Thứ Năm, ngày 16/01/2025 07:17 PM (GMT+7)

Linh thiêng Lễ hội Vía Bà Chúa Xứ núi Sam ở An Giang

2017-05-23 18:17:34

Cách TP.Châu Đốc tỉnh An Giang khoảng 5km về hướng Tây là đến miếu Bà chúa Xứ, nơi có ngọn núi Sam mọc lên giữa đồng bằng sừng sững chẳng khác bức bình phong vĩ đại che chắn trung tâm “Thất Sơn huyền bí”...

Ở miền Tây Nam bộ, hễ đến ngày hội Vía Bà Chúa Xứ (22, 23 và 24.4 Âm lịch) thì cảnh quan đường phố ở Châu Đốc An Giang lúc nào cũng “Ngựa xe như nước, áo quần như nêm”, lượng xe và người cứ tăng dần, tăng dần…

Một cảnh trong “Lễ thỉnh sắc” từ miếu thờ Thoại Ngọc Hầu ở khu sơn lăng về miếu Bà chúa Xứ (Tư liệu)
Một cảnh trong “Lễ thỉnh sắc” từ miếu thờ Thoại Ngọc Hầu ở khu sơn lăng về miếu Bà chúa Xứ (Tư liệu)

Để tránh tình trạng chen lấn quá vất vả, người dân rủ nhau đi sớm, gần như ai cũng thế nên vô hình trung đã hình thành thêm “cao điểm” ngay từ những ngày đầu tháng Ba âm lịch, dẫn đến tháng Tư, và tất nhiên kéo dài ít lắm cũng đến cuối tháng.

Thời trước năm 1975, khách trẩy hội một phần không nhỏ là những người đi lễ Vía Bà cốt để xin may, vay tiền… thì càng những năm sau này, do ý thức giác ngộ và cũng do những biện pháp ngăn chặn tích cực của các giới chức trách nhiệm quản lý văn hóa – xã hội, các hình thức mê tín dị đoan không còn đất "hành nghề". Điều đó chẳng những không làm hạn chế người đi dự Lễ hội Vía Bà chúa Xứ, mà số lượng du khách đến với núi Sam ngày càng nhiều, đông hơn. Khách tham quan muốn dự lễ Vía Bà đúng ngày, không thể không đăng ký thuê phòng nghỉ ở khách sạn trước cả tháng. Người đi Vía Bà rõ ràng không nhằm mục đích mê tín như vừa nói, mà chủ yếu là hưởng ứng lễ Vía Bà chúa Xứ để nhằm tìm cho mình đời sống tinh thần được thăng hoa; và cũng nhằm mục đích ngoạn cảnh núi Sam, một trong những điểm du lịch nổi tiếng cả nước.

Miếu Bà Chúa Xứ, một kiến trúc nghệ thuật bề thế, uy nghiêm, kết hợp truyền thống dân tộc và hiện đại, nơi thờ pho tượng Bà bằng đá sa thạch đang ngồi trong kiểu thế thong dong oai vệ mà không ít người cho là “vương giả”. Thật ra đó là một tư thế ngồi tự nhiên, phổ biến trong tuyệt đại bộ phận nhân dân Nam Bộ lớp trước, nay vẫn còn dễ dàng bắt gặp ở những vùng quê.

Miếu Bà Chúa Xứ tọa lạc phía Đông chân núi Sam. Đây chính là địa điểm diễn ra lễ hội Vía Bà hằng năm, thu hút hàng triệu lượt du khách trong và ngoài nước đến tham quan, lễ bái.

Như tên gọi, với những đường nét kiến trúc đặc trưng của nền nghệ thuật trầm mặc mà bay bỗng đông phương, ngôi miếu đồ sộ này chỉ thờ độc nhất một pho tượng cổ. Đó là tượng Bà Chúa Xứ núi Sam, có kích thước to hơn người thật (tư thế ngồi, cao 1,65m). Pho tượng đặt trên một bệ cao, kiên cố, được trang điểm bằng sơn dầu cho tăng thêm thần sắc. Do toàn thân có choàng áo rộng lộng lẫy phủ kín cả tay và chân nên rất ít người được mục kích kiểu thế ngồi của tượng. Mắt tượng nhìn thẳng về hướng Đông, uy nghiêm mà hiền ái, phúc hậu, như chan chứa cả một tấm lòng bao dung, tế độ.

