Thứ Năm, ngày 16/01/2025 09:11 PM (GMT+7)

Mỹ phẩm Nhật Bản 100.000-200.000 đồng tràn ngập chợ mạng

2023-12-08 11:10:50

Mỹ phẩm được quảng cáo là hàng Nhật Bản giá dao động 100.000-200.000 đồng/sản phẩm được bán ngày càng nhiều. Người mua cho biết họ bị thu hút vì giá rẻ và mua vì... có niềm tin với người bán.

Trên các nhóm kín, diễn đàn trao đổi mua bán mỹ phẩm online, số lượng bài đăng quảng cáo mỹ phẩm nguồn gốc Nhật Bản chỉ từ 100.000 đồng ngày càng nhiều.

Theo lời người bán, những hộp kem dưỡng mắt, son dưỡng môi hãng DHC, kem dưỡng da thương hiệu NMN, kem chống nắng... xuất xứ Nhật Bản đang được giảm giá chỉ còn 100.000-200.000 đồng. Mức giá trên rẻ hơn hẳn so với giá đã giảm trên website chính hãng.

Mỹ phẩm Nhật Bản 100.000-200.000 đồng tràn ngập chợ mạng - Ảnh 1.

Mỹ phẩm Nhật Bản giá rẻ được bàn trán lan. Ảnh: VA.

Mua hàng vì... tin người bán

Hương Thảo (Hà Nội) để lại bình luận mua 2 hộp kem mắt DHC. Cô cho biết đã mua hàng trên nhóm kín này khá nhiều và không nghi ngờ, bởi DHC là thương hiệu bình dân của Nhật Bản và hãng này thường xuyên giảm giá.

Theo Thảo, mua hàng online trong thời buổi mọi thứ đều bão hòa, quan trọng nhất là niềm tin với người bán và cảm giác khi sử dụng. Với những sản phẩm giá rẻ, người mua cũng không dành thời gian để tìm hiểu hay kiểm tra. Nếu có mua phải hàng nhái, chắc tới khi sử dụng mới phát hiện ra.

Hương Thảo kể lại câu chuyện mua nhầm kem chống nắng hàng giả trên sàn thương mại điện tử với mức giá rẻ bằng một nửa so với hàng thật, chỉ 190.000 đồng, trong khi hàng thật có giá bán không dưới 350.000 đồng.

Cô nhận ra điều này khi nhận hàng và thấy phần vỏ sản phẩm ọp ẹp, chất kem loãng, màu kem nhạt. Dù vậy, cửa hàng này vẫn có tới gần 1000 lượt bán ra và nhiều phản hồi tích cực.

Mỹ phẩm Nhật Bản 100.000-200.000 đồng tràn ngập chợ mạng - Ảnh 2.

Hàng giả xuất hiện nhiều trên sàn thương mại điện tử. Ảnh: JPS.

Người bán cũng khó phát hiện hàng giả

Chia sẻ với phóng viên Dân trí , Vân Anh - chủ một cửa hàng mỹ phẩm ở TP Bắc Giang - cho biết việc mỹ phẩm hàng giả trà trộn với hàng thật là tình trạng đã xảy ra nhiều năm nay. Hiện tại, hàng nhái được làm rất tinh vi, giống hàng thật tới 95%, người bán cũng khó phân biệt nên người mua gần như không thể phát hiện ra.

Hiện tại, trên website chính hãng của thương hiệu DHC tại Nhật Bản, dòng quảng cáo "70% sale off" (giảm giá 70%) được treo chính giữa. Giá bán combo 3 thỏi son dưỡng môi DHC có giá 2070 yên (348.000 đồng). Như vậy, mỗi thỏi son DHC có giá khoảng 116.000 đồng.

Trên sàn thương mại điện tử và một vài nhóm kín ở Việt Nam, thỏi son này đang được rao bán với mức giá dao động từ 99.000 đồng tới 139.000 đồng.

Về kem dưỡng mắt, giá bán trên website chính hãng là 1.980 yên (333.000 đồng). Trong khi đó, không ít người bán đưa ra mức giá cho sản phẩm này là 180.000 đồng.

