dd/mm/yyyy

Liên kết sản xuất, hội viên nông dân nơi này ở Lai Châu xây dựng thành công sản phẩm OCOP

Phát huy tiềm năng, lợi thế ở địa phương vào phát triển nghề nuôi ong lấy mật, nhiều hộ dân đã liên kết với hợp tác xã Nông nghiệp và Thương mại Nậm Nhùn (huyện Nậm Nhùn, Lai Châu) mở rộng quy mô sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm và xây dựng thành công 3 sản phẩm OCOP 3 sao.


Clip: Xây dựng sản phẩm OCOP ở huyện biên giới Nậm Nhùn, Lai Châu.

Cách làm hay trong xây dựng sản phẩm OCOP

Huyện Nậm Nhùn là vùng đầu nguồn, là nơi con sông Đà chảy qua, có nhiều lợi thế về rừng tự nhiên với các loài hoa trái phong phú. Nhờ đó, nhiều năm qua, nghề nuôi ong lấy mật của bà con trên địa bàn huyện phát triển về chất và số lượng.

Hiện nay, nhiều hộ gia đình nuôi ong đã bắt tay liên kết với các hợp tác xã đầu tư thùng nuôi ong, lấy mật; bà con cũng tích cực ứng dụng khoa học kỹ thuật vào chăn nuôi, xây dựng thương hiệu để sản phẩm mật ong ngày một tốt hơn.

Hỗ trợ vốn, liên kết sản xuất, hội viên nông dân nơi này xây dựng thành công 3 sản phẩm OCOP - Ảnh 1.

Huyện Nậm Nhùn, Lai Châu là địa phương có tiềm năng, lợi thế rất lớn từ tự nhiên, giúp người dân phát triển nghề nuôi ong lấy mật. Ảnh: TĐ

Chia sẻ với phóng viên báo Nông Thôn Ngày Nay/Điện tử Dân Việt/Điện tử Trang Trại Việt, ông Đỗ Tiến Vượng, Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp và Thương mại Nậm Nhùn (bản Nậm Dòn, xã Nậm Hàng, huyện Nậm Nhùn, Lai Châu) cho biết: Trước đây bà con thường đi rừng khai thác mật ong, tuy có thu nhập nhưng không bền vững. Để hình thành một nghề dựa vào thế mạnh tự nhiên của vùng, chúng tôi xác định cần có những cách làm bài bản. Có như thế, cuộc sống của bà con mới ổn định, có việc làm và có thu nhập, không phải đi làm xa, leo rừng nguy hiểm nữa.

Xuất phát từ thực tế đó, chúng tôi liên kết với người dân bản địa thay đổi phương thức sản xuất. Để giải bài toán đó, Hợp tác xã đã đầu tư cho mỗi hộ tham gia từ 20 - 30 triệu đồng để người dân phát triển nghề nuôi ong lấy mật; nhờ đó các hộ dân đã có hướng đi mới, tạo được việc làm, tăng thu nhập.

Hỗ trợ vốn, liên kết sản xuất, hội viên nông dân nơi này xây dựng thành công 3 sản phẩm OCOP - Ảnh 2.

Hợp tác xã Nông nghiệp và Thương mại Nậm Nhùn (bản Nậm Dòn, xã Nậm Hàng, huyện Nậm Nhùn, Lai Châu) đã liên kết với các hộ dân phát triển nghề nuôi ong lấy mật, tạo được việc làm, tăng thu nhập cho hội viên. Ảnh: TĐ

Từ nguồn hỗ trợ này, nhờ chịu khó học hỏi kỹ thuật chăm sóc, thu hoạch... chỉ sau một mùa vụ, bà con đã có thu nhập ổn định và có thể tự nhân đàn lên gấp 2 - 3 lần so với số đàn được hỗ trợ ban đầu.

Được biết, Hợp tác xã Nông nghiệp và Thương mại Nậm Nhùn hiện có 17 thành viên với 60 hộ liên kết sản xuất. Các thành viên hầu hết đều là hộ nghèo nhưng mạnh dạn thay đổi tư duy sản xuất với sinh kế mới để thoát cảnh nghèo khó.

