Thứ Năm, ngày 16/01/2025 12:59 PM (GMT+7)

Làm nông nghiệp tại TP.HCM thời gian tới sẽ được hỗ trợ lãi vay như thế nào?

2023-11-07 07:17:17

Theo đề xuất, các dự án phát triển nông nghiệp đô thị tại TP.HCM giai đoạn tới sẽ được hỗ trợ lãi vay dao động từ 60-100% tùy từng hạng mục đầu tư. Đáng chú ý, chính sách hỗ trợ một phần lãi vay làm nông nghiệp đô thị giai đoạn tới có nhiều điểm mới, hỗ trợ nông dân, HTX, doanh nghiệp.

Tiếp tục hỗ trợ lãi vay cho dự án nông nghiệp đô thị TP.HCM

Sở NNPTNT TP.HCM vừa tổ chức lấy ý kiến các cơ quan, tổ chức, cá nhân góp ý đối với dự thảo Nghị quyết quy định khuyến khích chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp đô thị trên địa bàn thành phố.

Dự kiến mức vay được hỗ trợ lãi vay sẽ xác định theo quy mô đầu tư của phương án và quy định của tổ chức cho vay, nhưng không quá 200 tỷ đồng/phương án và không bao gồm các khoản thuế giá trị gia tăng được hoàn, được khấu trừ.

Chính sách hỗ trợ lãi vay làm nông nghiệp đô thị tại TP.HCM thời gian tới có gì đặc biệt? - Ảnh 1.

HTX Tuấn Ngọc, TP.Thủ Đức chuyên trồng rau thủy canh theo mô hình nông nghiệp đô thị tại TP.HCM. Ảnh: Quang Sung

Theo đó, ngân sách thành phố sẽ hỗ trợ 100% lãi suất đối với chủ đầu tư thực hiện đầu tư xây dựng cơ bản; mua máy móc thiết bị phục vụ sản xuất nông nghiệp, ngành nghề nông thôn, sơ chế, chế biến sản phẩm nông nghiệp.

Chủ đầu tư thực hiện duy trì, phát triển sản phẩm OCOP đạt 4 sao, 5 sao thuộc Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) cũng được hỗ trợ lãi suất 100%.

Các đối tượng được hỗ trợ 100% lãi suất vay còn có chủ đầu tư sản xuất giống; sản xuất nông nghiệp hữu cơ; sản xuất nông nghiệp sạch và sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; chủ đầu tư là thành viên hợp tác xã hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp đầu tư mua giống, vật tư, thức ăn, nhiên liệu và trả công lao động sản xuất nông nghiệp.

Chủ đầu tư phát triển sản phẩm thuộc làng nghề, nghề truyền thống, làng nghề truyền thống được UBND TP công nhận; chủ đầu tư chuyển đổi từ đất muối sang nuôi trồng thủy sản; chủ đầu tư chuyển đổi từ sản xuất lúa, mía, cao su hiệu quả thấp sang trồng cây có hiệu quả cao hơn (rau, hoa, bắp, cỏ chăn nuôi); chủ đầu tư tham gia chuỗi an toàn thực phẩm sản xuất nông nghiệp cũng sẽ được hỗ trợ lãi suất 100%.

Chính sách hỗ trợ lãi vay làm nông nghiệp đô thị tại TP.HCM thời gian tới có gì đặc biệt? - Ảnh 3.

Làng nghề bánh tráng Phú Hòa Đông, Củ Chi, TP.HCM. Ảnh: Nguyên Vỹ

Các đối tượng được ngân sách thành phố hỗ trợ 80% lãi suất là chủ đầu tư sản xuất rau, hoa, cây kiểng, cá cảnh, bò sữa, bò thịt, heo, tôm nước lợ, nuôi trồng thuỷ sản để mua giống, vật tư, thức ăn nhiên liệu, trả công cho người lao động.

