Chủ Nhật, ngày 19/01/2025 02:31 AM (GMT+7)
Nhiều nhà đầu tư mạnh vốn đang "săn" bất động sản bán cắt lỗ
2022-11-15 12:46:00
Nhiều nhà đầu tư đang tìm cách cắt lỗ, bán căn hộ, nhà đất… để thu hồi tiền vốn, cũng như giảm áp lực tài chính từ phía ngân hàng để vượt qua giai đoạn khó khăn của thị trường.
Nhà đầu tư phải bán cắt lỗ giảm áp lực tài chính
Những năm qua, vào dịp cuối năm thị trường bất động sản đều có hiện tượng nhà đầu tư xả hàng ngộp để kích cầu thị trường, đẩy hàng tồn. Tuy nhiên, 6 tháng cuối năm 2022, hiện tượng nhà đầu tư bán cắt lỗ đã diễn ra ồ ạt hơn. Nguyên nhân là do chính sách thắt chặt tài chính đã khiến nhà đầu tư đuối vốn, không gồng lãi được.
Theo ghi nhận của Dân Việt, nhiều nhà đầu tư đang tìm cách cắt lỗ, bán căn hộ, nhà đất… để thu hồi tiền vốn, cũng như giảm áp lực tài chính từ phía ngân hàng để vượt qua giai đoạn chững của thị trường.
Ông Nguyễn Đức (52 tuổi, quận Bình Thạnh) cho biết mình vừa mua dự án Huỳnh Trọng Nhân cho biết mình vừa rao bán 2 căn hộ tại dự án Pi City (quận 12) nhưng mãi không tìm được khách. "Tôi phải vay ngân hàng 2 tỷ để mua 2 căn hộ trên, đến bây giờ không gồng lãi nổi nên tôi bắt buộc phải bán. Thời điểm cuối năm rất nhiều việc phải cần tiền, lãi ngân hàng… cộng với việc không xoay được nhiều dòng vốn, nên tôi phải đành rao bán căn hộ trên.
Tuy nhiên, rao bán mãi cũng không ai mua, khách hàng chê mức giá cao quá khiến tôi phải hạ giá, chấp nhận bán cắt lỗ. Ấy vậy mà hơn 2 tháng qua, tôi ký gửi cho bên môi giới mà vẫn chưa tim được khách", ông Đức chia sẻ.
Trong khi đó, ông Nguyễn Quang Thanh - chuyên gia bất động sản cho rằng, các tháng cuối năm, nhiều nhà đầu tư buộc phải cắt lỗ, bán gấp bất động sản do tác động bất lợi của thị trường và lãi suất, nhất là ở phân khúc đất nền.
"Chúng ta nhìn bức tranh chung của thị trường hiện nay chính là tính thanh khoản thấp, các giao dịch bị chậm lại, tâm lý của người mua cũng bị ảnh hưởng rất nhiều. Đặc biệt, từ nay đến cuối năm, thị trường thứ cấp sẽ có rất nhiều nhà đầu tư xả hàng do "ngộp" tài chính hoặc muốn phân bổ lại dòng vốn. Vì vậy, họ buộc phải giảm giá 15 – 20%, thậm chí hơn" ông Thanh nhận định.
Một số chuyên gia nhận định việc nhiều nhà đầu tư cắt lỗ cũng không khiến cho thị trường bất động sản tốt hơn. Thị trường thứ cấp lúc đó có thể xuất hiện những làn sóng dịch chuyển vốn, tái cấu trúc vốn đáng kể của giới đầu tư địa ốc.
Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) đánh giá, hiện khó khăn đang "bủa vây" doanh nghiệp và nhà đầu tư. Nhiều doanh nghiệp bất động sản phải tinh giản tối đa bộ máy, giảm lực lượng lao động do "tắc" nguồn vốn tín dụng, nguồn vốn trái phiếu và nguồn vốn huy động từ khách hàng.
