Chủ Nhật, ngày 19/01/2025 10:24 PM (GMT+7)

Ngành nghề nào thu hút lao động trong 5 năm tới ở TP.HCM?

2024-05-23 13:57:16

UBND TP.HCM vừa thông qua Chiến lược lao động và việc làm trên địa bàn TP.HCM giai đoạn 2023 - 2025 và tầm nhìn đến 2030. Theo đó, xu hướng phát triển kinh tế số, chuyển đổi số, kinh tế xanh và kinh tế tuần hoàn đang và sẽ định hình lại tương lai của thị trường và các ngành trong vài thập kỷ tới.

Thành phố xác định 8 lĩnh vực trọng tâm phát triển nguồn nhân lực bao gồm: công nghệ thông tin - truyền thông, cơ khí - ô tô, cơ điện tử - tự động hóa (gồm kỹ thuật tay máy - người máy; công nghệ robot, robot di động, công nghệ kỹ thuật điều khiển tự động, tự động hóa công nghiệp; kỹ thuật điện tử, kỹ thuật cơ điện tử, điện tử công nghiệp, kỹ thuật điện công nghiệp - dân dụng, kỹ thuật lắp đặt điện, điều khiển công nghiệp, kỹ thuật máy lạnh và điều hòa không khí), kế toán - tài chính - ngân hàng - quản trị doanh nghiệp, logistics, chăm sóc sức khỏe, du lịch và lĩnh vực xây dựng - môi trường - đô thị.

Có 4 ngành công nghiệp trọng yếu của TP.HCM gồm cơ khí, điện tử - công nghệ thông tin, hóa chất - nhựa cao su, chế biến lương thực thực phẩm.

Ngành nghề nào thu hút lao động trong 5 năm tới ở TP.HCM?- Ảnh 1.

4 ngành công nghiệp trọng yếu của TP.HCM gồm cơ khí, điện tử - công nghệ thông tin, hóa chất - nhựa cao su, chế biến lương thực thực phẩm. Ảnh: TTXVN

Đặc biệt, trước yêu cầu tái cơ cấu nền kinh tế, trong đó nhiệm vụ chuyển đổi việc làm trong tương lai nhằm đáp ứng thị trường lao động toàn cầu, thành phố đã xác định 9 nhóm công nghệ chính sẽ phát triển và tác động đến sự hình thành 16 mô hình kinh doanh, ngành nghề mới, bao gồm: internet di động (mobile internet), điện toán đám mây (cloud computing), dữ liệu lớn (Big data), trí thông minh nhân tạo (Artificial intelligence), công nghệ tài chính (fintech), internet kết nối vạn vật (IoT), người máy tiên tiến (advanced robotics), sản xuất bồi đắp (Additive manufacturing), công nghệ bán dẫn.

Hai nhóm chuyển đổi mang tính tất yếu đồng thời là ưu thế cạnh tranh của thành phố cũng đã được xác lập là chuyển đổi số và chuyển đổi xanh. Theo đó, lao động việc làm cũng chuyển đổi tương ứng, đòi hỏi đáp ứng các kỹ năng, trình độ, khoa học công nghệ cao hơn, khắt khe hơn so với “truyền thống” trước đây.

Một thực tế cần được nhận diện: năng suất lao động xã hội của TP.HCM trong những năm qua đang tăng trưởng chậm hơn so với cả nước. Giai đoạn 2016-2022 chỉ tăng 4.23%/năm so với 6.71% năng suất lao động bình quân chung cả nước. Thành phố đầu tàu tồn tại những điểm yếu cố hữu như chi phí và mức sống cao khá cao đòi hỏi người lao động cân nhắc khi đến đây học tập, cư trú và làm việc; chênh lệch về kỹ năng lao động còn cao; chưa khắc phục hoàn toàn nghịch lý thừa lao động không phù hợp với những ngành nghề trong định hướng phát triển nhưng lại rất thiếu nhân lực chất lượng cao ở những ngành quan trọng; áp lực từ dân số đông, mật độ dân số cao; sử dụng nguồn nhân lực chưa hiệu quả và chất lượng đào tạo nguồn nhân lực chưa đáp ứng yêu cầu.

