dd/mm/yyyy

Ngọc Chiến: “Làm vì hôm nay và vì cả mai sau”

Đó là câu trả lời của Bí thư Đảng uỷ xã Ngọc Chiến (huyện Mường La, Sơn La) - ông Bùi Tiến Sĩ khi nói về những cổng bản làng mới được xây dựng bằng đá cuội, những cọn nước mới được lập nên, những thân cây cổ thụ hàng chục, hàng trăm năm tuổi, nhiều ha rừng đang được tăng cường chăm sóc, bảo vệ, trồng mới…

Xây dựng nông thôn mới theo nét riêng của mình

Dưới chân con đèo Sam Síp huyền thoại ở huyện Mường La, tỉnh Sơn La, tôi được nghe những già bản kể về vùng đất Ngọc Chiến nơi đỉnh trời của huyện Mường La. "Con đèo dài cả chục km này có tên tiếng Thái là Sam Síp, nghĩa là Ba Mươi; nó gồm 30 cái dốc dựng đứng, cua ngoặt nối tiếp nhau, dẫn ta lên với vùng cao Ngọc Chiến. Ngày trước chưa  có đường tốt nên Ngọc Chiến là vùng đất khó khăn vô vùng. Nhưng chính ở cái nơi gian khó ấy, nguời ta làm được nhiều điều mới lạ lắm" - già bản Hua Nặm, ông Lò Văn Cương, bảo như vậy.

Lời tâm sự của ông Cương đánh thức sự hiếu kì trong chúng tôi, thôi thúc cả đoàn nhanh chóng lên đường. Vượt đèo Sam Síp hôm nay tuy còn nhiều khó khăn nhưng không còn là nỗi kinh hoàng bởi con đường đã cứng hoá, chúng tôi tìm về Ngọc Chiến - thung lũng diệu kì của tự nhiên trên đỉnh dãy Hoàng Liên Sơn. Cũng bởi độ cao này nên Ngọc Chiến được mệnh danh là "Đà Lạt của Sơn La", khí hậu luôn trong lành, mát mẻ. Điều khiến chúng tôi không khỏi ngạc nhiên là Ngọc Chiến hôm nay có một dáng dấp khác hẳn với Ngọc Chiến mà tôi từng thấy trong vài ba năm trước. Đường bê tông chạy dọc khắp các bản làng, ngõ xóm, khu sản xuất. Dọc đường vào xã, không chỉ có nhiều vườn hoa tươi rực rỡ, cây trái sai trĩu quả mà còn rất nhiều chiếc cọn nước được dựng lên như một nét hoài cổ đang được quan tâm phục dựng. Đặc biệt, đầu lối vào các bản trong xã, trước đây chỉ là vài chiếc cột tre, gỗ xiêu vẹo, hợp lại thành cổng làng thì nay đã được xây dựng kiên cố, trang trí thuần bằng đá cuội, vừa hiện đại, vừa mang nét cổ truyền.

Ngọc Chiến: “Làm vì hôm nay và vì cả mai sau” - Ảnh 1.

Cổng bản Lướt, xã Ngọc Chiến (Mường La, Sơn La) được xây dựng từ vật liệu tại chỗ, vừa hiện đại vừa có dấu ấn riêng.

Anh Lò Văn Đại, nông dân bản Lướt, tự hào: Nhà báo thấy cổng vào bản Lướt có đẹp không ? Tự tay chúng tôi làm cả đấy. Cán bộ xã, bản xuống tuyên truyền với dân bàn cách xây dựng Nông Thôn mới theo nét riêng của Ngọc Chiến, đảm bảo bền, đẹp mà phải không tốn kém vì Nhà nước ta còn nghèo, không thể hỗ trợ hết được. Bàn đi tính lại mãi, lòng người ngày càng thuận hơn, thế là nhà nhà góp công, ai biết nghề thì làm thợ, ai không giỏi nghề thì nhặt đá, vận chuyển, đánh vữa… Khi đã chung tay chung sức rồi thì việc lớn cũng thành việc nhỏ. Cái cổng làng này tuy mới hoàn thiện chưa lâu nhưng đã được nhiều lượt khách ở dưới xuôi lên thăm và đứng chụp hình làm kỉ niệm đấy.

Ngọc Chiến: “Làm vì hôm nay và vì cả mai sau” - Ảnh 2.

Nông dân Ngọc Chiến phục dựng hàng chục cọn nước trên những đường liên xã, liên bản.

