Nhu cầu tích cực từ thị trường sẽ làm cho giá lúa gạo sớm tốt lên

11/09/2022 17:08 GMT+7
Dự báo, đến tháng 10, các nước đã thu hoạch lúa xong, Chính phủ các nước sẽ cấp quota nhập khẩu gạo trở lại và khu vực Đồng bằng sông Cửu Long cũng bắt đầu thu hoạch lúa Thu Đông, chất lượng gạo tốt cộng với nhu cầu thị trường mạnh sẽ làm cho giá lúa tốt lên.

Giá lúa ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long vẫn giảm giá ở một số địa phương. Tuy nhiên, theo một số thương nhân, nhu cầu đối với gạo Việt Nam có thể sẽ tăng trong thời gian còn lại của năm.

Giá lúa gạo sẽ tăng trong thời gian tới?

Giá lúa gạo hôm nay 11/9 tại các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long chững lại và đi ngang sau phiên điều chỉnh tăng. Hiện lúa IR 504 đang được thương lái thu mua ở mức 5.400 – 5.500 đồng/kg; lúa Đài thơm 8 5.600 – 5.800 đồng/kg; Nàng hoa 9 duy trì ở mức 5.600 – 5.800 đồng/kg; lúa OM 5451 ở mức 5.500 – 5.600 đồng/kg; OM 18 5.700 – 5.900 đồng/kg; nếp An Giang (tươi) 5.900 – 6.100 đồng/kg; nếp Long An (tươi) 6.200 – 6.500 đồng/kg; lúa IR 504 khô duy trì ở mức 6.500 đồng/kg; nếp An Giang khô 7.500 – 7.600 đồng/kg; nếp Long An khô 7.700 đồng/kg.

Với mặt hàng gạo, giá gạo nguyên liệu, thành phẩm không có biến động. Cụ thể, giá gạo nguyên liệu IR 504 đang ở mức 7.950 đồng/kg; gạo thành phẩm IR 504 giữ ở mức 8.500 – 8.550 đồng/kg. Giá phụ phẩm cũng không có biến động. Hiện giá tấm ở mức 8.300 đồng/kg, cám khô 7.600 – 7.700 đồng/kg.

Trong tuần qua, giá các loại lúa điều chỉnh giảm từ 100 – 200 đồng/kg trong phiên đầu tuần, tuy nhiên vào giữa và cuối tuần, giá lúa các loại đã tăng trở lại. Trong khi đó, giá gạo nguyên liệu, thành phẩm giảm 50 đồng/kg so với tuần trước. Giá phụ phẩm cũng giảm 100 đồng/kg so với tuần trước.

Tại chợ lẻ, giá gạo thường 11.500 đồng/kg – 12.500 đồng/kg; gạo thơm Jasmine 15.000 – 16.000 đồng/kg; gạo Sóc thường 14.000 đồng/kg; nếp ruột 14.000 – 15.000 đồng/kg; Gạo Nàng Nhen 20.000 đồng/kg; Gạo thơm thái hạt dài 18.000 – 19.000 đồng/kg; Gạo Hương Lài 19.000 đồng/kg; Gạo trắng thông dụng 14.000 đồng/kg; Nàng Hoa 17.500 đồng/kg; Sóc Thái 18.000 đồng/kg; Gạo thơm Đài Loan 20.000 đồng/kg; Gạo Nhật 20.000 đồng/kg; Cám 7.000 – 8.000 đồng/kg.

Nhu cầu tích cực từ thị trường sẽ làm cho giá lúa gạo sớm tốt lên - Ảnh 1.

Trên thị trường thế giới, giá chào bán gạo xuất khẩu vẫn đi ngang. Hiện giá gạo 5% tấm ở mức 393 USD/tấn; gạo 25% tấm 378 USD/tấn, gạo 100% tấm 383 USD/tấn.

Trong tuần đầu tiên của tháng 9, xuất khẩu gạo đi hầu hết các thị trường chính đều ở mức thấp do Việt Nam trong giai đoạn nghỉ lễ 2/9. Giá giao hàng các loại gạo thơm đều ghi nhận mức sụt giảm trong khi giá giao hàng nếp và tấm nếp tăng.

