Lão nông ở Lào Cai vươn lên làm giàu nhờ trồng các loại rau, củ quả

Mùa Xuân

23/07/2025 10:30 GMT +7

Ở tuổi 60, nhiều người đã an hưởng tuổi già bên con cháu, nhưng tại thôn Hoà Lạc, xã Gia Phú, tỉnh Lào Cai vẫn có một người ngày ngày miệt mài trên đồng ruộng, chăm sóc từng luống rau, giàn quả. Đó là ông Trần Văn Thuận - người đã dành trọn hơn 40 năm cuộc đời để gắn bó, tìm tòi và thành công với nghề trồng rau màu, xây dựng nên một mô hình kinh tế hiệu quả, cho ra đời những sản phẩm "sạch" được người tiêu dùng tin tưởng.

Giàn mướp ngọt và mướp đắng xanh bạt ngàn của gia đình ông Trần Văn Thuận, thôn Hoà Lạc, xã Gia Phú, tỉnh Lào Cai. Ảnh: Mùa Xuân.

Lão nông ở Lào Cai gắn bó với nghề trồng rau màu từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường

Trong những ngày hè nắng như đổ lửa, chúng tôi tìm về thôn Hoà Lạc để gặp ông Thuận. Khi chúng tôi tới nơi, ông Thuận vừa trở về sau chuyến chợ sớm. Gạt vội những giọt mồ hôi còn lấm tấm trên gương mặt khắc khổ, sạm đen vì nắng gió, ông Trần Văn Thuận, thôn Hoà Lạc, xã Gia Phú, tỉnh Lào Cai (xã Thống Nhất, thành phố Lào Cai, tỉnh Lào Cai cũ) chia sẻ giọng trầm ấm: "Làm nông dân là thế đấy chú ạ, vất vả nhưng quen rồi. Cứ phải dậy từ một giờ sáng để kịp đưa hàng ra chợ thành phố bán các loại mướp ngọt, mướp đắng... cho kịp chợ phiên. Giờ mới xong việc buổi sáng đây".

Chỉ tay ra khu vườn rộng bạt ngàn ngay trước nhà, nơi những giàn mướp đắng, mướp ngọt sai trĩu quả, leo xanh mướt trên hệ thống cọc thép kiên cố, ông Thuận hồ hởi kể về câu chuyện bén duyên với nghề nông. "Có thể nói, tôi đã gắn bó với nghề trồng rau màu này gần như cả đời. Từ lúc còn cắp sách tới trường đã biết phụ giúp bố mẹ trồng rau và sau này khi trưởng thành, lập gia đình riêng, tôi vẫn quyết tâm theo đuổi nghề này", ông bộc bạch.

Ông Trần Văn Thuận, thôn Hoà Lạc, xã Gia Phú, tỉnh Lào Cai thu gọn đồ đạc sau chuyến đi chợ bán nông sản về. Ảnh: Mùa Xuân.

Năm 1987, sau khi hoàn thành nghĩa vụ thiêng liêng bảo vệ tổ quốc trở về địa phương, ông Thuận bắt tay ngay vào việc cải tạo mảnh đất của gia đình. Ông kể, khu vực này trước đây chủ yếu trồng lúa, nhưng vì nằm cạnh suối Ngòi Bo và gần sông Hồng nên thường xuyên bị ngập lụt, ảnh hưởng nghiêm trọng đến năng suất. Nhận thấy khó khăn đó, ông mạnh dạn quyết định chuyển đổi toàn bộ diện tích sang trồng các loại rau màu ngắn ngày như su su, bắp cải, cà chua, mướp đắng, mướp ngọt, đậu đũa, đậu cô ve, hành...

Những năm đầu, điều kiện kinh tế còn eo hẹp, ông phải tận dụng tre, gỗ sẵn có để làm cọc, làm giàn cho cây leo. Nhưng với sự kiên trì và quyết tâm, tích góp dần vốn liếng, khoảng 10 năm trở lại đây, ông Thuận đã đầu tư hệ thống giàn bằng cột bê tông cốt thép vững chắc, kết hợp dây thép, dây nhựa đan xen. Hệ thống này không chỉ giúp cây mướp leo khỏe, sai quả mà còn chống chịu tốt với mưa bão, đảm bảo năng suất ổn định.

Những quả mướp đắng ở vườn nhà ông Thuận được bán với giá cao. Ảnh: Mùa Xuân.

