Thứ Bảy, ngày 18/01/2025 05:14 PM (GMT+7)
Làm ngơ với quyết định của FED, chứng khoán Việt vẫn "cài số lùi"
2023-12-14 15:15:00
Sau khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) thông báo giữ nguyên lãi suất lần thứ 3 liên tiếp, cả 3 chỉ số Dow Jones, S&P 500 và Nasdaq đều lập đỉnh mới trong năm 2023. Tuy nhiên, trái ngược với đà hưng phấn của thị trường Mỹ, chứng khoán Việt vẫn "cài số lùi" trong phiên hôm nay.
Kết phiên giao dịch ngày 13/12, thị trường chứng khoán Mỹ tiếp tục duy trì mạch hưng phấn. Dow Jones tăng 512,3 điểm (tương đương 1,4%) lên mức 37.090 - mức cao nhất mọi thời đại; S&P 500 tăng 1,4% và có lần đầu tiên vượt 4.700 điểm kể từ tháng 1 năm ngoái; Nasdaq tăng 1,4% lên 14.734 điểm. Cả 3 chỉ số đều lập đỉnh mới trong năm 2023.
Đà tăng phấn khởi diễn ra sau khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) thông báo giữ nguyên lãi suất lần thứ 3 liên tiếp tại cuộc họp vừa kết thúc. Fed cũng báo hiệu sẽ có 3 đợt giảm lãi suất trong năm 2024 - nhiều hơn so với dự báo hồi tháng 9.
Tuy nhiên, trái với dự đoán của giới đầu tư rằng thông tin trên sẽ tác động tích cực đến thị trường Chứng khoán Việt Nam, mở phiên sáng nay (14/12), VN-Index tăng nhẹ sau khoảng 30 phút đầu phiên rồi quay đầu giảm, sau đó phần lớn thời gian lại chỉ giằng co quanh tham chiếu trong biên độ hẹp.
Chưa kể, thông tin cả 4 ngân hàng quốc doanh gồm Vietcombank, VietinBank, BIDV và Agribank đều đồng loạt hạ lãi suất tiền gửi tiết kiệm từ 0,2-0,4 điểm phần trăm cũng chưa thể giúp thị trường hứng khởi hơn.
Trong khi nhóm chứng khoán và ngân hàng đang xanh nhẹ thì bất động sản chịu áp lực mạnh hơn. Một vài cổ phiếu bất động sản thuộc phân khúc nhà ở thương mại còn tăng như DXG, NLG, PDR, VPI,…
Trong khi đó, NVL thời điểm mở cửa còn tăng, nhưng gần cuối phiên sáng thì quay đầu giảm hơn 2,6%.
Hôm qua, HĐQT NVL đã chốt nội dung xin ý kiến cổ đông về việc phát hành thêm 1,17 tỷ CP cho cổ đông hiện hữu và phát hành riêng lẽ tối đa 200 triệu CP (điều chỉnh từ hơn 975 triệu CP) với cùng mức giá 10.000 đồng/CP. Một phần vốn thu được từ đợt phát hành sẽ dùng cho việc cơ cấu nợ vay.
Ngoài NVL, một số mã khác như BCM, VHM, VRE, KDH hay KBC cũng đang điều chỉnh trong sắc đỏ.
Ở ngành bán lẻ, hai ông lớn MWG và FRT cũng đảo chiều giảm điểm.
Kết phiên sáng, VN-Index tăng 1,78 điểm (+0,16%) lên 1.115,94 điểm; HNX-Index và UPCoM-Index cùng tăng nhẹ ngay sát tham chiếu. Thanh khoản thị trường giảm so với phiên sáng hôm qua, đạt hơn 7.600 tỷ đồng.
Khối ngoại bán ròng 153 tỷ đồng trên sàn HoSE. Tạm tính, đây đã là phiên xả bán thứ 12 liên tiếp của các nhà đầu tư nước ngoài. Top 10 mã bị bán ròng nhiều nhất phần lớn đều là nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn gồm HPG, CTG, STB, VNM, VCG, DGC, VCI… Ở chiều ngược lại, IDC đang được mua ròng nhiều nhất, tiếp theo đó là HDB, SSI, MWG,…
Bước sang phiên chiều, thị trường vẫn duy trì trang thái lình xình khi dòng tiền vẫn tiếp tục e dè. Tuy nhiên, từ thời điểm sát phiên ATC, lực bán xuất hiện khiến VN-Index nới rộng biên độ giảm lên mức 5 điểm và chính thức thủng mốc 1.110 điểm.
Thời điểm này, gây chú ý là các mã NVL giảm gần 4%, EIB giảm 2,6%, KDH giảm 3% cùng sắc đỏ của DCM, VCG, CII, TCH,... là nhân tố tác động tiêu cực lên chỉ số. Ở nhóm thép, cổ phiếu POM của Thép Pomina thậm chí bị bán về mức giá sàn.
VHM, HPG, VPB, NVL... là những mã tác động tiêu cực lên chỉ số. Chiều ngược lại, VCB, FPT, ACB... là những mã đang đóng góp tích cực, góp phần tạo lực cản cho VN-Index khỏi rơi thêm.
Đóng cửa phiên giao dịch, VN-Index giảm 4,07 điểm (-0,37%) về 1.110,13 điểm; HNX-Index giảm 1,19 điểm (-0,52%) về 227,23 điểm, trong khi UPCoM-Index lại tăng nhẹ 0,13 điểm (0,15%) lên 85,22 điểm. Thanh khoản cả 3 sàn phiên hôm nay đạt gần 17.000 tỷ đồng.