời điểm trước khi bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch Covid-19. Theo đó, HBC đặt mục tiêu doanh thu 10.800 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 433 tỷ đồng.

Trên thị trường chứng khoán, cổ phiếu HBC đang giao dịch ở vùng giá 9.000 đồng/CP.

Quốc Hải