Cụ thể, tại thị trường Philippines, lượng gạo thông quan giảm hơn 50% so với tuần trước, giá giao hàng các chủng loại chính giảm 5 USD/tấn. Tương tự thị trường châu Phi cũng giảm mạnh.

Trong khi đó, tại thị trường Trung Quốc, giao hàng gạo tiếp tục đà tăng, giao dịch gạo OM 18 hè thu với khách hàng Trung Quốc sôi động hơn sau khi có thông tin Ấn Độ cấm xuất khẩu gạo tấm và áp thuế với gạo trắng.

Thời gian qua, Trung Quốc cũng đã mua gần một nửa tổng lượng gạo xay xát của Campuchia. Theo số liệu của Bộ Nông, Lâm và Ngư nghiệp Campuchia, trong 7 tháng đầu năm 2022, Campuchia đã xuất khẩu 350.902 tấn gạo, tăng 13,24% so với cùng kỳ năm ngoái, trong đó 169.766 tấn, chiếm 48,38% được xuất sang Trung Quốc, Ma Cao và Hồng Kong, tăng 10,29% so với năm ngoái.

Số lượng gạo xuất khẩu của Campuchia sang Trung Quốc đã đạt khoảng 200.000 tấn /năm, tương đương 1/2 hạn ngạch ưu đãi miễn thuế (400.000 tấn) được Trung Quốc áp dụng cho mặt hàng trên từ Campuchia. Hiện nay, Trung Quốc đã trở thành thị trường xuất khẩu gạo xay chính của Campuchia, đồng thời Campuchia có kế hoạch nâng hạn ngạch xuất khẩu gạo sang Trung Quốc lên 500.000 tấn vào năm 2023. Gạo Campuchia vì thế rất có lợi thế so với gạo Việt Nam ở thị trường Trung Quốc.

Nhiều doanh nghiệp gạo đánh giá, việc Ấn Độ áp mức thuế 20% với gạo xuất khẩu các loại là tín hiệu tốt với gạo Việt Nam. Bởi lâu nay gạo Việt Nam luôn bị cạnh tranh bởi gạo Ấn Độ và Thái Lan về giá. Thực tế, trong giai đoạn 2017 – 2018, Ấn Độ xuất khẩu khoảng 8 – 9 triệu tấn gạo/năm và giá gạo Việt Nam giá gạo xuất khẩu của Việt Nam trong giai đoạn này rất tốt. Tuy nhiên đến năm 2020, lượng gạo xuất khẩu của Ấn Độ đã tăng lên gấp đôi và đạt mức hơn 21 triệu tấn vào năm 2021. Điều này khiến giá gạo xuất khẩu trên thị trường bị giảm xuống. Dự báo, giá lúa gạo vụ đông xuân 2023 sẽ tăng lên.

Dự báo, đến giữa tháng 10, khi đó các nước đã thu hoạch lúa xong, Chính phủ các nước sẽ cấp quota trở lại và khu vực Đồng bằng sông Cửu Long bắt đầu thu hoạch lúa Thu Đông, chất lượng gạo tốt cộng với nhu cầu thị trường sẽ làm cho giá lúa tốt lên.

Theo các thương nhân xuất khẩu, giá gạo có thể tăng bởi nhu cầu gạo toàn cầu gia tăng sau các thảm họa thiên nhiên, như lũ lụt và hạn hán, trên khắp thế giới cộng với các chính sách thay đổi của các nước xuất khẩu gạo lớn. Tuy nhiên, giá lúa gạo chưa thể tăng trong ngắn hạn, có thể phải cuối tháng 9 hoặc tháng 10.

Gạo Việt vẫn có nhiều lợi thế cạnh tranh 

Mặc dù giá gạo Việt Nam trong tuần qua không có biến động, song theo đánh giá của các doanh nghiệp, mức giá hiện nay giúp gạo Việt có nhiều lợi thế cạnh tranh hơn so với gạo cùng loại của các quốc gia khác.

Dự báo về thị trường xuất khẩu gạo thời gian tới, nhiều doanh nghiệp và chuyên gia cho rằng, giá thị trường gạo sẽ có nhiều khả quan nhờ nhu cầu từ các nước Philippines, Trung Quốc và EU.

