May mắn vì được học cái chữ
Dưới cái nắng gay gắt của mùa hè, chúng tôi có chuyến công tác về xã Xím Vàng (huyện Bắc Yên, tỉnh Sơn La) - một trong những xã vùng cao đặc biệt khó khăn của tỉnh Sơn La. Đến bản Sồng Chống, nhắc đến ông Thào A Lẩu, không ai là không biết đến ông.
Bởi ông Thào A Lẩu là một trong những hội viên nông dân điển hình của xã trong phát triển kinh tế gia đình. Mặt khác, trước đây ông từng trải qua nhiều vị trí công tác trong bộ máy chính quyền của xã, như: Chủ tịch Hội Nông dân xã, Phó chủ tịch UBND xã.
Thấy người lạ đến chơi nhà, ông Lẩu tay bắt mặt mừng. Rót ly nước mời chúng tôi, ông Lẩu không quên dặn vợ con mổ gà đãi khách.
Ông Lẩu kể: Người dân tộc Mông mình thích sống trên núi cao. Đó như là định mệnh vậy. Chính vì lẽ đó nên cuộc sống của đồng bào Mông trước đây rất khó khăn. Mỗi năm, chỉ đợi dịp có khách quý đến chơi nhà mới dám mổ gà, mổ vịt ăn. May mắn là những năm qua, đồng bào chúng tôi được Đảng, Nhà nước đầu tư cơ sở hạ tầng, hỗ trợ cây con giống để xoá đói, giảm nghèo nên giờ cuộc sống ổn định rồi.
Ông Lẩu may mắn hơn những người khác là từ nhỏ được học cái chữ nên giờ gia đình mới khá giả."Trong thời gian công tác, mình được huyện, xã tạo điều kiện đi đây đi đó học hỏi kinh nghiệm, tham quan một số mô hình phát triển kinh tế. Sau khi mắt thấy, tai nghe, mình bảo vợ con chuyển đổi lúa nương sang ruộng bậc thang; tăng đàn gia súc, gia cầm theo hướng hàng hoá", ông Lẩu nhớ lại.
Sống khoẻ nhờ "ôm" đống nghề
Theo ông Lẩu, muốn tuyên truyền, vận động được người dân phát triển kinh tế thì cách tốt nhất là cán bộ phải làm trước, phải nêu gương. Bởi người Mông vùng này chỉ thích làm nương lúa, nương ngô, tuyên truyền bằng miệng không ai nghe.
Năm 2015, sau gần 30 năm công tác ở xã Xím Vàng, ông Lẩu được nghỉ hưu theo chế độ. Mặc dù tuổi đã cao nhưng cái "máu" làm kinh tế vẫn luôn thôi thúc trong ông. Ông Lẩu cùng gia đình xây dựng mô hình phát triển chăn nuôi kết hợp trồng sơn tra, thảo quả, cây ăn quả.
Với những nỗ lực không ngừng nghỉ, đến nay, gia đình ông Lẩu có gần 70 con trâu, bò, dê, lợn; hơn 100 con gia cầm các loại; 4ha cây sơn tra, thảo quả, cây ăn quả. Chỉ tính riêng chăn nuôi gia súc, năm 2020, gia đình ông Lẩu đã thu nhập hơn 200 triệu đồng. Ông Lẩu dự kiến trong năm 2021, khi một số diện tích cây trồng cho thu hoạch, thu nhập của gia đình đạt khoảng 300 triệu đồng.
Bên cạnh phát triển chăn nuôi, gia đình ông Lẩu còn là một trong những hộ tiên phong trong phong trào khai hoang ruộng bậc thang của bản, đưa các loại giống lúa mới có năng suất cao vào sản xuất. Nhờ áp dụng khoa học kỹ thuật, với gần 3ha ruộng bậc thang, năm 2020, gia đình ông Lẩu thu trên 150 bao thóc. Vừa đảm bảo lương thực cho gia đình vừa là nguồn thức ăn phục vụ trong chăn nuôi.
Ông Lẩu tâm sự: Nhìn thấy diện tích đất hoang, đồi trọc nhiều nên mình vận động, khuyến khích bà con trồng cây sơn tra, khai hoang ruộng nước. Việc làm này không những góp phần phủ xanh đất trống, đồi núi trọc mà còn hạn chế tình trạng phá rừng làm nương rẫy.
Học tập theo cách làm của ông Lẩu, hiện diện tích ruộng bậc thang của bản Sồng Chống đã tăng lên 53ha, sản lượng đạt trên 160 tấn thóc/năm. Qua đó, đã góp phần giúp nhiều hộ dân nơi đây giải quyết được vấn đề thiếu đói vào mùa giáp hạt.
Là một đảng viên, người có uy tín trong bản, ông Lẩu luôn đi đầu trong các phong trào do bản, xã phát động; sẵn sàng giúp đỡ, chia sẻ kinh nghiệm chăn nuôi, trồng trọt với bà con trong bản. Đồng thời, tuyên truyền, vận động đồng bào Mông nơi đây chấp hành tốt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; thực hiện sinh đẻ có kế hoạch, không tảo hôn, không kết hôn cận huyết thống; không nghe theo tà đạo.
Trao đổi với chúng tôi, ông Sồng A Tháy, Chủ tịch Hội Nông dân xã Xím Vàng, cho biết: Người dân trong xã thường nói vui, hội viên nông dân Thào A Lẩu "ôm" đống nghề mà vẫn sống khoẻ. Những cách làm của ông Lẩu đã góp phần thay đổi nếp nghĩ, cách làm của người dân trong bản, xã về phát triển kinh tế, xây dựng nông thôn mới ở địa phương. Ông xứng đáng là tấm gương sáng, tiêu biểu để đồng bào Mông ở vùng cao này học tập và noi theo.