Thứ Bảy, ngày 18/01/2025 07:12 PM (GMT+7)

Nhà đầu tư trông chờ nguồn vốn nhờ các thương vụ M&A bất động sản

2023-04-05 09:59:00

Trong bối cảnh lạm phát và lãi suất tăng, dòng vốn bị thắt chặt, nhiều doanh nghiệp gặp khó, phải chật vật duy trì. Lúc này, kênh huy động vốn hiệu quả được nhiều nhà đầu tư trông chờ chính là hoạt động mua bán - sáp nhập (M&A) bất động sản.

Thị trường bất động sản đón nguồn vốn ngoại khủng

Thời gian qua, các doanh nghiệp bất động sản rất khó vay vốn để triển khai dự án và trả nợ ngân hàng, đáo hạn trái phiếu. Nhiều doanh nghiệp buộc phải cơ cấu lại danh mục đầu tư, chuyển nhượng dự án để có dòng tiền tái đầu tư. Điều này sẽ tạo động lực thúc đẩy các hoạt động M&A trong lĩnh vực bất động sản.

Số liệu cho thấy, cả năm 2022, tổng giá trị giao dịch các thương vụ M&A đạt 1,7 tỷ USD, mức kỷ lục trong 5 năm qua. Sang quý 1/2023, dù chưa có thống kê đầy đủ, nhưng dữ liệu thị trường cho thấy, các thương vụ M&A đã đạt giá trị gần bằng cả năm 2022. Đáng chú ý, hầu hết các thương vụ M&A là đến từ dòng vốn ngoại.

Nhà đầu tư trông chờ nguồn vốn nhờ các thương vụ M&A bất động sản - Ảnh 1.

Thời gian qua, thị trường đã diễn ra một số thương vụ M&A bất động sản khủng. Ảnh: H.T

Minh chứng là trong quý 1/2023, trên thị trường đã diễn ra một số thương vụ M&A ở lĩnh vực bất động sản. Mới đây, Công ty Nam Long đã hoàn tất chuyển nhượng 25% vốn điều lệ của Công ty TNHH Paragon Đại Phước. Sau khi chuyển nhượng, Công ty Nam Long sở hữu 75% vốn của Công ty TNHH Paragon Đại Phước - chủ đầu tư Khu đô thị Nam Long Đại Phước, có quy mô hơn 45ha. Doanh nghiệp này hiện có vốn điều lệ gần 1.678 tỷ đồng…

Trường hợp khác, sau khi hoàn tất thương vụ mua lại toàn bộ một dự án tại Bình Dương vào năm 2022 với giá trị gần 1.300 tỷ đồng, mới đây Gamuda Land tiếp tục mua lại dự án Elysian ở TP.Thủ Đức. Đáng chú ý sẽ là cú bắt tay giữa là CapitaLand và Vinhomes.

Mặc dù tại Việt Nam, chưa có bên nào lên tiếng chính thức xác nhận nhưng một đơn vị thành viên của CapitaLand Group cho biết, Việt Nam là một trong những thị trường cốt lõi của doanh nghiệp này nên họ liên tục đánh giá các cơ hội đầu tư để phát triển sự hiện diện của mình tại Việt Nam.

Theo Bộ Kế hoạch Đầu tư, trong 2 tháng đầu năm 2023, ước tính đã có gần 397 triệu USD vốn ngoại đổ vào ngành bất động sản, đóng góp 12,8% tổng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào Việt Nam. Hiện bất động sản là lĩnh vực thu hút FDI lớn thứ 2 tại Việt Nam. Trong bối cảnh hiện nay, khơi thông nguồn vốn là yếu tố quan trọng để hồi phục thị trường bất động sản và M&A đang là lựa chọn khả dĩ nhất trong các kênh.