Dự báo này hoàn toàn có cơ sở khi ới đây, Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ, (USDA) đã hạ dự báo sản lượng gạo toàn cầu trong niên vụ 2022-2023 xuống còn 512,4 triệu tấn, giảm 1,2 triệu tấn so với niên vụ trước. Cùng với sản lượng giảm, USDA cũng cho biết, tồn kho cuối kỳ trong niên vụ 2022-2023 được điều chỉnh giảm 4,2 triệu tấn so với dự báo trước và giảm 3% so với niên vụ 2021-2022, xuống còn 178,5 triệu tấn và là năm sụt giảm thứ ba liên tiếp. Tuy nhiên, tiêu thụ dự báo tăng 2 triệu tấn lên mức kỷ lục 518,7 triệu tấn.

Tháng 8/2022, USDA dự báo, sản lượng gạo toàn cầu niên vụ 2021 – 2022 được dự báo sẽ tăng nhẹ so với dự báo trước đó. Nhập khẩu sẽ tăng cao do nhu cầu cao hơn từ Bangladesh, Philippines và Iraq. Tương tự, xuất khẩu cũng cao hơn một chút do sự gia tăng xuất khẩu đến từ Ấn Độ và Thái Lan.

Nhập khẩu gạo của một số quốc gia năm 2022 dự báo tăng so với ước tính trước đó. Tại Philippines, dự kiến lượng gạo nhập khẩu năm 2022 sẽ đạt 3,2 triệu tấn.

Theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam, 7 tháng đầu năm xuất khẩu gạo sang Philippines tăng mạnh vì họ lo ngại Ấn Độ dừng xuất khẩu gạo nên đẩy mạnh mua gạo từ Việt Nam. Tuy lượng gạo xuất khẩu tăng mạnh nhưng kim ngạch tăng không tương xứng, do thương nhân ép giá và tính ra giá trị xuất khẩu gạo sang Philippines giảm chứ không tăng so với cùng kỳ năm 2021.

Thống kê của Tổng cục Hải quan cho thấy, 8 tháng đầu năm, xuất khẩu gạo đạt lần lượt 4,73 triệu tấn và 2,3 tỷ USD, tăng 18,6% về khối lượng và 8,1% về giá trị so với cùng kỳ 2021.

Sản lượng tăng tốt nhưng giá gạo xuất khẩu liên tục đi xuống. Cụ thể, giá gạo 5% tấm của Việt Nam trong tháng 8 ở mức 390-393 USD/tấn, giảm 25 USD so với tháng trước và là đợt giảm lần thứ 4 liên tiếp. Hiện giá gạo Việt Nam thấp hơn Thái Lan do nhu cầu yếu và nguồn cung dồi dào từ thu hoạch vụ Hè Thu. Giá gạo Thái Lan tăng 4 USD/tấn trong tháng 8, còn gạo Ấn Độ tăng 1 USD/tấn.

Liên tục giảm nên giá gạo xuất khẩu bình quân 8 tháng của Việt Nam ước đạt 487 USD/tấn, giảm 8,8% so với cùng kỳ năm ngoái.

Hiện Philippines vẫn đứng đầu về tiêu thụ gạo của Việt Nam, chiếm 48,6% trong tổng lượng xuất khẩu và chiếm 46,4% trong tổng kim ngạch gạo xuất khẩu của cả nước, đạt 1,98 triệu tấn, tương đương 924,88 triệu USD, tăng tới gần 67% về lượng, tăng 40% về kim ngạch nhưng giảm 10,9% về giá.

Tiếp sau đó là thị trường Trung Quốc chiếm trên 11,4% trong tổng lượng và chiếm 12,2% trong tổng kim ngạch, đạt 466.225 tấn, tương đương 242,74 triệu USD, giảm 28% cả về lượng và kim ngạch; giá giảm nhẹ 1% so với cùng kỳ năm 2021.

Nhu cầu tích cực từ thị trường sẽ làm cho giá lúa gạo sớm tốt lên - Ảnh 2.