Vân Anh cho biết bản thân cô cũng có thể nhập son DHC chính hãng Nhật Bản với mức giá rẻ hơn 116.000 đồng nhờ mua số lượng lớn và có thêm mã giảm giá dành cho thành viên kim cương. Tuy nhiên, 2 năm trở lại đây, vì DHC bị làm giả quá nhiều, Vân Anh quyết định không kinh doanh mặt hàng này.

Như vậy, Vân Anh kết luận chưa đủ thông tin để khẳng định son dưỡng DHC có giá bán khoảng 100.000 đồng là hàng nhái. Hàng chính hãng hoàn toàn có thể có mức giá trên.

Tuy nhiên, cô không loại trừ khả năng những bài đăng quảng cáo đang xuất hiện dày đặc trên các nhóm kín là hàng giả. Bởi, chính Vân Anh nhiều lần được các tổng buôn mời chào nhập hàng giả với mức giá rất rẻ, nhập càng nhiều, giá càng tốt với hình thức làm giả rất tinh vi, mắt thường không thể phân biệt. Ngoài hàng giả, hiện nay, hàng "dập date" cũng ngày càng tràn lan.

Hàng "dập date" là sản phẩm bị xóa ngày sản xuất, hạn sử dụng và dùng thiết bị dập nổi để dập đè lên trên một ngày sản xuất và hạn sử dụng mới. Đây bản chất vẫn là hàng thật chính hãng nhưng đã hết hạn sử dụng hoặc gần hết hạn.

Chưa kể, chỉ cần tìm kiếm "máy dập hạn sử dụng" trên công cụ tìm kiếm, người dùng sẽ nhận được hàng vạn kết quả. Không khó để mua loại máy in hạn sử dụng này.

Vân Anh khẳng định mỹ phẩm nào cũng có thời hạn sử dụng. Khi hết hạn sử dụng, sản phẩm sẽ không còn tác dụng như ban đầu và có thể mất đi công dụng vốn có. Điển hình như kem chống nắng, nếu hết hạn, kem sẽ không thể bảo vệ da dưới tác động của tia UV hay kem dưỡng da sẽ không còn công dụng dưỡng da.

Mỹ phẩm Nhật Bản 100.000-200.000 đồng tràn ngập chợ mạng - Ảnh 3.

Mỹ phẩm bị xóa hạn sử dụng thật, in hạn sử dụng giả xuất hiện ngày càng nhiều. Ảnh: IT.

Lời khuyên cho người mua là hãy lựa chọn người bán có tâm, nhập hàng từ các cửa hàng chính hãng ở nước ngoài có kèm hóa đơn và sẵn sàng gửi hóa đơn cho người mua.

Với tình trạng hàng giả, hàng nhái ngày càng nhiều, người mua cũng không thể khẳng định sản phẩm của mình là hàng thật nếu mua hàng được nhập qua một người buôn khác. Do vậy, chỉ khi chắc chắn hàng hóa được lấy hàng từ website và cửa hàng chính hãng, sản phẩm mới có thể được đảm bảo là hàng thật.

Bên cạnh đó, theo giới chuyên gia, trong quá trình sử dụng, nếu có điều kiện, người mua hãy tìm hiểu kiến thức về sản phẩm và so sánh với sản phẩm mình đang dùng. Cùng với đó, hãy theo dõi làn da, tác dụng khi sử dụng. Nếu thấy có vấn đề không ổn, hãy lập tức dừng lại, không nên lạm dụng dùng mỹ phẩm quá nhiều mà quên việc theo dõi tình trạng làn da.

Trúc Ly
Ca sĩ Hà Hồ bán mỹ phẩm M.O.I Cosmetics cho doanh nghiệp Trung Quốc

Ca sĩ Hà Hồ bán mỹ phẩm M.O.I Cosmetics cho doanh nghiệp Trung Quốc

2 năm sau khi thành lập, M.O.I Cosmetics đã trở thành công ty 100% vốn nước ngoài (Trung Quốc). Trước đó, 2 cá nhân người Việt gồm ca sĩ Hà Hồ và ông Lâm Thành Kim là người sáng lập công ty này.