Nói về cách vận dụng vật liệu sẵn có để tạo nên những nét riêng biệt của địa phương mình, ông Lò Văn Pháng, nguyên Chủ tịch UBND xã Ngọc Chiến (vừa nghỉ hưu năm 2020), bảo: Thực hiện chủ trương của tỉnh, của huyện về phát triển Ngọc Chiến thành địa bàn du lịch cộng đồng, nhiều năm qua, Đảng bộ xã chúng tôi đã trăn trở để tìm ra những cách làm tốt nhất. Ngọc Chiến vốn là xã đặc biệt khó khăn nhưng lại có nhiều lợi thế về văn hoá, xã hội, môi trường, khí hậu để phát triển du lịch cộng đồng. Vì thế, trong 2 nhiệm kì vừa qua, chúng tôi tập trung cao cho phát triển kinh tế gắn với giao thông trong xã, bản. Bây giờ đời sống của người dân đã khá hơn, cái bụng đã no, cái áo đã lành thì người ta sẽ nghĩ tới những điều lớn lao hơn, cao đẹp hơn. Những cái cổng làng ghép nên bằng đá cuội hay những chiếc cọn nước dọc theo con đường về xã hôm nay chính là một phần trong những nỗ lực của Ngọc Chiến chúng tôi trong việc xây dựng nên một miền cổ tích để thu hút khách du lịch.

Thức dậy tự hào, khai sáng niềm tin

Đưa chúng tôi đi thăm những con đường bê tông vừa được cứng hoá, mở rộng, nắn cua trong các ngõ bản, ông Pháng tâm sự thêm: Đảng bộ xã nhiệm kì này đã có những cố gắng rất lớn để tạo dựng nên một Ngọc Chiến xứng tầm với địa danh du lịch cộng đồng ở Sơn La. Hầu hết những con đường chính trong các bản đều được điều chỉnh, nâng cấp rộng hơn, thẳng hơn, thuận lợi cho ô tô đi lại. Không ít gia đình đã sẵn sàng đập cả tường rào, công trình phụ của nhà mình, hiến đất cho giao thông công cộng để lấy một con đường ô tô thuận lợi. Hi sinh quyền lợi cá nhân vì việc chung với người nông dân nghèo là chuyện không hề nhỏ. Đó là hệ quả của một quá trình giác ngộ mang tính cách mạng với người dân nơi đây. Và người dân Ngọc Chiến chúng tôi có lí do để làm như thế.

Ngọc Chiến: “Làm vì hôm nay và vì cả mai sau” - Ảnh 3.

Người dân Ngọc Chiến đóng góp công sức làm đường giao thong nông thôn, tạo tiềm năng du lịch và phát triển cho hôm nay và mai sau.

Trò chuyện cùng những người dân bên bản Nà Tâu, chúng tôi mới hiểu rõ hơn cái lí do hi sinh vì quyền lợi chung của người dân Ngọc Chiến mà ông Pháng vừa nêu ra. Con người Ngọc Chiến vốn có ý chí kiên cường của miền sơn cước đầy gian khó. Bởi thế, trên đỉnh dãy Hoàng Liên Sơn thường bị mây mù che phủ này, bao đời qua, cộng đồng các dân tộc anh em ở đây vẫn chung tay vượt khó, xây dựng quê hương chứ không bỏ bản mà đi tìm nơi thuận lợi. Không chỉ bám bản, bám quê, nguời dân Ngọc Chiến còn hình thành và bảo tồn, phát triển nhiều nét văn hoá đặc sắc của mình: Lễ hội cốm mới, lễ cúng thần cây, thần rừng, lễ hội bắt cá… đồng thời làm nên những nét mới trong kinh tế, xã hội vùng cao. Phát triển vườn cây trái ôn đới tới cả ngàn ha, phát triển hàng trăm ha hoa tươi các loại, xây dựng bản du lịch, nhà du lịch cộng đồng kiểu Homstay…

Ngọc Chiến: “Làm vì hôm nay và vì cả mai sau” - Ảnh 4.

Những cọn nước này làm du khách thích thú khi đến với Ngọc Chiến.

Chỉ vào cây sa mu ngàn năm tuổi đang đứng sững sững bên cạnh nhà văn hoá bản Nà Tâu, mo bản Lò Văn Hải, bảo: Người Ngọc Chiến bao đời qua được sinh ra dưới những tán rừng, sống được nhờ rừng, yêu nhau, làm nhà cửa, sinh con đẻ cái… cũng dưới tán rừng, nhờ vào rừng. Vì thế, cây đại thụ là niềm tự hào của chúng tôi và luôn được chăm sóc, bảo vệ. Nhưng cái ý thức bảo vệ rừng nói chung  thì phải tới những năm gần đây, khi cán bộ xã, huyện chỉ ra cho chúng tôi thấy ý nghĩa của rừng, của môi trường tự nhiên thì phong trào trồng rừng, bảo vệ rừng mới thật sự hiệu quả. Giờ đây, dân Ngọc Chiến chúng tôi không chỉ tự hào vì mình đang gìn giữ một trong những cây sa mu đại thụ nhất vùng Tây Bắc mà còn tự hào bởi chúng tôi đang có cả ngàn ha rừng trồng và rừng nguyên sinh; có một môi trường sống trong lành mà nhiều nơi khác mong muốn. Đặc biệt, hàng trăm ha rừng Sơn tra của chúng tôi bây giờ cho thu nhập nhiều tỷ một năm, điều ấy càng làm cho người dân tin rằng có thể sống được và sống tốt nhờ thu nhập từ rừng.

