Thứ Bảy, ngày 18/01/2025 05:33 AM (GMT+7)

Nhớ Cồn Sơn từ Koh Kret

2024-02-14 15:40:06

Chưa xa lắm, chỉ mới hơn 10 năm trước, Cồn Sơn còn được biết tới với 6 không: không điện, nước, không đường, trường, trạm y tế và không chồng - do khá nhiều phụ nữ độc thân.

Chỉ từ 2014, khi điện về, mọi thứ mới bắt đầu thay đổi, nhất là về du lịch. Từ cồn sông nhỏ gần như vô danh ở quận Bình Thủy (TP.Cần Thơ), Cồn Sơn gần đây nổi lên như điểm sáng du lịch. Đặc biệt, không có lợi thế danh lam thắng cảnh, cồn nhỏ hút khách vì những nét đẹp mộc mạc của đời sống sông nước Cửu Long. 

Từ cồn nhỏ bình dị, cuộc sống giờ khá hơn, người Cồn Sơn cũng chỉnh mình lại tươm tất để đón tiếp du khách trong và ngoài nước, góp phần giới thiệu những nét đẹp miền sông nước, cuộc sống phóng khoáng đậm chất Nam bộ.

Nhớ Cồn Sơn từ Koh Kret- Ảnh 1.

Trải nghiệm đi xuồng ở Cồn Sơn, sẽ thú vị và lý thú hơn nếu kết hợp với các điểm tham quan hấp dẫn. Ảnh: Thái Hoãn

Các tour, nửa ngày hay nguyên ngày thường là: thăm nhà cổ Bình Thủy, ghé làng bè nuôi cá, xem cá lóc bay, cá được đút ăn bằng muỗng… Tiếp đến thăm vườn cò, vườn trái cây các loại, học làm vài loại bánh dân gian và thưởng thức ẩm thực bản địa, trái cây, nghe đờn ca tài tử…

Các hoạt động ở Cồn Sơn không ít nhưng dàn trải và chưa sâu. Ví dụ như, thăm bè cá là hay, nhưng nên chọn lọc để nhấn mạnh và có thêm nhiều "trò" hơn nữa. Tỷ như vẽ ra cuộc thi thố giữa các du khách cùng giống cá mè rô, loại cá săn mồi từ dưới nước lên trên không bằng việc bắn các tia nước lên cao 1 mét là điều độc đáo hầu như chưa thấy ở đâu.

Ở Cồn Sơn, các nhà vườn, điểm dừng chỉ chuyên biệt từng món riêng của họ, dù khách dừng ở đâu, thì món bánh xèo sẽ được nhà vườn này mang tới, dĩa gỏi điên điển sẽ là nhà vườn khác... cố định luôn. Có thể việc này mang tính chia sẻ, hoặc ngay cả việc mỗi nhà chuyên chú vào một món sẽ nâng cao hơn tay nghề… nhưng đã làm mất tính cạnh tranh. Điều này còn dẫn tới việc hạn chế tính sáng tạo.

Khía cạnh khác là về đường đất, hạ tầng. Dù thú vị với việc dạo bộ, nhưng thường khách nước ngoài, giới trẻ rất thích đạp xe qua những con đường rợp bóng cây, cánh đồng xanh mát. Mà hiện nay mấy con đường giữa đồng ruộng Cồn Sơn đi bộ còn khó chứ nói gì đạp xe. Nhưng việc be bờ, dặm cứng mấy con đường đất này thì không quá khó, hay tốn nhiều kinh phí.

Nhớ Cồn Sơn từ Koh Kret- Ảnh 2.

Cồn Sơn gần đây nổi lên như điểm sáng du lịch. Ảnh: Thái Hoãn

Những đề xuất này, ngắn hạn và dài hạn, có việc người dân tự làm được nhưng có thứ sẽ cần sự hỗ trợ từ chính quyền. Thử nhìn qua Nonthaburi, láng giềng sát Bangkok (Thái Lan) với điểm du lịch mới nổi là đảo Koh Kret (Koh Kred, Ko Kret) nằm trên dòng Chao Praya. Trước tiên là sự tiện lợi về di chuyển, với các tuyến buýt chạy hầu như 24/24 từ Bangkok tới bến phà. Phà thì liên tục từ 5 giờ sáng tới 9 giờ tối. Chưa kể tới các canô nối chuyến từ Bangkok tới Nonthaburi vào các ngày cuối tuần… tạo điều kiện dễ dàng cho những khách tự đi. Những chuyến đi luôn tấp nập du khách Tây - Tàu… và nhiều nhất là các bạn trẻ người Thái bản địa, điều mà hình như Cồn Sơn, cũng như nhiều điểm du lịch Việt Nam "bỏ quên".