Tùy theo cách suy nghĩ riêng của từng người, từng cộng đồng dân tộc Việt mà pho tượng được hiểu là vị thần của đạo Bà La Môn (thời kỳ tiền Angkor – đối với các nhà khảo cổ học); là Chúa Xứ Thánh Mẫu, hoặc Phật Bà Quan Âm (đối với người kinh – nên có người gọi miếu này là Chùa Bà); là Thiên Hậu Thánh Mẫu (đối với người Hoa)… Nhưng chung nhất vẫn là Bà Chúa Xứ núi Sam, có nghĩa, cho dù Thần, Phật, Thánh hay Chúa, và cho dù các nhà khảo cổ có nói thế nào, dân gian vẫn chỉ hiểu “linh tượng” là hiện thân của một người thuộc nữ giới, là mẫu (mẹ xứ sở) – dấu ấn của tôn giáo nguyên thủy đến nay vẫn hãy còn đọng lại trong tâm thức con người.

Về xuất xứ pho tượng Bà, dân gian kể nhiều truyền thuyết khác nhau, thuyết nào cũng cố gắng đưa vào một không gian lịch sử và không quên tô đậm nét huyền bí linh thiêng. Chẳng hạn thuyết sau đây được ngành Văn hóa tỉnh An Giang chọn ghi trong cuốn Di tích Văn hóa – lịch sử ở An Giang: Tượng Bà Chúa Xứ ở trên đỉnh núi Sam. Nơi đó hiện nay còn dấu tích của bệ đá sa thạch hình vuông, cạnh 1,6m, bề dầy gần 0,30m.

Khởi đầu tất nhiên ngôi miếu được dựng cất rất đơn sơ, dần về sau, do khách thập phương đến lễ bái ngày càng đông, nên để đáp ứng nhu cầu tín ngưỡng chính đáng của người dân, ngôi miếu phải trải qua nhiều lần trùng kiến; khuôn viên cũng do đó được mở rộng (năm 1972 miếu được xây dựng lại trên diện tích 3.025m2  với kiến trúc khang trang đồ sộ như hiện nay).

Theo chữ khắc trên bảng, đây là bệ đá sa thạch trên đỉnh núi Sam - xưa là nơi ngự của tượng Bà chúa Xứ (trước khi thỉnh xuống an vị tại Miếu Bà như hiện nay), kích thước bệ: ngang 1,60m, dày 0,30m, chính giữa có lỗ vuông cạnh 0,34m.
Theo chữ khắc xưa lưu trên bảng, đây là bệ đá sa thạch trên đỉnh núi Sam - xưa là nơi ngự của tượng Bà chúa Xứ (trước khi thỉnh xuống an vị tại Miếu Bà như hiện nay), kích thước bệ: ngang 1,60m, dày 0,30m, chính giữa có lỗ vuông cạnh 0,34m.

Cũng có truyền thuyết kể rằng khi người dân nước Việt khai phá vùng đất này thì gặp tượng Bà giữa rừng. Cho rằng đó là tượng Bà Chúa Xứ Thánh Mẫu cai quản đất đai nên người dân khiêng xuống thờ cúng. Nhưng lạ thay họ không làm sao nhấc nỗi bức tượng, mặc dù dân làng có cả mấy mươi người. Một hôm bỗng có một phụ nữ lên đồng, tự xưng là Bà Chúa Xứ và bảo phải có 40 con gái đồng trinh tắm rửa sạch sẽ, lên đem tượng Bà xuống. Dân làng làm theo, và thật là kỳ diệu, các cô khiêng được tượng Bà một cách dễ dàng. Nhưng xuống đến chân núi cốt tượng nặng trịch, không xê dịch được nữa. Dân làng cho rằng Bà chúa Xứ đã chọn nơi đây an ngự. Thế là miếu thờ Bà Chúa Xứ được dựng lên! Như vậy, phải chăng ngày hội Vía Bà chính là những ngày mà các cô gái đồng trinh khiêng Bà về? Hay ngày an lạc thành ngôi miếu?

Lễ vía Bà Chúa Xứ Núi Sam được công nhận là Lễ hội cấp quốc gia vào năm 2001.
Lễ vía Bà Chúa Xứ Núi Sam được công nhận là Lễ hội cấp quốc gia vào năm 2001.(nguồn ảnh: DLAG)

Hằng năm, ngay từ đêm 23 rạng 24 tháng Tư âm lịch, Ban Quản trị Hội Quý tế (nay là Ban quản trị lăng miếu núi Sam) đã nghiêm cẩn cho tiến hành lễ Tắm Bà. Vẫn biết vào nửa đêm lễ tắm mới diễn ra, nhưng ngay khi mặt trời vừa mới chen lặn, hàng trăm ngàn người đã có mặt tại vị trí hành lễ. Trong khi đó khách hành hương đang chơi núi, dù tận pháo đài cũng ùn ùn kéo xuống từng đoàn theo các ngã đường quen thuộc, tựu hội tại khu vực Miếu Bà để… “giành chỗ”! Tất cả hội nhập tạo thành một rừng người càng lúc càng dày đặc!