Ngân sách Thành phố hỗ trợ 60% lãi suất cho chủ đầu tư mua giống, vật tư, thức ăn nhiên liệu, trả công cho người lao động để sản xuất các loại cây trồng vật nuôi khác; chủ đầu tư ký kết hợp đồng tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, ngành nghề nông thôn đối với hợp tác xã; chủ đầu tư phát triển du lịch sinh thái (đối với các hạng mục đầu tư phát triển sản xuất nông nghiệp phục vụ phát triển du lịch sinh thái)…

Dự thảo cũng cho biết hộ nghèo, hộ cận nghèo thực hiện sản xuất nông nghiệp theo các nội dung trên sẽ được ngân sách hỗ trợ 100% lãi suất.

Nông nghiệp đô thị TP.HCM: Tập trung nông nghiệp công nghệ cao

Trao đổi với phóng viên, bà Hoàng Thị Mai - Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn (Sở NNPTNT TP.HCM) cho biết Sở NNPTNT TP.HCM đã triển khai chính sách khuyến khích chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp hay còn gọi là chính sách hỗ trợ lãi vay theo các Quyết định 105, Quyết định 04, Nghị quyết 10, Nghị quyết 06. Đây là chính sách rất hiệu quả được Sở NNPTNT TP.HCM triển khai hơn 10 năm nay.

Đến nay, đã có khoảng 24.000 lượt hộ dân, doanh nghiệp, HTX được tham gia vay vốn và hưởng ưu đãi từ chính sách, với tổng nguồn vốn đầu tư trên 13.000 tỷ đồng, tổng số tiền vay vốn được hỗ trợ lãi vay trên 8.000 tỷ đồng. Ngân sách TP đã chi ra gần 700 tỷ đồng để hỗ trợ đầu tư phát triển sản xuất nông nghiệp.

Chính sách hỗ trợ lãi vay làm nông nghiệp đô thị tại TP.HCM thời gian tới có gì đặc biệt? - Ảnh 4.

Nông nghiệp công nghệ cao là hướng đi của nông nghiệp đô thị TP.HCM giai đoạn tới. Ảnh: H.Phúc

Theo Sở NNPTNT TP.HCM, để tiếp tục việc hỗ trợ một phần lãi vay cho nông dân, hợp tác xã, doanh nghiệp nông nghiệp trên địa bàn thành phố đầu tư mở rộng, phát triển sản xuất góp phần chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp đô thị, Sở đề xuất tiếp tục xây dựng Nghị quyết của HĐND Thành phố ban hành quy định khuyến khích chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp đô thị trên địa bàn thành phố trong giai đoạn tới.

Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn Hoàng Thị Mai cho biết định hướng thời gian tới của thành phố là phát triển nông nghiệp theo hướng nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ. 

Do đó, các điểm mới trong chính sách chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp đô thị của thành phố dự kiến giai đoạn tới sẽ tập trung vào định hướng này. 

“Thứ nhất, TP.HCM tập trung hướng khuyến khích nông dân, HTX, doanh nghiệp tập trung mạnh hơn vào sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ. Thứ hai khuyến khích doanh nghiệp, HTX sản xuất giống. Thứ ba, khuyến khích người dân tham gia vào HTX và phát triển HTX. Người dân là thành viên HTX hoặc doanh nghiệp có liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm của HTX, đều những đối tượng được hưởng chính sách ưu đãi của thành phố”, bà Mai nói thêm.


Hồng Phúc
13/28 ngân hàng báo lãi tăng, Vietcombank đứng đầu với lợi nhuận 'khủng'

13/28 ngân hàng báo lãi tăng, Vietcombank đứng đầu với lợi nhuận "khủng"

Tính đến chiều 30/10, có 28 ngân hàng đã hoàn thành công bố kết quả kinh doanh quý III và 9 tháng năm 2023. Nhưng chỉ có 13 ngân hàng trong số này ghi nhận lợi nhuận trước thuế lũy kế 9 tháng tăng so với cùng kỳ.