dd/mm/yyyy

Nguồn cung đường toàn cầu vụ 2024/25 thặng dư 5,5 triệu tấn, giá đường đang bị tác động mạnh

Giá đường thô và đường trắng trên hai sàn giao dịch kỳ hạn thế giới phiên hôm nay tiếp tục giảm. Thị trường đường toàn cầu đang trên đà thặng dư 5,5 triệu tấn trong niên vụ 2024/25, trong bối cảnh sản lượng tăng ở các khu vực trọng điểm.

Giá đường thô SBc1 kỳ hạn tháng 7/2024 trên sàn ICE giảm 0,06 cent, tương đương 0,3% chổt mức 18,92 US cent/lb. Giá đường trắng LSUc1 kỳ hạn tháng 8 trên sàn London giảm 0,3%, chốt ở 546,6 USD/tấn.

Theo các đại lý, thời tiết khô hạn ở Brazil vẫn là mối lo ngại gây thiệt hại cho cây mía. Họ cũng lưu ý đến thời tiết ở Ấn Độ, nơi có gió mùa thuận lợi cho cây mía phát triển tốt.

Thị trường đường toàn cầu đang trên đà thặng dư 5,5 triệu tấn trong niên vụ 2024/25, trong bối cảnh sản lượng tăng ở các khu vực trọng điểm.

Công ty Thương mại và Dịch vụ chuỗi cung ứng Czarnikow cho biết, sản lượng đường toàn cầu được dự kiến sẽ đạt 186,5 triệu tấn trong vụ tới, giảm 0,9 triệu tấn so với ước tính trước đó, nhưng vẫn ở mức cao thứ hai trong lịch sử, trong bối cảnh sản lượng đạt mức kỷ lục tại nhà sản xuất hàng đầu Brazil và hồi phục ở EU cũng như Thái Lan.

Czarnikow cũng dự đoán tiêu thụ đường trên thế giới sẽ vượt mức 180 triệu tấn vào năm 2024/25, giảm 1 triệu tấn so với ước tính trước đó, nhưng phù hợp với mức tăng liên tục trong những năm gần đây do dân số gia tăng.

Trung tâm dự báo thời tiết cho biết, lượng mưa thiếu hụt ở các vùng trồng đậu tương, bông và mía ở khu vực miền Trung Ấn Độ đã tăng lên 29% trong mùa vụ này.

Trong nước, giá đường trong nước gần như đi ngang quanh mức 20.000 - 21.000 đồng/kg trong tháng 5/2024, giảm 6% so với hồi đầu năm nay nhưng vẫn cao hơn 2% so cùng kỳ năm ngoái. Mức giá này cũng cao hơn mức giá bình quân cả năm 2023. Áp lực giảm trong tháng 5/2024 chủ yếu đến từ việc nhu cầu ở mức yếu hơn dự báo.

Theo nhận định mới đây của SSI Research, giá đường thế giới sẽ không tác động trực tiếp đến giá đường trong nước trong ngắn hạn do đường nhập khẩu đang được giám sát chặt chẽ và phải tuân thủ chính sách chống bán phá giá, chống trợ cấp của Bộ Công Thương. Bên cạnh đó, hoạt động giám sát chặt chẽ cũng giúp giảm đáng kể nguồn cung đường nhập lậu từ các nước có chung đường biên giới với Việt Nam.

Hiện một số doanh nghiệp đầu ngành mía đường Việt Nam cùng chung nhận định giá đường trong nước sẽ neo ở khoảng 20.000 - 21.000 đồng/kg trong niên vụ 2023/2024

Ông Nguyễn Văn Lộc - Chủ tịch Hiệp hội Mía đường Việt Nam (VSSA) cho biết, ngành mía đường Việt Nam đã kết thúc giai đoạn trồng mới cho vụ Đông Xuân và vào vụ ép mía 2023/2024. Diện tích mía thu hoạch ước tăng 12% so với cùng kỳ, đạt hơn 159.000 ha; và sản lượng đường các loại tăng 10%, vượt mốc 1 triệu tấn.

Tuy nhiên, mức sản lượng này vẫn chỉ đủ đáp ứng 1/3 nhu cầu tiêu thụ cả nước, còn lại sẽ phụ thuộc vào đường nhập khẩu. Do vậy, diễn biến giá đường năm nay sẽ phụ thuộc vào diễn biến cung - cầu nội địa, ít ảnh hưởng bởi giá thế giới trong ngắn hạn. Giá đường trong nước hiện vẫn thấp hơn giá đường nhiều nước trong khu vực như Trung Quốc, Indonesia, Philippines…

Theo số liệu ước tính của Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ (USDA), nhu cầu tiêu thụ đường của Việt Nam rơi vào mức 2,389 triệu tấn đường.

Mặc dù nhu cầu nhiều nhưng sản lượng đường sản xuất trong nước cho đến nay chỉ đáp ứng được 43% so với thực tế. Chính vì vậy, lượng đường nhập khẩu vào Việt Nam vẫn chiếm tỷ trọng khá lớn.

P.V