Đến nay, gia đình ông Thuận đang canh tác trên diện tích gần 2 ha đất chuyên trồng rau màu. Vào thời điểm mùa hè nắng nóng này, khu vườn của ông đang vào vụ thu hoạch rộ các loại mướp đắng, mướp ngọt và đậu đũa.

Nắm bắt nhạy bén nhu cầu thị trường, ông Thuận còn thử nghiệm và thành công với việc trồng mướp đắng trái vụ, mang lại hiệu quả kinh tế cao. Trung bình mỗi vụ mướp trái vụ có thể thu về khoảng 30 tấn quả.

Với giá bán trung bình từ 8 đến 15 nghìn đồng/kg tùy thời điểm, một vụ mướp có thể mang lại doanh thu gần 350 triệu đồng. Tính chung cả năm, ông Thuận cho biết gia đình thu hoạch khoảng 50 tấn rau, củ, quả các loại, đạt doanh thu khoảng 500 triệu đồng. Đây thực sự là con số đáng mơ ước đối với nhiều người làm nông nghiệp.

Những trăn trở của lão nông trồng rau màu ở Lào Cai

Chia sẻ về bí quyết làm nên khu vườn năng suất và chất lượng, ông Thuận nhấn mạnh tầm quan trọng của việc cải tạo đất sau mỗi vụ thu hoạch. Đất canh tác liên tục dễ bị chua. Muốn đất tốt, cây khỏe thì sau mỗi vụ phải rắc vôi khử chua, cày xới lại đất và bón thật nhiều phân chuồng hoai mục.

Đặc biệt, yếu tố làm nên thương hiệu và sự tin cậy cho nông sản của gia đình ông Thuận chính là việc tuyệt đối không sử dụng bất kỳ loại thuốc bảo vệ thực vật hay chất cấm nào trong quá trình chăm sóc.

Vườn rau bắp cải của gia đình ông Trần Văn Thuận, thôn Hoà Lạc, xã Gia Phú, tỉnh Lào Cai. Ảnh: Xuân Nguyệt.

"Mình trồng cho người ta ăn cũng như trồng cho mình ăn vậy, phải đảm bảo sạch sẽ, an toàn", ông Thuận khẳng định chắc nịch. Nhờ vậy, các loại nông sản của gia đình ông Thuận luôn được nhiều người tiêu dùng tại Lào Cai và các vùng lân cận tin tưởng tìm mua.

Ở cái tuổi ngoài 60, đáng lẽ được nghỉ ngơi, nhưng lão nông Trần Văn Thuận vẫn tràn đầy nhiệt huyết. Ông vẫn giữ thói quen dậy sớm tinh mơ để tự tay hái những sản phẩm tươi ngon nhất do mình làm ra và mang đi tiêu thụ tại các chợ truyền thống. Sự miệt mài, gắn bó với nghề đã trở thành lẽ sống của ông.

Tuy nhiên, trong câu chuyện với chúng tôi, ông Thuận vẫn không giấu được sự trăn trở. Ông nhìn nhận thực tế hiện nay, phần lớn nông sản sạch của bà con nông dân vẫn chủ yếu dựa vào việc tự sản xuất, tự mang đi bán lẻ tại các chợ.

"Bà con làm ra sản phẩm sạch rồi, nhưng cần có sự giúp đỡ để xây dựng thương hiệu, tem nhãn cho sản phẩm và quan trọng hơn là đưa được nông sản sạch vào tiêu thụ trong các hệ thống siêu thị, cửa hàng tiện lợi.

Có như vậy, bà con mới yên tâm hơn về đầu ra, mạnh dạn đầu tư mở rộng sản xuất và cam kết chất lượng bền vững. Do đó, tôi mong muốn lớn nhất là nhận được sự quan tâm hỗ trợ từ các cấp, các ngành", ông Thuận bày tỏ.

Nhờ trồng các loại rau màu, ông Trần Văn Thuận, thôn Hoà Lạc, xã Gia Phú, tỉnh Lào Cai đã vươn lên làm giàu. Ảnh: Xuân Nguyệt.

Câu chuyện về ông Trần Văn Thuận không chỉ là câu chuyện về một lão nông cần cù, sáng tạo làm giàu trên chính mảnh đất quê hương, mà còn là minh chứng cho tiềm năng phát triển nông nghiệp sạch tại Lào Cai.

Xã Gia Phú, tỉnh Lào Cai (mới) được thành lập trên cơ sở sáp nhập toàn bộ diện tích tự nhiên, quy mô dân số của các xã Xuân Giao, Gia Phú thuộc huyện Bảo Thắng và xã Thống Nhất, TP. Lào Cai, tỉnh Lào Cai (cũ).