Thứ Bảy, ngày 22/02/2025 09:53 AM (GMT+7)

Áp lực lớn, nhiều người làm công tác bồi thường giải phóng mặt bằng xin nghỉ việc

Trần Khánh

14/06/2022 15:34 GMT +7

Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Tây Ninh vừa có báo cáo, đề xuất đối với HĐND tỉnh cho ý kiến về việc xây dựng chính sách đặc thù đối với người làm công tác bồi thường giải phóng mặt bằng.

Thiếu hụt người làm công tác bồi thường giải phóng mặt bằng

Theo Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Tây Ninh, nhân lực thực hiện công tác bồi thường giải phóng mặt bằng đang thiếu hụt khá nghiêm trọng.

Các Trung tâm phát triển quỹ đất ở các huyện thị đã kiến nghị nâng mức đãi ngộ đối với người làm công tác bồi thường giải phóng mặt bằng.

Theo Thông tư số 74 năm 2015 của Bộ Tài chính, các Trung tâm phát triển quỹ đất cấp huyện được trích lại 2% kinh phí từ các dự án để sử dụng cho việc lập dự toán, thanh quyết toán kinh phí, tổ chức thực hiện bồi thường.

Một dự án giải phóng mặt bằng, nâng cấp đường giao thông nông thôn ở Tây Ninh. Ảnh: Trần Khánh

Một dự án giải phóng mặt bằng, nâng cấp đường giao thông nông thôn ở Tây Ninh. Ảnh: Trần Khánh

Tuy nhiên, nguồn kinh phí 2% từ các dự án không được sử dụng để cải cách tiền lương, phụ cấp, không được mua sắm thiết bị cho công tác giải phóng mặt bằng mà phải đi thuê. Đối với phần lớn số tiền được trích ra từ dự án, các Trung tâm phát triển quỹ đất phải trả lại cho nhà đầu tư.

Các Trung tâm phát triển quỹ đất ở Tây Ninh và đang gặp rất nhiều khó khăn trong hoạt động, cũng như trong chế độ đãi ngộ do được hưởng cơ chế tự chủ tài chính.

Vì thế, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Tây Ninh cho biết, một số Trung tâm phát triển quỹ đất đã kiến nghị UBND tỉnh cho các Trung tâm có đủ điều kiện được thực hiện cơ chế tự chủ tài chính.

Một số đơn vị kiến nghị cũng HĐND tỉnh ban hành nghị quyết về chính sách hỗ trợ đặc thù cho người làm công tác bồi thường và giải phóng mặt bằng.

Công tác giải phóng mặt bằng ở Tây Ninh gặp không ít khó khăn, trong đó có vấn đề thiếu hụt nhân sự nghiêm trọng. Ảnh: Trần Khánh

Công tác giải phóng mặt bằng ở Tây Ninh gặp không ít khó khăn, trong đó có vấn đề thiếu hụt nhân sự nghiêm trọng. Ảnh: Trần Khánh

Trước đó, thường trực HĐND tỉnh Tây Ninh đã có nhiều buổi làm việc, giám sát công tác giải phóng mặt bằng thực hiện các dự án đầu tư công tại các địa phương.

Các địa phương đã trình bày những khó khăn, vướng mắc trong công tác giải phóng mặt bằng, trong đó có vấn đề thiếu hụt nhân sự nghiêm trọng.

Người làm công tác bồi thường giải phóng mặt bằng lần lượt xin nghỉ việc

Ông Trần Minh Tâm - Phó chủ tịch UBND TX.Trảng Bàng cho biết, Trung tâm phát triển quỹ đất của thị xã được phân bổ 10 biên chế. Trong đó có 2 lãnh đạo phó và 1 lãnh đạo trưởng. Chỉ còn lại 7 người thực hiện số lượng công việc rất lớn.

Năm 2021, TX.Trảng Bàng có chủ trương cho Trung tâm phát triển quỹ đất bổ sung hợp đồng để tìm kiếm thêm nhân sự, thực hiện giải phóng mặt bằng. Tuy nhiên, ông Tâm cho rằng, việc giải phóng mặt bằng khó tìm kiếm nhân lực.