Nhận định về triển vọng xuất khẩu gạo thời gian tới, Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) cho rằng sản lượng gạo xuất khẩu của Việt Nam sẽ tiếp tục tăng, khi nhu cầu gạo từ Philippines không thể không tăng, cùng với nhu cầu nhập khẩu gạo trở lại từ thị trường Trung Quốc. VDSC cũng cho rằng biên lợi nhuận gộp của các nhà sản xuất gạo Việt Nam sẽ cải thiện nhờ xu hướng giảm giá phân bón sẽ tiếp tục trong thời gian tới.

Từ đầu năm 2022, cuộc khủng hoảng lương thực toàn cầu, hậu quả của đại dịch Covid-19, căng thẳng giữa Nga-Ukraine và sự gián đoạn chuỗi cung ứng toàn cầu, là một trong những mối quan tâm lớn nhất của người dân trên toàn thế giới. Hơn nữa, sự gia tăng mạnh mẽ của giá lúa mì trong giai đoạn tháng 6/2020 và tháng 5/2022 đã dẫn đến xu hướng sử dụng một số thực phẩm bằng gạo có giá thành rẻ hơn để thay thế lúa mì. Do đó, nhu cầu gạo toàn cầu đã tăng mạnh trong nửa đầu năm 2022 và tiếp tục tăng trong các tháng cuối năm nay.

Cùng với chi phí đầu vào (như phân bón) tăng mạnh, giá gạo thế giới đã tăng trong 6 tháng đầu năm 2022 sau khi tăng mạnh trong giai đoạn tháng 8/2020 và 12/2021. Mặc dù giá gạo toàn cầu điều chỉnh giảm hiện nay; song với Việt Nam (nước xuất khẩu gạo lớn thứ ba thế giới) giá xuất khẩu gạo trung bình khó có thể giảm xuống thấp nữa. Giá gạo Việt Nam có khả năng sẽ không giảm thêm vì nhu cầu toàn cầu vẫn mạnh, trong khi nguồn cung từ vụ thu hoạch hè thu ở tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long đang giảm.

VDSC kỳ vọng sản lượng gạo xuất khẩu của Việt Nam sẽ tiếp tục tăng trưởng dựa trên ba nguyên nhân chính: Thứ nhất, nhu cầu nhập khẩu từ Philippines - nhà nhập khẩu gạo lớn nhất của Việt Nam - được dự báo sẽ tiếp tục tăng. Tiêu thụ gạo ở Philippines đang tăng do giá lúa mì tăng cao. Bên cạnh đó, sản lượng gạo sản xuất của Phillippines được dự báo đi ngang (tăng 2% so với cùng kỳ theo dự báo của USDA) đã thúc đẩy hoạt động nhập khẩu. Do đó, Việt Nam, chiếm hơn 80% tổng thị phần xuất khẩu gạo vào Phillippines trong giai đoạn 2021-2022, sẽ được hưởng lợi.

Thứ hai, Trung Quốc - nhà nhập khẩu gạo lớn thứ hai của Việt Nam với 15% tổng giá trị xuất khẩu trong 5 tháng đầu năm 2022 - dự kiến sẽ quay trở lại nhập khẩu. Trong 5 tháng qua, xuất khẩu sang Trung Quốc giảm 19,5% cả về sản lượng và giá trị do chính sách Zero-Covid của nước này.

Mặc dù chính sách này chưa được dỡ bỏ, VDSC kỳ vọng rằng Trung Quốc sẽ quay trở lại nhập khẩu gạo ngày càng nhiều trong giai đoạn nửa cuối năm. Nguyên nhân chính là do các hạn chế nghiêm ngặt đối với việc di chuyển trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 đã gây ra gián đoạn hoạt động sản xuất nông nghiệp vụ xuân, do đó thúc đẩy nhập khẩu gạo và ngô.

Cuối cùng, xuất khẩu gạo sang châu Âu dự kiến sẽ tăng mạnh nhờ Hiệp định Thương mại Tự do Việt Nam - EU (EVFTA). Theo cam kết trong EVFTA, EU sẽ dành cho Việt Nam hạn ngạch xuất khẩu 80.000 tấn gạo/năm. Mặc dù nhập khẩu gạo từ EU chỉ chiếm 0,5% tổng giá trị xuất khẩu trong 5 tháng đầu năm 2022, nhưng có rất ít doanh nghiệp đạt tiêu chuẩn để vào thị trường này.