Ngành nghề nào thu hút lao động trong 5 năm tới ở TP.HCM?- Ảnh 2.

TP.HCM có khả năng thu hút đầu tư từ nhiều quốc gia nhờ nguồn nhân lực đã qua đào tạo. Ảnh: giaoducthoidai.vn

Những thách thức được đặt ra như các vấn đề về môi trường, biến đổi khí hậu; sự cạnh tranh gia tăng với thị trường nội địa như những trung tâm công nghiệp, kinh tế mới nổi đang dần bắt kịp thành phố về phát triển kinh tế; nguồn lao động nhập cư ngày trước chỉ có sự lựa chọn là TP.HCM thì nay có nhiều sự lựa chọn điểm đến hơn so với thời gian trước; biến động về tình hình thế giới và các yếu tố tác động khác; và giai đoạn dân số vàng đang qua.

Song, đây cũng là vùng đất hội tụ nhiều điểm mạnh như lực lượng lao động dồi dào, đa dạng; có hệ thống cơ sở giáo dục đào tạo nghề tốt, chất lượng; có nhu cầu lao động rất lớn; có vị trí địa lý thuận lợi, cửa ngõ giao lưu quốc tế, sức hấp dẫn cao đối với nhà đầu tư, lao động trình độ cao. Cùng với đó là cơ hội mở rộng hợp tác quốc tế do TP.HCM có khả năng thu hút đầu tư từ nhiều quốc gia; tiếp cận khoa học công nghệ và các khuynh hướng công nghệ mới; ưu đãi về chính sách…

Chưa kể thành phố có cơ cấu dân số trẻ, lực lượng lao động dồi dào, trong đó lực lượng lao động từ 15 tuổi trở lên đang làm việc chiếm khoảng 50% dân số thành phố. Cơ cấu lực lượng lao động trong độ tuổi từ 25 - 49 chiếm đa số, với tỷ trọng 71.2%, trong đó khu vực thành thị là 70.9%, khu vực nông thôn là 72.3%. 

Trình độ chuyên môn kỹ thuật của lực lượng lao động đang làm việc đã qua đào tạo đạt 87.27%, trong đó bậc đại học chiếm tỷ lệ cao nhất 87%, bậc cao đẳng 7% và bậc trung cấp chiếm 6%. Chưa kể mỗi năm, thành phố bổ sung một lực lượng lớn bước vào tuổi lao động và một bộ phận lao động nhập cư trong độ tuổi lao động từ các tỉnh thành trong cả nước và lao động người nước ngoài đến thành phố làm việc.

Với ưu thế đó, đặt trong tình hình mới khi Việt Nam đã chính thức trở thành Đối tác Chiến lược Toàn diện của các cường quốc trên thế giới mà TP.HCM là một “điểm cầu” quan trọng cộng với các quyết sách Vùng (như Nghị quyết 24 về phát triển kinh tế - xã hội vùng Đông Nam Bộ), và nội tại thành phố (với 2 Nghị quyết 31 của Bộ Chính trị và Nghị quyết 98 của Quốc hội) thì các giải pháp nêu ra trong bản chiến lược về lao động và việc làm lần này sẽ có đủ các điều kiện để vừa tạo sức hút lẫn sức bật của thị trường lao động - việc làm trong 5 năm tới.

Theo fili.vn

Quốc Học
Nhiều doanh nghiệp ở Bình Dương vẫn căng mình tuyển dụng lao động

Nhiều doanh nghiệp ở Bình Dương vẫn căng mình tuyển dụng lao động

Hết rằm tháng giêng, nhiều doanh nghiệp ở Bình Dương vẫn căng tuyển dụng lao động để đáp ứng nhu cầu sản xuất hàng hóa sau Tết, nhưng nguồn nhân lực đang khan hiếm.