Thứ Sáu, ngày 17/01/2025 03:01 AM (GMT+7)

Người Việt ăn bao nhiêu gói mì tôm trong năm 2022?

2023-07-04 12:07:00

Trong năm 2022, Việt Nam đã tiêu thụ khoảng 8,48 tỷ gói mì ăn liền. Mì tôm chua cay là hương vị phổ biến nhất người Việt Nam sử dụng.

Dù người Việt Nam đã ăn 8,48 tỷ gói mì tôm trong năm 2022, tuy nhiên con số này lại giảm nhẹ khoảng 1% so với năm 2021. Đây là năm Việt Nam tiêu thụ đến 8,56 tỷ gói mì,  tăng hơn 20% so với 2020.

Theo số liệu của Hiệp hội mì ăn liền Thế giới (WINA), trong năm 2022, Trung Quốc/Hong Kong là nơi tiêu thụ mì ăn liền lớn nhất thế giới, với 45,07 tỷ gói.

Người Việt ăn bao nhiêu gói mì tôm trong năm 2022? - Ảnh 1.

Trong năm 2022, Việt Nam đã tiêu thụ khoảng 8,48 tỷ gói mì ăn liền. Mì tôm chua cay là hương vị phổ biến nhất người Việt Nam sử dụng. Ảnh: TL

Sếp thứ 2 là Indonesia, đã tiêu thụ hết 14,26 tỷ gói mì. Và Việt Nam xếp thứ 3 thế giới, đã tiêu thụ khoảng 8,48 tỷ gói mì ăn liền trong năm 2022.

Hiệp hội Mì ăn liền Thế giới cũng cho biết nhu cầu tiêu thụ mì ăn liền tập trung chủ yếu tại các nước châu Á. Cụ thể, trong số 10 nước tiêu thụ mì ăn liền nhiều nhất năm 2022, có đến 8 quốc gia châu Á. Thống kê của WINA cho thấy sức tiêu thụ mì ăn liền lớn nhất tập trung chủ yếu ở Trung Quốc, Indonesia, Việt Nam, Hàn Quốc, Nhật Bản... Chỉ có Mỹ Brazil nằm ngoài khu vực.

Theo đó, Mỹ cũng đã tiêu thụ 5,15 tỷ gói mì ăn liên, xếp vị trí thứ 6 trong số các quốc gia ăn nhiều mì ăn liền nhất thế giới và Brazil xếp thứ 10, tiêu thụ hết 2,83 tỷ gói mì trong năm qua.

Người Việt ăn bao nhiêu gói mì tôm trong năm 2022? - Ảnh 2.

So với năm 2021, sức tiêu thụ mì ăn liền của người Việt Nam giảm nhẹ 1%. Năm 2021, Việt Nam đã tiêu thụ đến 8,56 tỷ gói mì. Ảnh: H. Phúc

Các quốc gia châu Á trong Top tiêu thụ nhiều mì ăn liền năm 2022 lại tập trung nhiều ở Đông Nam Á. Như là Philippines, tiêu thụ hết 4,29 tỷ gói mì trong năm 2022, đứng thứ 7. Thái Lan xếp thứ 9 với lượng tiêu thụ hết 3,87 tỷ gói mì trong năm. Malaysia ăn hết 1,55 tỷ gói mì, Myanmar cũng tiêu thụ đến 770 triệu gói...

Đáng chú ý, 5 thị trường tiêu thụ chính của mì gói đều nằm ở Đông Nam Á, gồm, Indonesia, Việt Nam, Philippines, Thái Lan và Malaysia, và chiếm khoảng 23,5% nhu cầu về mì ăn liền của cả thế giới.

Về khẩu vị, theo Hiệp hội mì ăn liền Thế giới, người Việt Nam thích loại mì tôm chua cay và đây là hương vị phổ biến nhất tại Việt Nam. Đặc biệt, ngoài các gia vị có sẵn trong gói mì, người Việt Nam ăn mì ăn liên còn cho thêm hành, chanh và ớt vào tô mì đã nấu chín.