Theo thông lệ Lễ hội, trước giờ tắm Bà, Ban Tổ chức tạm cắt phần lễ bái tự do, thay vào đó là phần lễ bái của các đoàn khách mời, hoặc tập thể có đăng ký trước, chủ yếu là các Ban Tế tự các đình, đền, chùa, miếu trong khu vực, hoặc đại diện Mặt trận, các đoàn thể quần chúng… Để đảm bảo không khí trang nghiêm cho các đoàn hành lễ và lễ Tắm Bà sau đó, Ban Tổ chức chỉ chừa lại một lối đi chính thông với phòng Tiếp tân. Tại đây, các đoàn sẽ được lần lượt hướng dẫn đến chánh điện làm lễ.

Sau khi vị Chánh bái và đại diện Ban quản trị phủ phục dâng rượu trà trình cáo, cũng như các phụ nữ đức hạnh đứng tuổi (đã qua nội bộ bình chọn nghiêm túc) có mặt bên chân tượng, hai cánh màn nhung từ từ khép lại, để quý cô (tránh gọi Bà) làm phận sự tắm (lau) và thay áo mão cho Bà.

Phía trước bức màn nhung, các hội viên Hội Quý tế đang dâng hương khấn nguyện. Sát vách miếu, những người phát tâm dâng cúng áo mão cho Bà đang khép nép trong tâm trạng nôn nao chờ đợi “khoảnh khắc hạnh phúc” khi mà một lát nữa đây họ sẽ nhận được thứ lộc cao cấp nhất do “Bà ban tặng”.

Đó là những lọ nước hoa hảo hạng (dành cho Bà sau khi tắm – chỉ xịt phớt sơ vào tượng, vì rất nhiều, còn bao nhiêu trong lọ thì hoàn lại cho chủ); hoặc những chiếc khăn tay nhỏ có viết sẵn tên ở chéo góc mà họ đã gửi trước vào để nhờ những người có phận sự thấm nước thơm (dùng tắm Bà) để, mỗi người một khăn, luôn giữ bên mình, xem như thứ bùa hộ mệnh, tin rằng “nói người ta nghe”, và sẽ luôn gặp vận may trong đời sống!

Các vị bô lão thực hiện nghi thức khấn vái trang phục, áo mão của Bà (nguồn ảnh: HNM)
Các vị bô lão thực hiện nghi thức khấn vái trang phục, áo mão của Bà (nguồn ảnh: HNM)

Nếu không khí bên trong đang trang nghiêm, lặng lẽ, thì kể từ lúc này bên ngoài bỗng trở nên ồn ào, náo động hẳn lên. Bởi từ đầu hôm, hàng ngàn, hàng vạn người bên ngoài đều kiên nhẫn ngóng đợi để chờ khi lễ Tắm Bà xong, cửa mở, bà con mới vào thỉnh lộc.

Khi lễ Tắm Bà đã hoàn tất, màn từ từ dạt ra hai bên. Trên chánh điện, tượng Bà hiện ra với bộ áo mão mới tinh khôi, cực kỳ lộng lẫy! (Được biết một bộ áo mão như vậy trị giá cả cây vàng. Tại “Nhà trân tàng” cạnh miếu Bà hiện đang trưng bày trên 15.000 bộ áo mão mà “Bà đã mặc qua”).

Đến dự Lễ hội Vía Bà Chúa Xứ, người dân còn được chứng kiến những lễ sau đó, như lễ Thỉnh sắc (thật ra là thỉnh linh vị ông Thoại Ngọc Hầu cùng hai phu nhân, và bài vị Hội đồng – các danh tướng cùng thời – từ miếu thờ ở khu sơn lăng gần đó. Khi lễ tất mới hoàn nguyên vị), rồi thì Túc yết, Xây chầu, Chánh tế… lần lượt diễn ra đúng với chương trình lễ Vía trong những ngày tiếp theo. Khách thập phương sẽ được dự khán một “lễ thiêng” do ông Chánh bái trực tiếp diễn xướng bằng cách vừa cầm nhành dương liễu nhúng và rảy nước, vừa xướng:

– Nhất sái thiên thanh! (Trời đất thanh bình).
– Nhị sái địa sinh! (Đất thêm tươi tốt).
– Tam sái nhân trường sinh! (Loài người trường thọ).
– Tứ sái quỷ diệt hình! (Quỷ dữ bị tiêu diệt).

Sau đó xem xây chầu đại bội và tự do lễ bái, nguyện vái sở cầu.

Còn bên ngoài chánh miếu thì đủ các hình thức vui chơi giải trí; các hoạt động văn hóa nghệ thuật dân gian cũng được tổ chức biểu diễn, xôm nhất là như múa lân …, nơi nào cũng thu hút đông nghẹt người xem.

Cứ thế hàng năm, mọi người “đến hẹn lại lên”, rần rần, chật núi về dự Lễ hội Vía Bà Chúa Xứ!

XEM TIẾP >> Miếu Bà Chúa Xứ linh thiêng ở núi Sam

N.H.H