Thứ Năm, ngày 16/01/2025 09:07 PM (GMT+7)

Nâng hạng thị trường, nhìn từ góc độ sở hữu nước ngoài và minh bạch thông tin

2023-09-30 07:42:00

Việt Nam đã đạt được những bước tiến trong việc thỏa mãn các điều kiện nâng hạng thị trường chứng khoán, nhưng còn một số hạn chế, đặc biệt về sở hữu nước ngoài. Chứng chỉ lưu ký không có quyền biểu quyết được xem là giải pháp hiệu quả cho vấn đề này.


Quyết tâm nâng hạng thị trường trước năm 2025

Nâng hạng thị trường chứng khoán là một trong những mục tiêu lớn mà Chính phủ đang hướng tới, quyết tâm nâng hạng từ thị trường cận biên lên mới nổi trước năm 2025.

Minh bạch thông tin và giới hạn sở hữu nước ngoài là 2 trong các tiêu chí quan trọng để nâng hạng thị trường chứng khoán theo tiêu chí của MSCI và FTSE Russell.

Về vấn đề minh bạch thông tin, yêu cầu khi công bố thông tin là phải đảm bảo tính minh bạch theo nguyên tắc: (i) Phải đầy đủ, chính xác, không xuyên tạc, bóp méo hoặc có những hành vi cố ý gây hiểu nhầm; (ii) Phải được công bố kịp thời và liên tục; (iii) Lập và công bố phù hợp với chuẩn mực kế toán, đảm bảo dễ hiểu, đáng tin cậy và có thể so sánh được; (iv) Đảm bảo công bằng đối với các đối tượng nhận thông tin công bố, không có sự phân biệt giữa các đối tượng; (v) Đối tượng công bố phải có trách nhiệm với thông tin công bố về hình thức, nội dung cũng như tính minh bạch của thông tin.

Theo đánh giá của MSCI và FTSE Russell, các thông tin về thị trường chứng khoán Việt Nam thường không có bản tiếng Anh, hoặc không đủ chi tiết, nhưng thời gian qua, cơ quan quản lý đã nỗ lực cải thiện tình trạng này, giúp thị trường chứng khoán ngày càng minh bạch và lành mạnh.

Nâng hạng thị trường, nhìn từ sở hữu nước ngoài và minh bạch thông tin - Ảnh 1.


Các quy định về công bố và minh bạch thông tin dần tiệm cận với chuẩn mực và xu hướng thế giới, được quy định chi tiết trong Luật Chứng khoán năm 2019, Nghị định 155/2020/NĐ-CP ngày 31/12/2020, Thông tư 96/2020/ TT-BTC ngày 16/11/2020.

Việc công bố thông tin bằng tiếng Việt và tiếng Anh được áp dụng đối với Sở Giao dịch chứng khoán, Trung tâm Lưu ký chứng khoán. Các đối tượng khác được khuyến khích công bố thông tin bằng tiếng Anh.

Hiện tại, nhiều doanh nghiệp đã chủ động trong việc công bố thông tin bằng tiếng Anh, riêng nhóm VN30 đã có 100% doanh nghiệp công bố thông tin bằng tiếng Anh.

Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cho biết, cơ quan này sẽ tiếp tục đề xuất sửa đổi các văn bản pháp lý liên quan để đảm bảo thị trường chứng khoán tăng tính minh bạch, công khai, bền vững, hỗ trợ cho tiến trình nâng hạng.

Thực tế cho thấy, ảnh hưởng của các tổ chức xếp hạng thị trường chứng khoán ngày càng lớn, thậm chí được nhắc đến như “la bàn” dẫn dắt luồng vốn đầu tư chứng khoán toàn cầu, trong đó có luồng vốn vào Việt Nam. Vai trò của các tổ chức này càng tăng lên khi chứng kiến sự phát triển mạnh mẽ của các quỹ hoán đổi danh mục (ETF). Với cơ cấu danh mục đầu tư dựa vào việc mô phỏng lại chỉ số của các thị trường chứng khoán, báo cáo của các tổ chức này là căn cứ quan trọng để ra quyết định đầu tư.

