Thứ Năm, ngày 16/01/2025 11:55 AM (GMT+7)

Làm ăn 6 năm tại Campuchia lỗ 274 tỷ đồng, phải đóng cửa hàng, cơ hội nào cho Thế Giới Di Động ở Indonesia?

2023-02-21 18:01:00

Chuỗi Bluetronics tại Campuchia được Thế Giới Di Động đầu tư 6 năm, kết quả mang về là khoản lỗ 274 tỷ đồng. Ông Nguyễn Đức Tài quyết định đóng Bluetronics để khai phá thị trường Indonesia. Nhưng cơ hội nào cho Thế Giới Di Động ở nơi mới này?

Giữa năm 2017, tại Phnom Penh, Thế Giới Di Động (TGDĐ - mã chứng khoán: MWG) khai trương siêu thị BigPhone đầu tiên của hệ thống tại Campuchia. Đây là siêu thị thể hiện tham vọng của Thế Giới Di Động trong việc mở rộng hệ thống ra ngoài lãnh thổ Việt Nam. Tuy nhiên, đến hết quý I/2023, TGDĐ sẽ hoàn tất khai tử chuỗi này tại Campuchia.

Đầu tư 6 năm, lỗ 274 tỷ đồng

Mô hình ban đầu của BigPhone tương tự chuỗi cửa hàng điện thoại thegioididong.com tại Việt Nam. Sử dụng bộ nhận diện thương hiệu tương tự chuỗi bán lẻ tại Việt Nam, công ty kỳ vọng mỗi cửa hàng thuộc chuỗi có doanh số 2 tỷ đồng mỗi tháng. 

Đến cuối năm 2019, BigPhone được đổi tên thành Bluetronics, đồng thời chuyển đổi mô hình sang kinh doanh điện thoại lẫn điện máy, tương tự chuỗi Điện Máy Xanh tại Việt Nam. Giữa năm 2021, Bluetronics có tổng cộng 55 cửa hàng, và là chuỗi bán lẻ lớn nhất Campuchia. 

Ông Đoàn Văn Hiểu Em - CEO chuỗi điện thoại, điện máy của Thế Giới Di Động, cho biết doanh thu của chuỗi Bluetronics đạt 500 tỷ đồng trong năm 2021. Nếu không bị ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, Bluetronics đã có thể đạt tới điểm hòa vốn ngay trong năm 2021.

Làm ăn 6 năm tại Campuchia lỗ 274 tỷ đồng, cơ hội nào cho Thế Giới Di Động tại Indonesia? - Ảnh 1.

Chuỗi Bluetronics tại Campuchia được Thế Giới Di Động đầu tư 6 năm, kết quả mang về là khoản lỗ 274 tỷ đồng. Ảnh: MWG

Nhưng tình hình kinh doanh tại Bluetronics lại không đạt được như kỳ vọng của Thế Giới Di Động. Từ số lượng vài chục điểm bán, hiện số lượng cửa hàng Bluetronics tại Campuchia của MWG chỉ còn khoảng vài cửa hàng. 

Báo cáo tài chính hợp nhất quý IV/2022 của TGDĐ tiết lộ mảng kinh doanh tại Campuchia đến cuối năm 2022 lỗ lũy kế 274 tỷ đồng. Năm 2022 là năm chuỗi này lỗ nặng nhất, với khoản lỗ lên đến 187 tỷ đồng.

Ông Hiểu Em cho biết thực tế, cuối năm 2022, ban lãnh đạo Thế Giới Di Động đã quyết định đóng Bluetronics tại Campuchia, dự kiến kết thúc toàn bộ trong quý I/2023.

“Tôi cho rằng Bluetronics không phải là mô hình quá tệ, thậm chí chúng tôi còn từng đặt mục tiêu phát triển như Điện Máy Xanh”, ông Hiểu Em nói.

Nhưng ông cho biết Thế Giới Di Động đang gặp khó khăn về chính sách, nhất là thuế khóa khi kinh doanh tại Campuchia, khiến công ty loay hoay chưa tìm được hướng đi hiệu quả.