Cán bộ giải phóng mặt bằng phải thực hiện từ việc điều tra, cho đến tiếp xúc với người dân. Nhiều người dân nói chuyện khó nghe, không ít nhân viên bất mãn, đã phải nghỉ việc.

Vừa qua, Trung tâm phát triển quỹ đất TX.Trảng Bàng đã ký hợp đồng với 4 nhân viên. Đến nay đã có 2 người nghỉ việc, 2 người còn lại chuẩn bị nghỉ.

"Với số biên chế được giao khiêm tốn chỉ khoảng 9-10 người, trong khi số dự án cần giải phóng mặt bằng đang tăng, Trung tâm Phát triển Quỹ đất của các huyện đang thiếu nhân lực nghiêm trọng", ông Tâm nói.

Ông Trần Minh Chiến – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Tây Ninh cũng cho biết, số lượng biên chế về cán bộ công chức của Trung tâm phát triển quỹ đất ở cấp huyện còn thấp. Trong khi chế độ tiền lương không đủ trang trải, nhiều cán bộ làm ở Trung tâm phát triển quỹ đất đã xin nghỉ việc.

Các Trung tâm phát triển quỹ đất ở cấp huyện chưa áp dụng cơ chế tự chủ tài chính. Hầu hết cán bộ làm công tác giải phóng mặt bằng phải làm việc với trách nhiệm cao, rủi ro nhiều.

Cán bộ thực hiện công tác đo đạc để giải phóng mặt bằng ở Tây Ninh. Ảnh: Trần Khánh

Cán bộ thực hiện công tác đo đạc để giải phóng mặt bằng ở Tây Ninh. Ảnh: Trần Khánh

Trong khi đó, công tác giải phóng mặt bằng đòi hỏi nhân lực phải có trình độ. Lực lượng này phải làm việc tính tỉ mỉ với từng con số, chỉ một sơ suất nhỏ có thể dẫn tới việc thực hiện lại toàn bộ quy trình đo đạc, tốn kém thêm thời gian. Từ đó, việc chậm trễ ra thông báo thời gian thu hồi đất khiến giá đất lại tiếp tục diễn biến theo chiều hướng khác.

"Nếu việc đo đạc giải phóng mặt bằng thực hiện không khéo hoặc thất thoát, hoặc vi phạm, thà họ đi làm công nhân cho doanh nghiệp còn an toàn hơn", ông Chiến nói.

Từ đề xuất của Sở Tài nguyên và Môi trường, Thường trực HĐND tỉnh đã giao UBDN tỉnh Tây Ninh nghiên cứu và sớm có đề xuất chính thức về vấn đề này.

Ông Nguyễn Thành Tâm - Chủ tịch HĐND tỉnh Tây Ninh đề nghị UBND tỉnh có thể đề xuất chính thức đề xuất Bộ Tài chính sửa đổi Thông tư liên quan đến chế độ tiền lương. Hoặc, UBND đề xuất với HĐND tỉnh Tây Ninh cho chủ trương để nghiên cứu xây dựng nghị quyết.

"HĐND tỉnh sẵn sàng ban hành chính sách, tạo điều kiện tháo gỡ khó khăn cho các lực lượng làm công tác giải phóng mặt bằng, cũng như quy trình thủ tục giải phóng mặt bằng", ông Tâm nói.

Tây Ninh: Giải phóng mặt bằng thực hiện các dự án đầu tư công gặp nhiều khó khăn

Tây Ninh: Giải phóng mặt bằng thực hiện các dự án đầu tư công gặp nhiều khó khăn

Công tác giải phóng mặt bằng để thực hiện các dự án đầu tư công trên địa bàn tỉnh Tây Ninh thời gian qua gặp khá nhiều khó khăn. Nhiều dự án thu hồi, giải phóng mặt bằng không thể tniển khai phần lớn do người dân không đồng thuận về giá đền bù, thậm chí là khiếu nại kéo dài.