dd/mm/yyyy

Một cú chạm tay mở ra thế giới

LTS.Sự kiện Diễn đàn cấp cao về cách mạng công nghiệp 4.0 ngày 13.7 có thể là khởi đầu cho việc áp dụng công nghệ số trong nhiều lĩnh vực đời sống xã hội, trong đó có nông nghiệp. Thời đại công nghệ số cho phép nông dân có thể làm được những điều không tưởng. Đôi khi chỉ cần một click chuột cũng có thể mở ra một thế giới khác, giúp việc canh tác ngày càng hiệu quả. Từ ý nghĩa này, TTV số tháng 7 xin giới thiệu chuyên đề: Chạm tay vào thế giới phẳng.

Những người tiên phong

Xuất phát từ mục tiêu thúc đẩy lan toàn những ước mơ sáng tạo của nông dân, báo Nông thôn Ngày nay/Dân Việt lần đầu tiên tổ chức cuộc thi Tôi là nông dân 4.0. Ngày 4.7 vừa qua, 10 dự án xuất sắc nhất đã được vinh danh tại lễ trao giải, từ đó tạo động lực cho nhiều nông dân mạnh dạn ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất.

Bà Nguyễn Hồng Lý, Phó Chủ tịch Trung ương Hội nông dân Việt Nam và ông Lưu Quang Định,  TBT Báo Nông thôn Ngày nay, Trưởng ban tổ chức Cuộc thi “Tôi là nông dân 4.0” (ngoài cùng bên phải)trao giải cho 2 tác giả đạt giải Nhì của cuộc thi.
Bà Nguyễn Hồng Lý, Phó Chủ tịch Trung ương Hội nông dân Việt Nam và ông Lưu Quang Định, TBT Báo Nông thôn Ngày nay, Trưởng ban tổ chức Cuộc thi “Tôi là nông dân 4.0” (ngoài cùng bên phải)trao giải cho 2 tác giả đạt giải Nhì của cuộc thi.

Với Dự án "Trồng chuối công nghệ cao", ông Võ Quan Huy (Đức Hòa, Long An) đã sử dụng 100% phân hữu cơ từ phân bò tự sản xuất và phân gà tự nhập khẩu từ Nhật Bản để bón cho cây. Đồng thời, ông cũng xây dựng xưởng đóng gói cho kho bảo quản lạnh, lắp đặt hệ thống cáp chống đổ ngã. Hệ thống nước tưới giúp tưới nước đều và ổn định. Giảm được chi phí đầu tư và tiêu hao năng lượng nhưng năng suất không thay đổi. Dự án đã đoạt giải Nhì tại cuộc thi.

Chuối được thu hoạch bằng đường cáp, giảm tải sức lao động, giảm chuối trầy dập. Nhà ủ chín chuối theo công nghệ điện phân cồn thực phẩm giúp chuối có màu đẹp, an toàn.

Ông Võ Quan Huy với buồng chuối sẽ mang thương hiệu Fohla xuất ngoại. Trần Đáng
Ông Võ Quan Huy với buồng chuối sẽ mang thương hiệu Fohla xuất ngoại. Trần Đáng

Với lối canh tác theo quy trình sạch, sản phẩm của ông Út Huy đã được xuất sang nhiều thị trường khó tính, như: Nhật Bản, Malaysia, Singapore, Trung Quốc và một số nước khu vực Trung Đông.
Dự án cùng đoạt giải Nhì - "Nuôi tôm thẻ chân trắng theo công nghệ cao" của nông dân Võ Văn Sơn (Ninh Thuận) cũng mang lại hiệu quả vượt trội. Mỗi năm, gia đình ông Sơn có thể thu về trên 21 tỷ đồng. Ông Sơn hiện đang là người tiên phong nuôi tôm theo công nghệ cao ở Ninh Thuận. Cách làm này khác biệt với phương pháp nuôi truyền thống. Mô hình nuôi tôm của ông Sơn chỉ mất hơn 3 tháng đã cho thu hoạch, sản lượng đạt từ 50 – 60 con/kg.

