Thứ Sáu, ngày 17/01/2025 02:44 AM (GMT+7)

Mua sắm nhộn nhịp, bán lẻ TP.HCM bắt đầu tăng tốc, bứt phá

2022-05-08 15:42:00

Nhiều chợ, siêu thị, trung tâm thương mại tại TP.HCM đã nhộn nhịp trở lại, nhất là vào các ngày cuối tuần. Sức mua đã phục hồi, các đơn vị kinh doanh đang đa dạng hóa sản phẩm, mở rộng các kênh bán hàng để đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng.

Mua sắm nhộn nhịp

Chợ Bến Thành và chợ Tân Định (quận 1), hai chợ truyền thống tại TP.HCM thu hút khách du lịch trong và ngoài nước những ngày qua rất sôi động. Sau dịp lễ 30/4 - 1/5, sức hút của các chợ này tiếp tục duy trì khi nhiều du khách chọn đây là những điểm phải đến khi tới TP.HCM. Nhờ vậy, tiểu thương các ngành hàng thời trang, thực phẩm, hàng lưu niệm đều bán được sau hai năm Covid-19.

Tại các chợ truyền thống khác, dù sức mua chưa thể bằng trước dịch do người dân vẫn còn dè dặt trong chi tiêu nhưng theo các tiểu thương, khách đến chợ đã đông hơn.

"Khách tới chợ hiện nay nhiều hơn trước rồi. Do đó, chúng tôi cũng siêng ra chợ hơn. Chợ có khách, bán được hàng thì mới có không khí. Tôi nghĩ sắp tới, sức mua của chợ sẽ tốt hơn nữa", bà Nguyễn Thị Lượng (tiểu thương chợ Bà Chiểu) nói.

Mua sắm nhộn nhịp, bán lẻ TP.HCM bắt đầu tăng tốc, bứt phá - Ảnh 1.

Khách hàng mua sắm tại một trung tâm thương mại dịp lễ 30/4. Ảnh: Phúc Minh

Hai trung tâm thương mại Vincom Đồng Khởi và Parkson Saigontourist ngay trung tâm quận 1 tấp nập khách, hầu hết là người dân thành phố và khách du lịch trong nước. Sau một thời gian dài hẩm hiu, các thương hiệu thời trang bên trong các trung tâm thương mại này đã đắt khách trở lại. Cùng với các chương trình ưu đãi, khuyến mãi chào hè, các trung tâm càng thêm nhộn nhịp.

Tại Saigon Centre, Takashimaya và trung tâm mua sắm Saigon Square, rất nhiều du khách Hàn Quốc đã quay trở lại. Các trung tâm mua sắm này vốn là điểm đến được nhiều khách Hàn Quốc và giới trẻ yêu thích. Còn Vạn Hạnh Mall (quận 10), con đường Sư Vạn Hạnh phía trước thường xuyên ùn xe vào giờ cao điểm vì quá đông người đến đây vui chơi, ăn uống và mua sắm.

Mua sắm nhộn nhịp, bán lẻ TP.HCM bắt đầu tăng tốc, bứt phá - Ảnh 2.

Tại siêu thị, sức mua đã phục hồi, các đơn vị kinh doanh đang đa dạng hóa sản phẩm và kênh phân phối. Ảnh: Phúc Minh

Ở kênh siêu thị, ghi nhận của phóng viên cho thấy các siêu thị như Co.opmart,  Big C, Emart, Aeon… lượng khách thường rất đông vào các khung giờ cao điểm trong ngày và cả ngày cuối tuần. Sức mua tại các siêu thị đã dần phục hồi trở lại, tập trung ở tất cả ngành hàng.

Bà Huỳnh Thị Kim Thanh, Giám đốc Trung tâm Bách hóa tổng hợp và Siêu thị Aeon Tân Phú đánh giá: "Nhìn chung trong tháng 4, lượng khách hàng tới siêu thị của chúng tôi đã đạt mức tương đương với giai đoạn trước khi bùng phát dịch". Sức mua trong các đợt nghỉ lễ dài ngày vừa qua cao hơn giai đoạn cuối tuần.

Kỳ vọng ngành bán lẻ phục hồi

Theo số liệu từ Cục Thống kê TP.HCM, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 4/2022 tại TP.HCM ước đạt 95.612 tỷ đồng, tăng 3,2% so với tháng trước và tăng 6,2% so với cùng kỳ.

Trong tháng 4, hoạt động thương mại dịch vụ tại TP.HCM duy trì ổn định, nối tiếp đà phục hồi từ những tháng trước. Các đơn vị kinh doanh trên địa bàn đẩy mạnh các chương trình khuyến mãi, kích cầu mua sắm, phục vụ người dân, nhất là các dịp lễ lớn. Các nhóm ngành dịch vụ có mức tăng trưởng khá tốt như dịch vụ lữ hành tăng 18,6% so với tháng trước; dịch vụ ăn uống và lưu trú tăng 12,1% và dịch vụ khác tăng 8%.

Mua sắm nhộn nhịp, bán lẻ TP.HCM bắt đầu tăng tốc, bứt phá - Ảnh 3.

4 tháng đầu năm 2022, doanh thu bán lẻ hàng hóa tại TP.HCM đạt 218.184 tỷ đồng, tăng 6,7% so với cùng kỳ. Ảnh: Phúc Minh

Doanh thu bán lẻ tháng 4 giảm nhẹ 0,5% so với tháng trước, nguyên nhân phần lớn do tháng 3 tình hình giá cả nguyên nhiên vật liệu, xăng dầu, vàng bạc có nhiều biến động, tác động đến giá cũng như doanh thu của nhiều nhóm mặt hàng. 

Dù vậy, tính chung 4 tháng đầu năm 2022, doanh thu bán lẻ hàng hóa đạt 218.184 tỷ đồng, tăng 6,7% so với cùng kỳ. Sức mua trong dân cư đã phục hồi, các đơn vị kinh doanh đa dạng hóa sản phẩm, mở rộng các kênh bán hàng cả truyền thống và phương tiện điện tử, đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng.

Ước tính 4 tháng đầu năm 2022, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tại TP.HCM đạt 360.002 tỷ đồng, giảm 1,7% so với cùng kỳ. Cục Thống kê TP.HCM đánh giá mức giảm lũy kế qua các tháng đang hẹp dần và tiến đến mức kỳ vọng tăng trưởng dương khi tình hình dịch tại Việt Nam, cũng như Thành phố đã ổn định, các chính sách mở cửa sau dịch, bình ổn giá phát huy được hiệu quả.

Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư TP.HCM Lê Thị Huỳnh Mai cũng nhận định trong tháng 4, một số lĩnh vực kinh tế đã có dấu hiệu khởi sắc, tăng tốc so với những tháng trước và so với cùng kỳ. Bà đánh giá kinh tế TP.HCM tiếp tục đà phục hồi mạnh mẽ, tạo tâm lý và sự tin tưởng cho người dân, doanh nghiệp yên tâm sản xuất kinh doanh.

Phúc Minh
Loạt thực phẩm quen thuộc chớ bảo quản trong tủ lạnh

Loạt thực phẩm quen thuộc chớ bảo quản trong tủ lạnh

Bảo quản thực phẩm trong tủ lạnh là điều cần thiết để giữ chúng tươi lâu hơn. Tuy nhiên, có những loại thực phẩm mà bạn không nên cất trong tủ lạnh.