dd/mm/yyyy

Lo đầu ra để chanh leo vươn lên trên vùng đồi Tây Bắc

Mấy năm gần đây, diện tích chanh leo ở các huyện Mộc Châu, Vân Hồ, Thuận Châu… của tỉnh Sơn La không ngừng gia tăng. Do chanh leo được giá, lại hợp với thổ nhưỡng nơi đây nên bà con liên tục mở rộng diện tích. Để cây chanh leo phát triển bền vững thì không chỉ cần có sự quy hoạch diện tích cho hợp lý mà phải có sự vào cuộc của cả doanh nghiệp và người dân.

Bản Hua Tạt, xã Vân Hồ, huyện Vân Hồ vốn là thủ phủ ngô của huyện. Vậy mà nay, diện tích ngô đang bị thu hẹp. Bà con đã và đang chuyển mạnh sang trồng cây chanh leo. Người đi đầu trong việc chuyển đổi này là ông Tráng A Cao, Bí thư Chi bộ bản Hua Tạt. Hiện diện tích của nhà ông Cao lên đến 5ha.

Diện tích chanh leo đang được mở rộng ở Sơn La.
Diện tích chanh leo đang được mở rộng ở Sơn La.

Không dừng lại ở đó, ông Cao còn thành lập HTX nông nghiệp Tráng A Cao. Mấy chục thành viên của HTX cũng trồng chanh leo. Đến nay, diện tích chanh leo của bản lên đến gần 50ha. “Cây chanh leo cho hiệu quả cao hơn bất cứ cây trồng nào ở địa phương. Mỗi ha bình quân thu 200-300 triệu đồng, đầu ra lại đang thuận lợi. Việc bà con mở rộng diện tích không có gì là lạ”, ông Cao cho biết.

Không riêng gì xã Vân Hồ, nhiều vùng đất rộng lớn của Mộc Châu như Tân Lập, Đông Sang, thị trấn Mộc Châu … bà con cũng mở rộng diện tích cây chanh leo. Do năm vừa qua, thương lái liên tục thu gom, có lúc giá chanh đẩy lên 38.000 đồng/kg.

Tại tỉnh Sơn La mới chỉ có Công ty Nafoods Tây Bắc là đơn vị gắn bó chặt chẽ với người nông dân khi mua chanh leo.

Theo ông Lê Hoài Hưng, Giám đốc Công ty Cổ phần Nafoods Tây Bắc, các sản phẩm chủ lực xuất khẩu của Nafoods là các loại nước ép NFC, puree, nước cô đặc…, trong đó sản phẩm chủ lực là chanh leo cô đặc. Các sản phẩm của Nafoods hiện tại đã xuất khẩu sang 50 nước trên thế giới trong đó thị trường chủ đạo là châu Âu chiếm hơn 70% sản lượng XK của Nafoods.

Xét về kim ngạch xuất khẩu chanh leo, Việt Nam đã vươn lên đứng thứ ba chỉ sau Peru, Ecuador và Brazil. Tuy nhiên, đây là những quốc gia sản xuất lượng chanh leo lớn nhất, nhưng thị trường nội địa của quốc gia nhiệt đới này đã tiêu thụ hết phần lớn. Chanh leo các nước Nam Mỹ trồng là chanh leo vàng, trong khi chanh leo Việt Nam chủ yếu là chanh leo tím. Do tính chất hai loại chanh này không hoàn toàn giống nhau nên hai sản phẩm này cũng chưa hẳn là đối thủ cạnh tranh trực tiếp mà còn tùy thuộc vào nhu cầu, thói quen tiêu dùng tại các nước.

Xét về chanh leo tím, hiện dư địa để phát triển trên thị trường thế giới vẫn rất lớn bởi càng ngày loại chanh này càng được biết đến và tiêu dùng rộng rãi ở các nước châu Âu. Rất may, Việt Nam là một trong những vùng trồng cho chất lượng quả chanh leo tím rất tốt trên thế giới và đang dần khẳng định vị thế trên thị trường quốc tế.

Hầu hết sản lượng chanh leo của tỉnh Sơn La là bán cho Trung Quốc. Đây là thị trường tiềm năng, nhưng cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro. Những thời điểm bên kia biên giới đóng biên, hoặc các ông chủ của Trung Quốc dừng thu mua chanh leo vài ngày là cả Sơn La nhớn nhác vì không biết bán chanh leo cho ai.

Rõ ràng việc lo đầu ra cho cây chanh leo cần được chính quyền quan tâm một cách thỏa đáng. Hơn nữa, việc ồ ạt mở rộng diện tích chanh leo như thời gian vừa qua sẽ vô cùng mạo hiểm nếu như các doanh nghiệp không vào cuộc chặt chẽ cùng người dân khép kín chuỗi sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm.

Bài, ảnh: Thuần Việt