“Thị trường Campuchia chúng tôi cho rằng quá nhỏ. Các chính sách thuế khoá lại phức tạp. Chúng tôi vận hành tuân thủ chính sách thuế khóa thì phải bán cao hơn thị trường 10-15%, nếu giảm xuống đua với thị trường thì không có lợi nhuận, còn bán đúng thì giá nhập từ nhà cung cấp và thuế thì gần như không có cạnh tranh”. Ông Hiểu Em nói và cho biết khi ngưng kinh doanh tại Campuchia, doanh nghiệp sẽ tập trung cho thị trường mới, là Indonesia.

Cơ hội nào cho Thế Giới Di Động tại Indonesia?

Tại cuộc họp với nhà đầu tư vào Thế Giới Di Động, ông Hiểu Em dành thời gian nói nhiều tương lai của thị trường Indonesia. Cuối năm 2022, khi có quyết định đóng Bluetronics tại Campuchia, tập đoàn đã từng bước thử nghiệm tại Indonesia, với chuỗi EraBlue.

Làm ăn 6 năm tại Campuchia lỗ 274 tỷ đồng, cơ hội nào cho Thế Giới Di Động tại Indonesia? - Ảnh 3.

Thế Giới Di Động ngưng kinh doanh tại Campuchia, tấn công Indonesia. Ảnh: MWG

Mô hình của EraBlue tại Indonesia tương tự Điện Máy Xanh tại Việt Nam, tức kinh doanh điện thoại, điện máy và nhiều dụng thiết bị điện tử, gia dụng khác. Cuối năm 2022, MWG đã mở 5 cửa hàng EraBlue tại Indonesia. Báo cáo mới nhất cho biết chuỗi này đã nhanh chóng đạt mốc doanh thu 1 triệu USD đầu tiên.

“Thị trường tại Indonesia trái ngược với Campuchia, nó rất lớn và gần như gấp đôi tại Việt Nam. Nhu cầu, hành vi mua sắm của người dân Indonesia khá giống người Việt, nên chúng tôi thấy được cơ hội cho thị trường này”, ông Hiểu Em khẳng định.

Theo ông Hiểu Em, tỷ lệ nhu cầu điện thoại và điện máy tại Indonesia rơi vào khoảng 80-20 (80% nhu cầu điện thoại và 20% nhu cầu điện máy). Người đứng đầu chuỗi điện thoại và điện máy của Thế Giới Di Động phân tích, nhu cầu điện thoại nhiều thì quy mô sẽ lớn, đây là thế mạnh của TGDĐ. 

Còn điện máy, theo ông thì nhu cầu chỉ khoảng 20%. Vì tại Indonesia, dịch vụ của ngành điện máy của các nhà bán lẻ chưa tốt. Chẳng hạn, nhà bán lẻ chỉ trưng bày và bán, việc lắp đặt phụ thuộc nhà sản xuất, do đó, thời gian lắp đặt lâu, có khi lên đến cả tuần. Điểm hạn chế này lại là điểm mạnh của Điện Máy Xanh, công ty sẽ bán hàng, lắp đặt ngay cho khách, tạo sự khác biệt với các nhà bán lẻ địa phương.

Ông Hiểu Em đặt nhiều kỳ vọng ở chuỗi EraBlue. Theo ông, trung bình những cửa hàng đầu tiên đang đạt doanh thu 5 tỷ đồng/cửa hàng. 

"Cửa hàng có diện tích 400m2, khá tương đồng Điện Máy Xanh mini tại Việt Nam cho doanh thu ấn tượng. Tại Việt Nam là đã lời nhưng đây là cửa hàng tại Indonesia nên chúng tôi nỗ lực hoàn thiện, tiết giảm chi phí, hoàn thiện mô hình, tiếp tục nhân cửa hàng thử nghiệm đánh giá chuẩn bị cho giai đoạn tăng tốc, mở rộng”, ông Hiểu Em thông tin.

Phúc Minh
Novaland nói gì về 2 lô trái phiếu gần 1.080 tỷ đồng chậm thanh toán?

Novaland nói gì về 2 lô trái phiếu gần 1.080 tỷ đồng chậm thanh toán?

Với hai lô trái phiếu NVLH2224005 và NVLH2123009 có tổng số tiền gần 1.080 tỷ đồng, Novaland cho biết, vẫn đang trong quá trình thu xếp vốn để thanh toán.