Ước tính, đến cuối năm 2022, tổng giá trị các quỹ ETF quản lý lên đến 9.600 tỷ USD. Theo Quỹ Tiền tệ Quốc tế, khoảng 70% quyết định phân bổ vốn đầu tư vào các thị trường chứng khoán của các nhà đầu tư quốc tế chịu ảnh hưởng từ việc xếp hạng thị trường.

Việc được đưa vào danh sách nâng hạng thị trường chứng khoán của các tổ chức xếp hạng sẽ mang lại nhiều tác động tích cực đến việc thu hút vốn đầu tư, đặc biệt là các nguồn vốn lớn, ổn định; tạo cơ hội hoàn thiện thị trường về cả góc độ quản lý cũng như cấu trúc; đồng thời tạo tác động lan toả tích cực đến thị trường tài chính.

Báo cáo đánh giá của Ngân hàng Thế giới chỉ ra việc nâng hạng thị trường sẽ thu hút khoảng 7,2 tỷ USD nguồn vốn ngoại ròng đổ vào thị trường chứng khoán Việt Nam mỗi năm. Bên cạnh đó, khả năng định giá cổ phiếu cũng sẽ được cải thiện, từ đó tạo ảnh hưởng tích cực tới công tác cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước.

Các quỹ đầu tư theo phương pháp thụ động như ETF thường tập trung đầu tư vào các thị trường mới nổi sẽ tự động phân bổ một phần nguồn vốn vào các thị trường được nâng hạng. Hiện tại, các quỹ đầu tư thụ động chủ yếu dành 2 - 3% nguồn vốn vào các thị trường cận biên.

Chia sẻ tại Hội nghị đối thoại với cộng đồng nhà đầu tư quốc tế với chủ đề “Khai mở tiềm năng thị trường chứng khoán Việt Nam - hướng tới vị thế thị trường mới nổi” tại Hồng Kông (Trung Quốc) cuối tháng 8/2023, bà Vũ Thị Chân Phương, Chủ tịch Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước một lần nữa khẳng định, nâng hạng thị trường là một trong những mục tiêu lớn mà Chính phủ Việt Nam đang hướng tới.

Mục tiêu Việt Nam hướng đến nâng hạng thị trường chứng khoán từ thị trường cận biên lên mới nổi trước năm 2025 đã được đưa vào Đề án “Cơ cấu lại thị trường chứng khoán và thị trường bảo hiểm đến năm 2020 và định hướng đến năm 2025”; đồng thời được đưa vào dự thảo “Chiến lược phát triển thị trường chứng khoán đến năm 2030”.Theo đánh giá của các tổ chức xếp hạng, thị trường chứng khoán Việt Nam hiện đáp ứng được 8/17 tiêu chí nâng hạng của MSCI và 7/9 điều kiện của FTSE Russell. Khả năng nâng hạng thị trường chứng khoán Việt Nam là khá cao, khi nhiều nước trong khu vực đã vào nhóm thị trường mới nổi như Indonesia, Ấn Độ, Thái Lan, Trung Quốc từng gặp phải một số vấn đề cần cải thiện như Việt Nam mà Việt Nam có thể học hỏi kinh nghiệm.

Thị trường chứng khoán Việt Nam hiện đáp ứng được 8/17 tiêu chí nâng hạng của MSCI và 7/9 điều kiện của FTSE Russell.

Phạm Tiến Đạt, Viện Chiến lược và Chính sách tài chính


Những trở ngại cần tháo gỡ của thị trường chứng khoán Việt Nam không chỉ phụ thuộc vào Bộ Tài chính, mà còn phụ thuộc vào các bộ, ngành khác, nhất là Ngân hàng Nhà nước và Bộ Kế hoạch và Đầu tư. Trong khi vai trò của Ngân hàng Nhà nước rất quan trọng trong việc triển khai mô hình đối tác bù trừ trung tâm (CCP) - phương án tối ưu để xử lý vấn đề yêu cầu ký quỹ trước giao dịch, thì phía Bộ Kế hoạch và Đầu tư là vấn đề liên quan đến sở hữu nước ngoài, nhằm đáp ứng yêu cầu công bố đầy đủ tỷ lệ sở hữu nước ngoài tối đa của các ngành nghề kinh doanh có điều kiện, hạn chế tiếp cận và chỉ hạn chế sở hữu nước ngoài đối với những ngành thực sự cần thiết.