Ông Vàng A Trừ, ở bản Huổi Nạng, xã Nậm Hàng được hợp tác xã đầu tư 12 thùng ong. Ông Trừ đã tự khai thác lại và nhân đàn. Đến nay, gia đình ông có 45 thùng ong, cho thu nhập đều đặn khoảng 50 triệu đồng mỗi năm. Cùng với việc trồng ngô, lúa, gia đình ông không chỉ đủ ăn mà còn có tiền mua sắm vật dụng gia đình, nâng cao đời sống.

Hỗ trợ vốn, liên kết sản xuất, hội viên nông dân nơi này xây dựng thành công 3 sản phẩm OCOP - Ảnh 3.

Hợp tác xã Nông nghiệp và Thương mại Nậm Nhùn (bản Nậm Dòn, xã Nậm Hàng, huyện Nậm Nhùn, Lai Châu) xây dựng được 3 sản phẩm OCOP 3 sao. Ảnh: TĐ

Chia sẻ với chúng tôi, ông Vàng A Trừ cho hay: Gia đình tôi là hộ nghèo lại đông con. Từ ngày hợp tác xã Nông nghiệp và Thương mại Nậm Nhùn đầu tư cho 12 thùng ong ban đầu, gia đình tôi quyết định không khai thác ngay mà dồn sức nhân đàn. Đến nay, số lượng thùng ong lấy mật của gia đình tăng gấp 4 lần, sản phẩm gia đình tôi và các hội viên sản xuất ra đều được hợp tác xã thu mua, gia đình tôi mỗi năm cho thu nhập hàng chục triệu đồng từ việc bán mật ong.

Đồng hành với nông dân xây dựng sản phẩm OCOP

Hiện nay, sản phẩm mật ong do bà con chăn nuôi dựa vào tự nhiên của Hợp tác xã Nông nghiệp và Thương mại Nậm Nhùn đã đạt OCOP 3 sao, đó là mật ong thượng nguồn sông Đà, mật ong hoa mắc ca và mật ong rừng tự nhiên. Tuy nhiên, để mở rộng sản xuất, hợp tác xã rất cần có quỹ đất để đầu tư xây dựng nhà xưởng và vốn đầu tư.

Hỗ trợ vốn, liên kết sản xuất, hội viên nông dân nơi này xây dựng thành công 3 sản phẩm OCOP - Ảnh 4.

Các cấp chính quyền huyện Nậm Nhùn, Lai Châu đồng hành cùng các hộ kinh doanh, hợp tác xã trong việc quảng bá, giới thiệu sản phẩm, từ đó giúp các chủ thể có sản phẩm OCOP mở rộng thị trường, nâng cao sản lượng tiêu thụ. Ảnh: TĐ

Chia sẻ về các giải pháp hỗ trợ người dân và các hợp tác xã trong việc phát triển sản xuất, xây dựng sản phẩm OCOP, ông Nguyễn Văn Hòa, Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Nậm Nhùn, Lai Châu cho biết: Thời gian qua, bên cạnh việc áp dụng linh hoạt các cơ chế chính sách trong phát triển nông nghiệp của Trung ương và tỉnh Lai Châu, huyện Nậm Nhùn đã nỗ lực đồng hành, giúp đỡ các hợp tác xã, các hộ sản xuất kinh doanh trong việc tư vấn, xây dựng hồ sơ.

Mặt khác, các cơ quan chuyên môn tăng cường hỗ trợ các đơn áp dụng khoa học công nghệ vào gieo trồng và sản xuất, nhờ đó đến thời điểm này toàn huyện có 12 sản phẩm OCOP, trong đó Hợp tác xã Nông nghiệp và Thương mại Nậm Nhùn có 3 sản phẩm đạt OCOP 3 sao, đó là: Mật ong nơi thượng nguồn sông Đà, mật ong hoa mắc ca, mật ong rừng tự nhiên. Chúng tôi đang định hướng sản phẩm mật ong nơi thượng nguồn sông Đà sẽ nâng cao chất lượng để đạt OCOP 4 sao.

Tuấn Hùng