Thứ Năm, ngày 16/01/2025 08:48 PM (GMT+7)
Lập danh sách nghệ sĩ quảng cáo sai sự thật: Những cái tên nào sẽ dính chàm
2023-10-11 10:07:12
Bộ TT&TT và Bộ VHTTDL đang phối hợp với xây dựng quy trình xử lý, kiểm soát đối với các trường hợp nghệ sĩ quảng cáo sai sự thật để đưa vào danh sách đen, hạn chế xuất hiện.
Ông Nguyễn Thanh Sơn - Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ VHTTDL) cho biết, Bộ VHTTDL đang phối hợp với Bộ TT&TT xây dựng quy trình xử lý, kiểm soát đối với các trường hợp nghệ sĩ quảng cáo sai sự thật, hoặc không tuân thủ quy tắc ứng xử, có tác động lớn đến xã hội.
"Bộ VHTTDL đã ban hành quy tắc ứng xử của nghệ sĩ, trong đó có các nội dung liên quan đến các hoạt động nghề nghiệp, công tác xã hội, hoạt động ứng xử với đồng nghiệp. Nghệ sĩ có sức ảnh hưởng, tác động lớn đến xã hội nên bên cạnh xử lý theo quy định pháp luật về quảng cáo, nghệ sĩ vi phạm về quảng cáo sai sự thật sẽ bị xử lý theo tiêu chí của Bộ Quy tắc ứng xử nói trên", ông Sơn nói.
Những người này sẽ bị Bộ VHTTDL và Bộ TT&TT đưa vào diện xem xét lập danh sách "cảnh báo", gửi đến các cơ quan liên quan để kiểm soát hình ảnh xuất hiện trên phương tiện thông tin đại chúng cũng như hoạt động xã hội.
Trước đó, Bộ TT&TT cho biết đang phối hợp với Bộ VHTTDL xây dựng "danh sách trắng" và "danh sách đen" những nghệ sĩ quảng cáo sai sự thật. Theo đó, danh sách trắng là những nghệ sĩ không vi phạm quảng cáo sai sự thật, khuyến khích các nhà quảng cáo chọn để quảng cáo. Còn danh sách đen (black list) là những nghệ sĩ vi phạm trong quảng cáo có xử phạt, tái phạm. Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử sẽ tiến hành chặn tài khoản vi phạm, không cho xuất hiện trên các nền tảng mạng xã hội. Đó là một trong những cách giúp môi trường mạng ngày càng trong sạch.
Phía Sở TT&TT TP.HCM cho biết, tính đến tháng 2.2023, cả nước có 77,93 triệu người sử dụng internet. Trong đó, có 70 triệu người dùng có tài khoản mạng xã hội. Riêng tại TP.HCM có 22 triệu tài khoản mạng xã hội. Bên cạnh những chia sẻ thông tin tích cực vẫn có nhiều thông tin sai sự thật, thậm chí là quảng cáo sai sự thật.
"Quy chế phối hợp giữa Bộ TT&TT với Bộ VHTTDL đang trong quá trình hoàn thiện, cuối năm nay sẽ xong, có biện pháp xử lý chặt chẽ hơn. Trong thời gian chưa có quy chế này, chúng tôi có báo cáo với Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử có thể chặn tài khoản đó, không cho họ xuất hiện trên các nền tảng, mạng xã hội nếu như họ vi phạm", Trưởng phòng Thông tin điện tử - Sở TT&TT TP.HCM nhấn mạnh.
Nhiều người cho rằng, với những quy định mới này, những nghệ sĩ gây thất vọng về việc quảng cáo bất chấp, thiếu kiểm chứng về sản phẩm và "thổi phồng" công dụng sản phẩm như: Cát Tường, Lê Dương Bảo Lâm, Hồng Vân, Kim Tử Long... có thể sẽ là những người dễ bị đưa vào "danh sách đen" đầu tiên.
Trong cùng diễn biến, tại họp báo quý III của Bộ VHTTDL, bà Ninh Thị Thu Hương - Cục trưởng Cục Văn hóa cơ sở đã giải đáp nhiều thắc mắc về các quy định trong Luật Quảng cáo. Theo đó, Bộ VHTTDL được Chính phủ giao cho sửa đổi một số điều của Luật Quảng cáo. Vừa qua, các văn bản về sửa đổi một số điều của Luật Quảng cáo đã được Chính phủ thông qua. Đến tháng 9/2023, Chính phủ ban hành quyết định về việc tiếp tục giao cho Bộ VHTTDL hoàn thiện việc sửa đổi một số điều của Luật Quảng cáo để trình Chính phủ, đưa ra Quốc hội.
Liên quan đến câu hỏi xử lý các nghệ sĩ tham gia quảng cáo sai sự thật, bà Ninh Thị Thu Hương cho biết, điều này nằm trong chính sách số 1 của Luật Quảng cáo sửa đổi đó là tăng cường quy định về nội dung và hình thức quảng cáo. Trong Luật quảng cáo cũ có 2 điều quy định về nội dung và hình thức quảng cáo. Điều 19 quy định nội dung phải trung thực, chính xác; hình thức được thể hiện trên các phương tiện khác nhau sau khi được cơ quan thẩm quyền phê duyệt về mặt nội dung.
Có nghĩa là Luật đã có những cơ chế, chế tài… để quy định kiểm soát về mặt nội dung và hình thức, đảm bảo việc quảng cáo đến với người tiêu dùng phải chính xác, trung thực theo đúng tính năng, chất lượng của sản phẩm quảng cáo đưa ra. Bên cạnh đó, Luật Quảng cáo cũng có các quy định về quyền và trách nhiệm của người tham gia quảng cáo.
"Thời gian vừa qua, trên môi trường mạng xuất hiện nhiều quảng cáo chưa đúng với chất lượng và tính năng của sản phẩm được quảng cáo. Điều này không chỉ là các xảy ra ở các nghệ sĩ mà ở nhiều cá nhân. Tuy nhiên, vì sao chúng ta lại lựa chọn nghệ sĩ hoặc những người có ảnh hưởng để chúng ta đưa ra những chế tài pháp lý chặt chẽ hơn. Bởi những nghệ sĩ có sự ảnh hưởng rất lớn, thậm chí định hướng người tiêu dùng, định hướng người tiêu dùng lựa chọn sản phẩm sai khi nghe theo quảng cáo.
Vì thế, ở chính sách số 1 trong dự thảo Luật Quảng cáo đưa ra những quy định cụ thể liên quan đến quyền và trách nhiệm của những người tham gia quảng cáo của người có uy tín khi truyền tải sản phẩm quảng cáo. Có nghĩa là quy định không chỉ hướng tới các nghệ sĩ mà còn hướng tới những người có sức ảnh hưởng đối với người tiêu dùng. Chúng tôi nghĩ, với những quy định cụ thể này, nghệ sĩ và người có ảnh hưởng sẽ hiểu họ có quyền gì và nghĩa vụ gì khi tham gia quảng cáo", bà Ninh Thị Thu Hương nói.