Mô hình chứng chỉ lưu ký không có quyền biểu quyết

Vấn đề hạn chế giao dịch của nhà đầu tư nước ngoài là vấn đề nhiều thị trường gặp phải, không riêng Việt Nam. Thực tế, mỗi thị trường có cách xử lý riêng, tiêu biểu như cổ phiếu không có quyền biểu quyết (restricted shares) tại Malaysia, cơ chế giao dịch cho nhà đầu tư nước ngoài tại Nhật Bản, chứng chỉ lưu ký không có quyền biểu quyết (NVDR) tại Thái Lan… Thông qua các cơ chế được thực hiện, nhà đầu tư nước ngoài được giao dịch trên thị trường chứng khoán, dù cổ phiếu bị hạn chế tỷ lệ sở hữu.

NVDR đang được xem là một trong các giải pháp trước mắt cho bài toán giới hạn sở hữu của khối ngoại tại Việt Nam. Mô hình này cho phép các nhà đầu tư nước ngoài có thể thực hiện giao dịch các loại chứng khoán trong điều kiện đã hết “room” theo quy định. Đây là giải pháp đã được Ủy ban Chứng khoán Nhà nước nhắc tới khi FTSE Russell công bố kết quả xếp hạng thị trường hồi tháng 3/2023.

Theo các nghiên cứu tại Thái Lan, từ năm 2000, NVDR đã làm tăng tính thanh khoản đáng kể cho thị trường chứng khoán Thái Lan mà không làm mất đi quyền kiểm soát doanh nghiệp của nhà đầu tư trong nước trong những ngành nghề kinh doanh trọng yếu.

Một nghiên cứu của Đại học Chulalongkorn (Thái Lan) và Đại học Southern Mississippi (Mỹ) công bố năm 2016 đi đến kết luận rằng, NVDR được xem là giải pháp phù hợp với các quốc gia đang phát triển để đạt được sự cân bằng giữa việc duy trì sự kiểm soát của nhà đầu tư trong nước đối với các ngành nghề kinh doanh trọng yếu và thu hút được nguồn vốn ngoại vào thị trường chứng khoán.

Theo công bố của Sở Giao dịch chứng khoán Thái Lan, giá trị giao dịch của NVDR chiếm 15% tổng giá trị giao dịch toàn thị trường và 40% giao dịch của nhà đầu tư nước ngoài từ khi NVDR được áp dụng. Đây là một trong các giải pháp hỗ trợ Thái Lan được các tổ chức xếp hạng nâng lên thị trường mới nổi.

Về bản chất, NVDR được phát hành cho nhà đầu tư bởi “tổ chức phát hành NVDR” và tự động niêm yết trên Sở Giao dịch chứng khoán. Việc phát hành và thu hồi NVDR sẽ được thực hiện theo cơ chế tự động ngay sau khi nhà đầu đặt lệnh mua/bán cổ phiếu cơ sở thành công. Tổ chức phát hành NVDR thay mặt nhà đầu tư NVDR sở hữu cổ phiếu cơ sở, tất cả những quyền lợi tài chính phát sinh từ cổ phiếu cơ sở sẽ được tổ chức phát hành NVDR chuyển giao cho người sở hữu NVDR, ngoại trừ quyền tham dự và biểu quyết tại đại hội đồng cổ đông.

