dd/mm/yyyy

Miền Tây: Nông dân tiết kiệm 50% chi phí thuốc bảo vệ thực vật nhờ "siêu" máy bay không người lái

Nhờ ứng dụng máy bay không người lái và công nghệ phun ly tâm (có thể cắt nhỏ hạt thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) tới kích thước 20µm), nhiều nông dân miền Tây tiết kiệm được 50% thuốc bảo vệ thực vật.

Từ 200 lít nước, giảm xuống còn 10 lít

Sử dụng máy bay không người lái phun thuốc BVTV giờ không còn quá xa lạ với nhiều nông dân miền Tây.

Là doanh nghiệp áp dụng công nghệ số vào sản xuất nông nghiệp, ông Nguyễn Đức Trường - Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Đại Thành cho hay, nhờ ứng dụng máy bay không người lái và công nghệ phun ly tâm (có thể cắt nhỏ hạt thuốc BVTV tới kích thước 20µm), nhiều nông dân miền Tây tiết kiệm được 50% thuốc BVTV và 90% lượng nước.

Trước đây, nhiều nông dân miền Tây phải phun tới 200 lít nước, nhưng sử dụng máy bay phun thuốc không người lái thì chỉ cần 10 lít nước là có thể phun được cho 1ha. Nhờ đó, góp phần tối ưu hóa chi phí vật tư đầu vào và công lao động trong sản xuất nông nghiệp.

Tại hội thảo "Chuyển đổi số nông nghiệp - nông thôn trong tiến trình công nghiệp hóa - hiện đại hóa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045" chiều 17/11, ông Nguyễn Duy Hưng - Phó Trưởng ban Kinh tế Trung ương đánh giá, chuyển đổi số giúp nông dân, trang trại, doanh nghiệp nâng cao năng suất, chất lượng, tối ưu hóa hoạt động sản xuất, giảm chi phí, tăng lợi nhuận, tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị. 

"Chuyển đổi số là giải pháp hữu hiệu để khắc phục các điểm yếu cố hữu như sản xuất manh mún, nhỏ lẻ và thiếu liên kết" - ông Hưng nói.

Sử dụng máy bay không người lái trong canh tác: Tiết kiệm được 50% chi phí thuốc BVTV - Ảnh 1.

Ông Bùi Ngọc Cung ở xã Lạc Lâm, huyện Đơn Dương (tỉnh Lâm Đồng) kiểm tra các yếu tố về dinh dưỡng, kỹ thuật trong vườn rau 2ha của gia đình. Ảnh: Văn Long

Theo ông Hưng, nông nghiệp, nông thôn đã được Chương trình chuyển đổi số quốc gia xác định là một trong 8 lĩnh vực ưu tiên. Thời gian qua, nhiều cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, HTX, trang trại, hộ gia đình… đã ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin trong quản lý và sản xuất, kinh doanh; phân tích dữ liệu về đất đai, thổ nhưỡng, điều kiện tự nhiên, thời tiết, truy xuất nguồn gốc, nhu cầu thị trường.

Nhiều cơ quan, đơn vị, HTX, trang trại, hộ gia đình đã ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin trong quản lý và sản xuất kinh doanh, phân tích dữ liệu về đất đai, thổ nhưỡng, điều kiện tự nhiên, thời tiết, truy xuất nguồn gốc, nhu cầu thị trường, phân tích hệ gen, nuôi cấy mô, quản lý giống vật nuôi, dò cá sử dụng sóng siêu âm...

Tuy nhiên, thực tế cho thấy, chuyển đổi số trong khu vực nông nghiệp, nông thôn vẫn chưa đồng bộ, chưa hình thành những yếu tố cơ bản của nông nghiệp số, nông thôn số. Đồng thời chưa tạo ra cơ hội cho nông sản vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc khó khăn kết nối trực tiếp với hệ thống thương mại toàn cầu và chia sẻ dữ liệu, thông tin cho các tổ chức, cá nhân sản xuất kinh doanh nông nghiệp.

Ông Nguyễn Văn Châu - Phó Giám đốc Sở NNPTNT tỉnh Lâm Đồng cũng đưa ra những khó khăn vướng mắc của tỉnh trong việc kêu gọi đầu tư vào nông nghiệp công nghệ cao. Hiện nay, Lâm Đồng có 60.228ha sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, chiếm 20% diện tích canh tác của tỉnh; tỷ trọng nông nghiệp công nghệ cao chiếm 38,4% trong ngành nông nghiệp nhưng đây vẫn chưa đủ yếu tố để Lâm Đồng thu hút nhà đầu tư.

Nguyên nhân mà ông Châu đưa ra, là dự án đầu tư cần diện tích đất lớn và giá thành sản xuất còn cao. Công tác quản lý nhà nước về vật tư nông nghiệp, quản lý quy hoạch chưa bảo đảm, dẫn đến tình trạng phát triển nông nghiệp công nghệ cao một cách tự phát, thiếu tôn trọng quy định về sở hữu trí tuệ.

Thúc đẩy mạnh mẽ chuyển đổi số

Sử dụng máy bay không người lái trong canh tác: Tiết kiệm được 50% chi phí thuốc BVTV - Ảnh 2.

Theo Thứ trưởng Bộ NNPTNT Phùng Đức Tiến, ngành nông nghiệp đang đẩy mạnh chuyển đổi số. Tiêu biểu trong trồng trọt là các phần mềm phân tích dữ liệu về môi trường, giai đoạn sinh trưởng của cây, cho phép truy xuất, theo dõi các thông số này theo thời gian thực.

Trong chăn nuôi là ứng dụng công nghệ Internet vạn vật (IoT), blockchain, công nghệ sinh học ở trang trại quy mô lớn... Một số doanh nghiệp lớn (VinEco, Hoàng Anh Gia Lai, Nafoods, Dabaco…) đã áp dụng công nghệ cao, công nghệ thông tin vào điều hành sản xuất, phân phối và tiêu thụ sản phẩm.

Các chương trình, phần mềm quản trị vườn trồng, nông nghiệp chính xác được áp dụng nhằm tối ưu hóa việc sử dụng tài nguyên (nước, phân bón...) để dần chuyển đổi từ nông nghiệp truyền thống sang nông nghiệp hiện đại.

Tại các tỉnh ĐBSCL, máy bay không người lái phun thuốc sâu, thiết bị đo màu lá lúa... không còn xa lạ với nhiều nông dân miền Tây.

Ước tính đến hết năm 2021, cả nước có 19.000 HTX nông nghiệp và 79 liên hiệp HTX nông nghiệp, trong đó trên 2.200 HTX ứng dụng công nghệ cao, công nghệ số trong sản xuất (chiếm 12%).

Ông Nadav Eshar - Đại sứ Israel tại Việt Nam cho biết, ông đã đến ĐBSCL và thấy nơi này có dư địa lớn để ứng dụng công nghệ nông nghiệp vào nuôi trồng thủy sản. Theo Đại sứ Israel tại Việt Nam, nông dân miền Tây không cần nuôi tôm trong lồng kính. Khu vực này có thể ứng dụng các giải pháp để kiểm soát bệnh tật, bảo đảm môi trường sống thuận lợi nhất cho thủy sản. Quan trọng nhất là con đường từ trang trại đến bàn ăn được kiểm soát chất lượng, người nông dân không cần phải lo quá nhiều. 

Bình Minh