Cùng với mì tôm, món phở truyền thống của Việt Nam cũng được làm thành phở ăn liền, tạo nên nét độc nhất trong văn hóa mì gói.

Người Việt ăn bao nhiêu gói mì tôm trong năm 2022? - Ảnh 3.

Mì Hảo Hảo của Acecook được xem là gói mì "quốc dân", có mặt trong rất nhiều gian bếp của người Việt. Ảnh: Acecook

 Ở các quốc gia khác của châu Á, như Hàn Quốc ưa chuộng vị cay của ớt trong gói mì, Indonesia phổ biến với dòng mì Mie, trong khi người Trung Quốc ưa thích vị mì làm từ súp bò với ngũ vị hương…

Do nhu cầu lớn, Việt Nam hiện có khoảng 50 công ty sản xuất mì ăn liền, bao gồm cả doanh nghiệp nội và khối FDI. Tuy nhiên, thị phần đa số đang nằm trong tay một số ít doanh nghiệp lớn, như Công ty CP Acecook Việt Nam; Tập đoàn Masan; Công ty CP Thực phẩm Á Châu (Asiafoods).

Báo cáo của Euromonitor cuối năm 2022 cũng cho biết, Acecook và Masan là hai doanh nghiệp đang dẫn đầu thị trường mì gói, chiếm 33% thị phần. Riêng Acecook, bình quân doanh nghiệp Nhật Bản này cung ứng ra thị trường khoảng 3 tỷ gói mì mỗi năm.

Các sản phẩm mì ăn liền tại Việt Nam có 3 phân khúc tiêu dùng rõ rệt. Trong đó, phân khúc bình dân, có giá dao động khoảng 1.500 - 3.000 đồng/gói được tiêu thụ nhiều nhất. Phân khúc trung cấp với giá 3.500 - 5.000 đồng/gói còn phân khúc cao cấp từ 7.000 đồng/gói trở lên.

Người Việt ăn bao nhiêu gói mì tôm trong năm 2022? - Ảnh 4.

Ngoài các gia vị có sẵn trong gói mì ăn liền, người Việt Nam còn cho thêm hành, chanh và ớt vào tô mì đã nấu chín. Ảnh: TL

Tại buổi thông tin về chương trình giảm giá một số sản phẩm mì ăn liền hỗ trợ người tiêu dùng mới đây, đại diện Acecook Việt Nam nhận định, người tiêu dùng đang phải thích nghi với cuộc sống mới và thay đổi thái độ chi tiêu từ sau đại dịch Covid-19. Người tiêu dùng có xu hướng cắt giảm chi tiêu, và thận trọng hơn với các thói quen chi tiêu thường nhật, bao gồm cả các chi tiêu thiết yếu và thực phẩm.

Nhận thấy vấn đề này, Acecook Việt Nam đã nhanh chóng giảm giá các sản phẩm mì gói nhãn hiệu Hảo Hảo từ 4.500 đồng/gói xuống còn 4.000 đồng/gói.

Trước đó, tờ Korea Herald của Hàn Quốccho rằng, trung bình một người Việt Nam ăn khoảng 87 gói mỳ mỗi năm. Mức tiêu thụ của mỗi người Việt Nam đã tăng từ 55 gói mì vào năm 2019, lên 72 gói năm 2020 và 87 phần vào năm 2021.

Báo cáo nghiên cứu thị trường Facts and Factors, cho biết doanh thu của mì ăn liền dự kiến sẽ tăng từ 45,67 tỷ USD trong năm 2020 lên 73,55 tỷ USD vào năm 2026.

Q. Huy
Mì gói “quốc dân” của người Việt bắt đầu giảm giá từ tháng 7

Mì gói “quốc dân” của người Việt bắt đầu giảm giá từ tháng 7

Mỗi gói mì Hảo Hảo và phở Đệ Nhất của Acecook Việt Nam sẽ giảm 500 đồng bắt đầu từ tháng 7 tới, để chia sẻ khó khăn với người tiêu dùng.