Hiện tại, các doanh nghiệp đang tận dụng tối đa việc nhu cầu tăng cao từ thị trường để đẩy mạnh xuất khẩu gạo. Doanh nghiệp xuất khẩu gạo cho biết, nhu cầu nhập khẩu gạo tại các thị trường vẫn ở mức cao, đặc biệt là thị trường Philippines và Trung Quốc. Gạo Việt Nam đang mở rộng tới nhiều thị trường nên các doanh nghiệp cần tận dụng lợi thế này để gia tăng sản lượng gạo xuất khẩu.

Với mục tiêu năm 2022 xuất khẩu 6,3 triệu tấn gạo, trị giá 3,3 tỷ USD, nhiều chuyên gia nông nghiệp cho rằng, xuất khẩu gạo hoàn toàn có thể đạt, thậm chí vượt kế hoạch đề ra. Để làm được việc đó, các doanh nghiệp cần khai thác triệt để lợi thế về giá, về nhu cầu thị trường và nhóm thị trường.

Được biết, thương mại gạo toàn cầu trong năm dương lịch 2023 được USDA điều chỉnh tăng nhẹ so với dự báo trước nhưng không thay đổi so với mức kỷ lục 54,7 triệu tấn của năm 2022.

So với niên vụ trước, các lô hàng xuất khẩu từ Australia, Trung Quốc, Ấn Độ, Guyana, Pakistan, Paraguay, Thái Lan và Uruguay dự kiến sẽ tăng lên trong năm 2023. Trong đó, xuất khẩu gạo của Ấn Độ dự kiến sẽ tăng 250.000 tấn lên mức kỷ lục 22 triệu tấn và chiếm 40% thương mại gạo toàn cầu.

Mặc dù sản lượng giảm nhưng Ấn Độ vẫn có nguồn cung gạo xuất khẩu lớn và giá cả cạnh tranh. Xuất khẩu gạo của Ấn Độ thậm chí còn nhiều hơn tổng khối lượng của ba nhà xuất khẩu lớn tiếp theo là Thái Lan, Việt Nam và Pakistan cộng lại. Ngoài gạo xát nguyên hạt, Ấn Độ còn xuất khẩu khối lượng kỷ lục gạo tấm giá rẻ, chủ yếu đến Trung Quốc, Tây Phi và Việt Nam.

Ngược lại, xuất khẩu gạo của Brazil, Myanmar, Campuchia, Nga và Việt Nam dự kiến sẽ giảm vào năm 2023.

Thông tin mới nhất cũng cho biết, Thái Lan dự kiến sẽ xuất khẩu 7,5 triệu tấn gạo trong năm nay, tăng so với mục tiêu 7 triệu tấn đề ra trước đó nhờ sản lượng gạo tăng cũng như do việc đồng nội tệ của nước này suy yếu trong bối cảnh an ninh lương thực toàn cầu bất ổn.

Trong thời gian từ tháng 1 đến tháng 7/2022, Thái Lan đã xuất khẩu được 4,09 triệu tấn gạo, tăng 54% so với cùng kỳ năm ngoái.

Thời tiết thuận lợi cũng đã góp phần làm tăng sản lượng gạo nước này, trong khi đồng baht yếu giúp giá gạo Thái Lan cạnh tranh hơn. Đồng baht đang ở mức gần như thấp nhất so với đồng USD trong hơn 15 năm qua.

Bộ Thương mại Thái Lan dự báo sản lượng gạo của nước này trong mùa vụ 2022-2023 có thể đạt 26,92 triệu tấn, tăng 2,09% so với mùa vụ trước đó.

Thái Lan hiện là nước xuất khẩu gạo lớn thứ 3 trên thế giới sau Ấn Độ và Việt Nam. Nhu cầu đối với gạo Thái Lan đã tăng cao trong năm nay do các nước tìm cách đảm bảo an ninh lương thực trong bối cảnh xung đột tại Ukraine khiến việc nhập khẩu các lương thực khác như bột mì gặp khó khăn.

Nguyễn Phương
Cùng chuyên mục