Tuy đang là đầu hạ nhưng với lợi thế vùng cao và những cánh rừng bạt ngàn cây lá, đêm ở Ngọc Chiến se se lạnh. Chúng tôi quây quần bên bàn nước trong khu homestay mới dựng của ông Lò Văn Pháng, để tìm hiểu thêm về vùng đất đang trở mình này. Ông Pháng thủ thỉ: Trong khoảng gần chục năm trở về trước, Ngọc Chiến là vùng cao nhiều khó khăn, Nhà nước cũng chưa đầu tư kịp mà nội lực và nhận thức của bà con thì hạn chế. Đồng đất thiếu nước tưới chủ động, đá sỏi khô cằn, giá lương thực lại rẻ trong khi nhu cầu cuộc sống ngày một đòi hỏi cao hơn. Vì thế, mỗi năm có cả ngàn lượt người ở Ngọc Chiến phải xa quê, đi làm thuê, làm mướn kiếm sống.

Ngọc Chiến: “Làm vì hôm nay và vì cả mai sau” - Ảnh 5.

Người dân Ngọc Chiến (Mường La, Sơn La) sẵn sàng tháo dỡ một phần nhà ở của mình để xây dựng đường làng, ngõ bản rộng rãi, sạch đẹp.

Hầu hết thanh niên, cả nam và nữ đều đi làm thuê, không ít người phải sang tận Trung Quốc để kiếm sống vì không biết làm gì cho ra tiền trên mảnh đất này. Tới năm 2012 - 2014, dưới sự chỉ đạo của tỉnh, của huyện, xã  chúng tôi đã đánh giá lại tiềm năng và quyết tâm xây dựng những cánh đồng có thu nhập trăm triệu/ha ở chính địa bàn mình. Đầu tiên, chúng tôi thu hút những nông dân giỏi làm hàng hoá nông sản từ trong và ngoài tỉnh về đây, đầu tư nên những vườn rau, hoa, quả tươi có năng suất cao, thu nhập khủng. Họ đến đầu tư và thuê nhân công từ chính những bản làng này. Người dân nơi đây mắt thấy, tay sờ, được học kỹ thuật sản xuất mới, hiệu quả hơn cách làm cũ cả trăm lần ngay chính trên những ruộng nương của gia đình mình. Từ đó, tư duy của nông dân nơi đây cũng dần thay đổi. Rồi huyện, rồi tỉnh đầu tư vào đây cơ sở hạ tầng; phục dựng lại các lễ hội như: Cơm mới, thi bắt cá, cúng thần cây đại thụ, thi giã cốm, làm bánh dày, thổi khèn bè, múa hát…  và những hoạt động ấy đã đánh thức niềm tự hào về quê hương mình của người dân Ngọc Chiến, mở ra cho họ niềm tin có thể làm giàu trên chính quê hương mình. Ngọc Chiến sẽ là điểm đến yêu thích của nhiều du khách. "Khi dân đã tin thì sức mạnh cộng đồng sẽ giúp chúng ta thực hiện được nhiều việc lớn tới mức tưởng như không thể thực hiện được. Chính tôi hôm nay, đầu tư hết cả vốn liếng làm cái homestay này ngay trong thời điểm dịch dã hoành hành cũng bởi tôi có niềm tự hào và niềm tin vào tương lai phát triển du lịch của Ngọc Chiến " – ông Pháng bảo vậy trước khi dừng buổi trò chuyện để tranh thủ đi tưới nước cho những vạt hoa quanh khu nhà nghỉ.

Những làn gió mát rượi từ đỉnh dãy Hoàng Liên Sơn ào ạt thổi xuống thung lũng Mường Chiến, mang theo hương thơm của muôn loại cây rừng. Hít căng lồng ngực bầu không khí trong lành ấy, tôi lại chợt nhớ tới lời của Bí thư Đảng uỷ xã Ngọc Chiến - ông Bùi Tiến Sỹ: Ngọc Chiến hôm nay đang có sự đồng thuận cao giữa ý Đảng với lòng Dân. Sự đồng thuận ấy sẽ giúp chúng tôi xây dựng Ngọc Chiến thành một miền quê đáng sống, là điểm đến yêu thích của nhiều người. Những việc chúng tôi đang làm không chỉ để cho hôm nay mà còn cho cả con, cháu mình sau này nữa.

Kiều Thiện