Một số đặc điểm cơ bản của NVDR theo mô hình của Thái Lan là: (i) Được phát hành và thu hồi bởi tổ chức trung gian độc lập là công ty con của Sở Giao dịch chứng khoán; (ii) Được niêm yết tự động và hủy niêm yết khi cổ phiếu cơ sở bị hủy niêm yết; (iii) NVDR tương ứng với một cổ phiếu cơ sở; (iv) NVDR được giao dịch và khớp lệnh cùng với các lệnh mua/bán cổ phiếu trên cùng một sổ lệnh; (v) Tổ chức phát hành NVDR chỉ chuyển giao quyền lợi tài chính, không chuyển giao quyền biểu quyết, trừ khi cần biểu quyết về việc hủy niêm yết cổ phiếu do vấn đề này ảnh hưởng nghiêm trọng đến nhà đầu tư NVDR; (vi) NVDR có thể được chuyển đổi sang cổ phiếu cơ sở (sau khi chuyển đổi vẫn đảm bảo tuân thủ giới hạn về tỷ lệ sở hữu nước ngoài đối với cổ phiếu đó) và có thể chuyển nhượng cho người khác thông qua các hình thức như: cho, biếu, tặng; (vii) NVDR không giới hạn sở hữu đối với nhà đầu tư nước ngoài.

Tổ chức phát hành NVDR sẽ nhận và chuyển giao quyền lợi tài chính cho các nhà đầu tư các quyền lợi như cổ tức bằng tiền, cổ tức bằng cổ phiếu hoặc cổ phiếu thưởng. Tổ chức phát hành NVDR được nhận thêm cổ phiếu và sẽ phát hành thêm NVDR trên cổ phiếu mới cho nhà đầu tư NVDR, phát hành thêm quyền mua cổ phiếu.

Đồng thời, khi được nhận bất cứ các quyền lợi tài chính nào khác liên quan đến cổ phiếu, chẳng hạn khi có chào mua công khai cổ phiếu, tổ chức phát hành NVDR phải thông báo cho nhà đầu tư và thực hiện theo yêu cầu của nhà đầu tư.

Tại Việt Nam, các quy định pháp lý về sự ra đời của NVDR đã được xây dựng từ Luật, đến Nghị định. Theo đó, NVDR có đầy đủ cơ sở pháp lý để ra đời và đưa vào vận hành trong thực tế. Luật Chứng khoán năm 2019 và Luật Doanh nghiệp năm 2020 đã có những điều chỉnh bước đầu về cơ chế vận hành của NVDR trong công ty cổ phần. Theo đó, khoản 6 Điều 114 Luật Doanh nghiệp năm 2020 quy định: “Cổ phần phổ thông được dùng làm tài sản cơ sở để phát hành NVDR được gọi là cổ phần phổ thông cơ sở. NVDR có lợi ích kinh tế và nghĩa vụ tương ứng với cổ phần phổ thông cơ sở, trừ quyền biểu quyết”.

Luật Doanh nghiệp 2020 đã định danh về NVDR trên cơ sở khái niệm “chứng chỉ lưu ký” của Luật Chứng khoán năm 2019. Việc đưa quy định về NVDR vào Luật Doanh nghiệp là phù hợp, điều này đảm bảo dựa trên quy định mang tính định danh của hai bộ luật, Chính phủ và Bộ Tài chính có căn cứ pháp lý để ban hành các văn bản hướng dẫn về NVDR.

Về tổ chức phát hành, Luật Chứng khoán năm 2019 cho phép hợp nhất 2 Sở giao dịch chứng khoán hiện nay thành Sở Giao dịch chứng khoán Việt Nam. Luật này cũng có quy định bổ sung quyền của Sở giao dịch chứng khoán trong việc lập các công ty con để thực hiện chức năng tổ chức và vận hành thị trường giao dịch chứng khoán. Đây là một điểm thuận lợi để triển khai NVDR, vì Sở giao dịch này có thể thành lập 1 công ty con nhằm vận hành NVDR, tương tự như vai trò của Sở Giao dịch chứng khoán Thái Lan và Công ty Thai NVDR.

Tiền đề cho sự ra đời của NVDR đã có, kinh nghiệm quốc tế về thành công cũng khá rõ ràng, sự đồng thuận từ phía cơ quan quản lý đã nhiều lần được nhắc đến, nên việc đưa NVDR vào thực tế có thể được triển khai vào thời gian tới. Điều này được kỳ vọng sẽ giải quyết bài toán giao dịch cho nhà đầu tư nước ngoài, qua đó góp phần đạt được mục tiêu nâng hạng thị trường trước năm 2025.

Theo Đầu tư Chứng khoán

Phạm Tiến Đạt