Cho nên, một số doanh nghiệp bất động sản "đói vốn" phải vay vốn ngoài xã hội với lãi suất rất cao, hoặc phải bán bớt tài sản, dự án hoặc bán sản phẩm bất động sản, nhà ở với chiết khấu sâu, thậm chí đến 30- 40% giá hợp đồng.
Nhà đầu tư mạnh vốn sẵn sàng gom hàng ngộp
Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch HoREA cho rằng thời điểm này, thị trường bất động sản xuất hiện ngày càng rõ cực thái: nhà đầu tư "vốn mỏng" phải bán lỗ, mong sớm "thoát hàng" nhưng khó tìm được đầu ra. Còn nhà đầu tư "mạnh về gạo, bạo về tiền" lại tích cực săn lùng, thu gom những "món hời" này.
"Thị trường bất động sản đang trong vòng xoáy tín dụng, nhà đầu tư thường hướng về dòng vốn trung – dài hạn. Khi tín dụng bị co lại, tâm lý nhà đầu tư sẽ chi "tiền tươi thóc thật" nhiều hơn sử dụng các đòn bẩy. Đây chính là cơ hội cho những người đang có sẵn 1 lượng tiền mặt nhất định" ông Lê Tứ giám đốc một môi giới bất động sản tại TP.HCM cho hay.
Cũng theo ông Tứ, vào thời điểm thị trường bất động sản khó khăn, những người môi giới, những người có tiềm lực tài chính họ thường chuẩn bị tâm lý để "săn" những bất động sản bán ra vì "ngộp".
"Đa phần những khu đất nền, căn hộ mà bán rao bán với giá thấp hơn thị trường, hoặc chiết khấu, hoặc bao thuế… thường là những nhà đầu tư đang cần thu hồi vốn. Thậm chí họ chịu cắt lỗ từ 20 - 30% chỉ để thu được dòng tiền. Vì bán được hàng, cầm được tiền trong tay mới có thể xoay xở ở đầu khác. Chính vì vậy, nhiều người luôn trong tâm thế chuẩn bị sẵn tiền để mua sản phẩm bất động sản này".
Bà Thanh Nga - nhà đầu tư có kinh nghiệm gần 15 năm chia sẻ nắm bắt được thời điểm các nhà đầu tư đuối vốn phải xả hàng, tôi và một vài người bạn cùng hùn vốn với nhau, tìm mua các sản phẩm ngộp. Chủ yếu là mua đất nền, có sổ sách, giá cả lại thấp, chỉ cần một thời gian là có thể tăng giá rồi bán. Nói chung, để đầu tư bất động sản, yếu tố về dòng vốn rất quan trọng. Tôi thường không phụ thuộc vào ngân hàng nên có muốn đầu tư cũng rất chủ động", bà Nga cho hay.
Ông Lê Tấn Hưng - Phó Giám đốc Công ty Nam Phát nhận định: "Hiện nay, việc tiếp cận vốn vay vô cùng khó khăn đã dẫn đến việc nhà đầu tư có động thái phải giảm giá tài sản để thoát hàng, thu hồi dòng tiền nhanh chóng nhằm dự phòng rủi ro. Trong cái khó khăn của người này, chính là cơ hội của người khác, nên việc các nhà đầu tư tại TP.HCM tìm mua bất động sản ngộp rất nhiều. Nên nhớ rằng, người sử dụng đòn bẩy kinh tế nhiều, nhưng người có sẵn tiền mặt cũng rất nhiều và đây là cơ hội làm ăn của họ".
Thị trường lao dốc, môi giới bất động sản lo ‘không có Tết’
Thị trường lao dốc khiến nhiều doanh nghiệp bất động sản đang phải gồng lương trả nợ cho nhân viên do dự án phải tạm ngừng vì thiếu vốn, còn môi giới nhà đất thì như ngồi trên chảo lửa vì không có việc làm, không có tiền sắm Tết.