Thứ Năm, ngày 16/01/2025 07:37 PM (GMT+7)
Mới: Chip bán dẫn hút nhân lực, nhiều trường mở ngay ngành học
2024-02-21 16:30:00
Không ít trường đại học tại TP.HCM bắt đầu tuyển sinh ngành học liên quan đến lĩnh vực vi mạch bán dẫn ngay trong năm nay vì nhu cầu nhân lực đang tăng cao.
Đầu tiên, ĐH Quốc gia TP.HCM là đơn vị có các trường thành viên gồm Trường Đại học Bách Khoa, Trường Đại học Khoa học Tự nhiên và Trường Đại học Công nghệ Thông tin (UIT) tuyển sinh các ngành, chuyên ngành về thiết kế vi mạch trong năm 2024.
Trường ĐH Bách khoa dự kiến tuyển 670 sinh viên ngành Điện - Điện tử - Viễn Thông - Tự động hóa - Vi mạch. Chuyên ngành bao gồm Kỹ thuật Điện, Kỹ thuật Điện tử - Viễn thông, Kỹ thuật Điều khiển và Tự động hóa, Hệ thống Năng lượng, Hệ thống Thông tin, Hệ thống Tự động, Thiết kế Vi mạch (dự kiến).
Trường ĐH Khoa học Tự nhiên cũng dự kiến mở mới ngành Thiết kế vi mạch và ngành Khoa học Công nghệ bán dẫn.
Năm 2024, UIT trường dự kiến tuyển sinh 150 chỉ tiêu ngành Thiết kế vi mạch. Theo đánh giá của trường này, hiện nay nguồn cung cấp nhân lực cho các doanh nghiệp liên quan đến thiết kế vi mạch bán dẫn lại khá thấp so với nhu cầu sử dụng.
Đặc biệt, TP.HCM chiếm 53% nhu cầu tuyển dụng. Do đó, việc đầu tư phát triển đào tạo kỹ sư có kiến thức, trình độ cao trong ngành Thiết kế vi mạch là cần thiết cho quá trình hội nhập quốc tế, nắm bắt cơ hội phát triển của sự dịch chuyển nghề nghiệp này.
Về phần mình, Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM dự kiến sẽ tuyển sinh ngành Kỹ thuật máy tính với hai chuyên ngành Công nghệ kỹ thuật máy tính và Công nghệ kỹ thuật vi mạch trong năm 2024. Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM cũng không ngoại lệ, năm nay là năm đầu tiên tuyển sinh ngành Kỹ thuật thiết kế vi mạch.
Trước đó, tại lễ khai giảng đào tạo chuyên sâu thiết kế vi mạch dành cho giảng viên, PGS.TS Nguyễn Anh Thi, Trưởng Ban Quản lý Khu Công nghệ cao TP.HCM, cho biết ngành vi mạch bán dẫn toàn cầu đã tăng trưởng 14% mỗi năm từ năm 2001 đến nay, và vẫn đang tăng trưởng mạnh mẽ, dự kiến đạt 1.000 tỷ USD vào năm 2030. Ngành này đang cần bổ sung gần 1 triệu nhân lực.
Cũng theo ông Thi, Việt Nam đặt mục tiêu trở thành trung tâm thiết kế vi mạch của khu vực và thế giới, lọt top 5 thế giới vào năm 2030 với nhu cầu nhân lực cho ngành này khoảng 50.000 người. Đáng nói, khu vực Đông Nam bộ của Việt Nam có nhiều tiềm năng để phát triển ngành này. Riêng TP.HCM có thể đào tạo nâng cao kỹ năng cho khoảng 40.000 kỹ sư từ nay đến năm 2030, tức khoảng 6.000 kỹ sư/năm.
Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ nhấn mạnh hợp tác trong chip bán dẫn, năng lượng, đất hiếm...
Những lĩnh vực Mỹ rất quan tâm trong quan hệ kinh tế với Việt Nam hiện nay gồm ngành chip bán dẫn, năng lượng, đất hiếm, Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ Jose Fernandez cho biết.