Cuộc so tài của những nông dân 4.0 xuất sắc

Sau hơn 6 tháng phát động, cuộc thi "Tôi là Nông dân 4.0" do Báo NTNN/Dân Việt phối hợp với Bộ Khoa học Công nghệ và Bộ NN&PTNT tổ chức đã nhận được gần 1.000 dự án của các nông dân 4.0 gửi về tham dự. Điều đó cho thấy sức hấp dẫn rất lớn của một cuộc thi lần đầu tiên tổ chức nhằm tạo "sân chơi" cho nông dân áp dụng công nghệ cao trong nông nghiệp.

Nhà báo Lưu Quang Định – Tổng Biên tập Báo Nông thôn Ngày nay/Dân Việt, Trưởng Ban Tổ chức Cuộc thi "Tôi là Nông dân 4.0" chia sẻ: “Đã đến lúc, nền nông nghiệp cần phải thay đổi phương thức sản xuất, người nông dân cần phải bán được sản phẩm của mình với đúng giá trị của nó. Những sản phẩm đó cần phải theo quy trình, ứng dụng khoa học công nghệ, công nghệ số để đạt tiêu chuẩn của nhà phân phối, xuất khẩu ra các nước trong khu vực và thế giới".

Ông Lưu Quang Định cho biết thêm: "Với cuộc thi “Tôi là nông dân 4.0”, chúng tôi mong muốn giúp nông dân, những người đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp nâng cao hiểu biết và khả năng ứng dụng khoa học công nghệ, sử dụng mạng xã hội, internet của nông dân trong sản xuất và kinh doanh sản phẩm nông nghiệp”.

Sau khi nghiên cứu, lựa chọn kỹ lưỡng, Ban Sơ khảo cuộc thi đã chọn ra được 30 dự án, mô hình xuất sắc lọt vào chung khảo để Ban Giám khảo tiến hành chấm điểm và tiếp tục lựa chọn ra 10 dự án, mô hình đặc sắc nhất để trao giải. Cuộc thi có tổng giá trị giải thưởng lên tới 205 triệu đồng. Trong đó có 2 giải Nhì mỗi giải 25 triệu đồng, 3 giải Ba mỗi giải 15 triệu đồng, và 5 giải Khuyến khích mỗi giải 10 triệu đồng.

Nông dân Võ Văn Sơn (áo trắng) ở Ninh Thuận với mô hình chinh phục vùng cát trắng bạt ngàn để nuôi tôm công nghệ cao. Công Tâm
Nông dân Võ Văn Sơn (áo trắng) ở Ninh Thuận với mô hình chinh phục vùng cát trắng bạt ngàn để nuôi tôm công nghệ cao. Công Tâm

Trong số 10 dự án, có nhiều dự án được đầu tư với số tiền lớn, các sản phẩm được tạo ra đều có nguồn gốc xuất xứ, sạch và đã có thị trường bao tiêu, tiết kiệm được sức lao động cũng như giải quyết được vấn đề lao động, việc làm cho người nông dân. Đặc biệt, một số dự án có quy mô đầu tư nhỏ vẫn được lựa chọn bởi tính áp dụng đơn giản, dễ dàng mà đem lại hiệu quả cao.

Nhà báo Lưu Quang Định cho biết thêm, với khối lượng hồ sơ lớn như vậy cho thấy “Nông nghiệp 4.0” không chỉ là cụm từ thời thượng nữa. Đó là mục tiêu của ngành nông nghiệp Việt Nam nói chung và những người kinh doanh và sản xuất nông nghiệp nói riêng.

Việc Báo Nông thôn Ngày nay/Dân Việt phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phát động cuôc thi này nhằm “đón sóng” cuộc cách mạng 4.0 đang tác động trực tiếp vào sản xuất tại Việt Nam và cũng khuyến khích các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp bắt tay vào ứng dụng khoa học công nghệ, các thành tự khoa học kỹ thuật mới vào sản xuất có hiệu quả, xây dựng thương hiệu sản phẩm nông sản trên thị trường thế giới, mang lại thu nhập cao, giải quyết việc làm cho người lao động.

Hồng Liên