Diện tích lớn hơn, khoảng 401 ha so với Cồn Sơn chỉ 70 ha, Koh Kret cũng có nhiều đường nhỏ, được khéo léo quảng bá là "đảo không xe hơi", "điểm đến yên bình cho một ngày lánh xa Bangkok ồn ào". Việc kế tiếp muốn đề cập là cách sử dụng thông tin. Không chỉ giới thiệu, quảng báo trên truyền thông, việc đầu tiên khi tới đảo là thông tin rõ ràng, đầy đủ trên bảng biểu, ở bến phà, các lối rẽ, trong tờ rơi cho khách thích thuê xe đạp hay đi bộ... Các điểm nổi bật như chùa chiền, lò gạch, lò gốm, bảo tàng, nhà hát rối mini, các điểm trải nghiệm như nơi cho khách tập làm đồ nung, gốm sứ… đều có hướng dẫn rõ. Cả thứ rất cần là chỉ dẫn tới các nhà vệ sinh công cộng miễn phí, sạch sẽ.

Những việc này Cồn Sơn đều có thể làm, thay đổi linh hoạt. Tỷ như có thể biến tấu việc đan lát để thành nón, quạt, hay quấn lá dừa thành con vật… để đích thân các bạn tự làm thành quà lưu niệm đem về, sẽ là một cách gián tiếp giới thiệu Cồn Sơn. Hoặc quá khó để làm nhà bảo tàng quy mô thì có thể học hỏi cách làm nhà lưu giữ, giới thiệu đồ đoàn của nhà nông, nghề chài lưới, làm vườn… như vài nơi bên Thái đã làm, ví dụ như đồ nạo dừa thôi họ có vài chục cái.

Không có nhà hát rối nước (dù mini), có thể giới thiệu văn hóa sông nước nhiều kiểu. Koh Kret vào cuối tuần, hội hè… có biểu diễn nghệ thuật miễn phí nơi đình chùa sân rộng. Cồn Sơn có đờn ca tài tử nhưng chỉ tại gia và theo yêu cầu của từng đoàn khách riêng. Chưa làm được sân khấu rộng thoáng, có thể chọn nhà nào thoáng đãng, sân rộng mát mẻ tiện sắp xếp ghế ngồi, làm nơi biểu diễn, theo khung giờ công bố sẵn, rõ ràng… thiết nghĩ sẽ không khó để thu hút thêm khách.

Nhớ Cồn Sơn từ Koh Kret- Ảnh 4.

Koh Kret xanh day sac giua song Chao Praya. Ảnh: Thái Hoãn

Về ẩm thực, trải nghiệm khá quan trọng cho các chuyến du ngoạn, bên Koh Kret người bản địa nhiều sáng kiến cũng không quá công phu. Như món hoa chiên giòn gồm hoa tươi ăn được như phượng, đậu biếc, bông bí, bông trang, bông điên điển, bông so đũa, bông hẹ… nhúng bột chiên giòn thơm lựng luôn đông khách bu quanh. Miền Tây không thiếu bông, còn phong phú hơn nữa.

Koh Kret tự hào tôn vinh ẩm thực xưa của đảo, như món "tiến vua" - Khao Chae, giờ bán dưới dạng thức ăn đường phố là "cơm nguội" nhưng nấu từ gạo hương lài, ăn với nước lạnh được ướp hương hoa, cùng những thứ ăn kèm thanh nhẹ… Cạnh đó là rất nhiều quầy, niêm yết giá cả rõ ràng bán từ bánh trái, chè, đến thức ăn mặn, chay… đang làm rực rỡ màu sắc, sực nức hương mùi quyến rũ.

Không giới hạn chuyện ăn uống ở vài nhà vườn như Cồn Sơn, Koh Kret nhiều quán café, quán ăn đa phong cách để bạn trẻ đi tự do không bó buộc thời gian ngồi thư giãn với kênh rạch dưới chân, gió sông mát mẻ mơn man. Hay các quán ven sông thoáng đãng với bia tươi nhà làm. Cồn Sơn chưa có bia nhà làm thì mấy ly bia tươi Phong Dinh mát lạnh, nhâm nhi giữa Hậu Giang mênh mang sẽ là điều du khách ngoại quốc khó thể cầm lòng. Trong khuôn viên chùa thoáng đãng - Koh Kret nhiều chùa, hay ở các lều nghinh phong cho khách nghỉ chân đều có bàn ghế để có thể mang thức ăn từ nhiều chỗ bán về nghỉ ngơi, nhâm nhi… Những việc này không quá khó để làm ở Cồn Sơn, càng tăng khả năng biến tấu, cạnh tranh của người địa phương để giới thiệu, phát huy các món ngon...



Trần Thái Hoãn
Cá dứa từ dân dã đến OCOP đi ra thế giới

Cá dứa từ dân dã đến OCOP đi ra thế giới

Từ một loài cá bản địa, có nhiều ở các khu rừng ngập mặn Cần Giờ, giờ đây cá dứa Cần Giờ đã trở thành đặc sản, được người tiêu dùng trong và ngoài nước đón nhận.