Nhà đầu tư bất động sản kỳ vọng các thương vụ khủng

Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) cho biết, do "đói vốn", nên một số tập đoàn, doanh nghiệp bất động sản đang thu hẹp quy mô đầu tư - kinh doanh, như dừng, hoãn hoạt động đầu tư và thi công xây dựng dự án; dừng triển khai các dự án mới; dừng phát hành cổ phiếu tăng vốn; dừng kế hoạch IPO… Một số doanh nghiệp bất động sản phải tinh giản tối đa bộ máy, cắt giảm lương, giảm lực lượng lao động, thậm chí có doanh nghiệp giảm đến 50% lao động, tác động đến an sinh xã hội và cuộc sống người lao động.

Nhà đầu tư trông chờ nguồn vốn nhờ các thương vụ M&A bất động sản - Ảnh 3.

Doanh nghiệp bất động sản tìm đến kênh huy động vốn hiệu quả là M&A. Ảnh: H.T

Trong bối cảnh đó, doanh nghiệp bất động sản sẽ tìm đến kênh huy động vốn hiệu quả là M&A. Phát triển dự án bất động sản luôn cần lượng vốn lớn. Bởi vậy, để đảm bảo duy trì hoạt động ổn định khi bước vào năm 2023, doanh nghiệp bất động sản bắt buộc nghiên cứu tái cơ cấu danh mục đầu tư, xây dựng lại kế hoạch tài chính phù hợp.

Bà Dương Thùy Dung, Giám đốc cấp cao CBRE Việt Nam cho rằng, xu hướng M&A của các nhà đầu tư nước ngoài tại thị trường bất động sản Việt Nam đang là cơ hội lớn cho các doanh nghiệp trong nước. Việc liên kết giữa các nguồn lực tài chính sẽ giúp doanh nghiệp cải thiện năng lực để phát triển dự án và thu hút nguồn khách hàng mới.

"Tuy nhiên, để làm được điều này, các chủ đầu tư phải là nhà đầu tư lớn, rất minh bạch về tài chính và các con số thống kê. Họ phải có hồ sơ năng lực rất mạnh để thuyết phục nhà đầu tư nước ngoài. Tôi nghĩ rằng, liên doanh, liên kết và hợp tác sẽ là một hướng đi mới của các nhà đầu tư thay vì phải phụ thuộc vào nguồn vốn vay ngân hàng hay phát hành trái phiếu", bà Dương nêu quan điểm.

Nhà đầu tư trông chờ nguồn vốn nhờ các thương vụ M&A bất động sản - Ảnh 4.

M&A bất động sản là chiến lược hiệu quả để tối ưu hóa danh mục đầu tư và tăng cường năng lực tài chính. Ảnh: H.T

Từ góc nhìn đầu tư, ông David Jackson -Tổng giám đốc Colliers Việt Nam nhấn mạnh, hoạt động M&A sẽ đóng vai trò then chốt để "giải cứu" các nhà phát triển trong nước cũng như phù hợp với tâm lý đầu tư của các nhà giao dịch tin tưởng vào tiềm năng của thị trường bất động sản Việt Nam.

"Đối với nhà giao dịch là các quỹ đầu tư nước ngoài, trong nước hoặc các nhà phát triển lớn, M&A là chiến lược tăng trưởng nhanh và hiệu quả để tối ưu hóa danh mục đầu tư và tăng cường năng lực tài chính. Có thể nói, M&A được kỳ vọng sẽ là chìa khóa để giải bài toán cùng thắng (win - win) cho thị trường bất động sản, đồng thời trở thành động lực giúp thị trường bất động sản sôi động hơn trong thời gian tới", ông David Jackson cho biết.

"Sẽ có nhiều người bán hơn với muốn huy động vốn thông qua bán tài sản. Các hình thức M&A có thể kể đến như bán cổ phần dự án hoặc bán toàn bộ, bán quỹ đất hiện có hay bán bất động sản đang hoạt động. Có nhiều mức độ quan tâm đến M&A như vậy nên số lượng các chủ tài sản có nhu cầu bán là con số rất lớn, cao ấn tượng so với các năm trước.

Hồng Trâm