Côn trùng quê hạ cánh bàn nhậu
Hàng năm, cứ vào hè, trên chợ mạng, nhiều tiểu thương lại nhộn nhịp rao bán ve sầu non với giá dao động 400.000 - 500.000 đồng/kg.
Chị Nguyễn Hà, một tiểu thương hoạt động khá tích cực trên mạng xã hội cho biết, ve sầu non hiện là mặt hàng bán chạy nhất mà chị này đang kinh doanh. Ve sầu chủ yếu được chị gom, thu mua ở các tỉnh miền núi phía Bắc như Bắc Kạn, Sơn La, Tuyên Quang, Phú Thọ...
Thông thường, mỗi tuần chị sẽ đi đánh hàng một lần nên sẽ mở đơn đăng ký trước 3 ngày. Đối với khách là các quán nhậu, nhà hàng lấy số lượng lớn sẽ được hưởng ưu đãi riêng. Còn với khách mua lẻ 1- 2kg sẽ phải chịu mức giá 350.000 - 500.000 đồng/kg.
Giải thích về mức giá cao ngất ngưởng, chị Hà cho biết, ve sầu không có quanh năm mà chỉ xuất hiện từ đầu tháng 5 đến tháng 7. Không những thế, người bắt ve chỉ chọn những con ở giai đoạn nhộng, còn non và chưa mọc cánh.
"Ve sầu thường lột xác trong đêm nên thợ săn phải canh đúng thời điểm để bắt được loại nhộng ngon nhất. Nhộng ve thì có nhiều loại nhưng loại cực phẩm là những con vừa mới lột xác, thân béo mầm" - chị Hà tả.
Đây cũng là dịp bà con dân tộc thiểu số dùng nhựa mít và các dụng cụ khác băng qua những cánh rừng bắt ve sầu để kiếm thêm nguồn thu nhập.
Những năm trở lại đây, từ tháng 5-6 dương lịch, người dân xã Chiềng Mung (huyện Mai Sơn, tỉnh Sơn La) lại rủ nhau vào rừng bắt ve sầu. Công việc chủ yếu diễn ra ban đêm từ 20h giờ đến 5h sáng. Mặc dù công việc vất vả nhưng đem lại nguồn thu nhập đáng kể cho bà con người dân tộc Thái nơi đây. Bởi những món ăn được chế biến từ ve sầu ngày càng được nhiều thực khách ưa chuộng và tìm mua.
Anh Vũ Hoàng ở Chiêm Hóa (Tuyên Quang) cho biết, thời điểm này, ở quê anh, lượng ve sầu xuất hiện nhiều ở các cánh rừng cho nên anh hay đi săn ve về bán cho thương lái.
Theo tiết lộ, giá ve được trả khá cao, từ 200.000 đến 250.000/kg nên khi lượng ve ở nơi này với đi, anh lại cùng với những người bạn lại sang các chỗ khác săn bắt.
"Những ngày ve nhiều, chúng tôi có thể bắt được 2 - 3kg, bán được hơn nửa triệu đồng, nhưng cũng có thời điểm ít hơn thì chỉ thu được khoảng 200.000 - 300.000 đồng mỗi ngày. Ve là mặt hàng không bao giờ sợ ế, vì bắt được bao nhiêu, thương lái đã đến thu mua sạch. Họ mua để vận chuyển ra sang các tỉnh lân cận, trong đó Hà Nội là nơi tiêu thụ nhiều nhất" - anh Hoàng cho hay.
Món độc nên tha hồ tự nghĩ cách chế biến
Anh Hiếu một chủ quán nhậu ở Sơn La cho biết, Ve sầu được coi là một trong những món đồ nhậu dân dã, được nhiều cánh mày râu ưa thích, nhất là khi món ăn này xào sả ớt giòn tan mà được uống cùng với một chút rượu, bia thì quả là sự kết hợp hoàn hảo. Ve sau khi bắt về phải được rửa sạch, ngâm trong nước muối pha loãng và để ráo thì chế biến mới ngon.
Là chủ một quán nhậu có tiếng ở Thanh Oai (Hà Nội), anh Nguyễn Trung cho biết, anh phải đặt ve của 2 thương lái mới đủ số lượng làm hàng. Bởi trước đây người dân thường bắt ve sầu về ăn, nhưng giờ nhu cầu thị trường ngày càng cao nên nhiều người đi bắt ve để bán. Do đó, giá ve ngày càng được đẩy lên do cung không đủ cầu.
"Có rất nhiều món ngon từ ve sầu như rang với lá chanh, tẩm bột hay chiên giòn. Nhiều người thích ăn món này là bởi chúng có vị bùi béo, ngọt thơm rất đặc trưng" - anh kể.
Tuy nhiên, đối với nhiều thực khách, ve sầu còn là cơn ác mộng. Đơn cử như anh Nguyễn Hải (Yên Bái) từng phải nhập viện vì ăn phải loại nấm ký sinh trên nhộng ve sầu. Kể từ ngày đó, anh không dám động đũa vào bất cứ loại côn trùng nào.