Chủ Nhật, ngày 19/01/2025 05:56 AM (GMT+7)

Lãi vay mua nhà vẫn cao dù lãi huy động giảm sâu

2023-08-13 13:00:00

Mặc dù lãi suất huy động đã giảm sâu, song lãi suất cho vay mua nhà vẫn là áp lực lớn cho những người có ý định đi vay ngân hàng mua nhà để ở.


Lãi vay mua nhà vẫn cao dù lãi huy động giảm sâu - Ảnh 1.

Việc điều chỉnh lãi suất cho vay phụ thuộc vào quy mô, năng lực, cấu trúc vốn và quản trị của mỗi ngân hàng. Ảnh: Đ.T

Lãi vay cao vì có độ trễ

Tại các ngân hàng VPBank, ACB, VIB, OCB, PVcombank, OceanBank, MBBank, MSB, VIB..., lãi suất cho vay mua nhà trong tháng 7 và tháng 8/2023 vẫn ở mức tương đối cao. Trong 6 - 12 tháng đầu tiên, mức lãi suất được các ngân hàng áp dụng trong khoảng 7,99 - 11,8%/năm. Cụ thể, mức lãi suất ưu đãi tại StandardChartered là 7,99%/năm; ACB là 8,5%; VCB là 9%; OCB là 10,5%; TBBank là 10,9%; VPBank là 11,8%…

Tuy nhiên, lãi suất sau ưu đãi, còn gọi là lãi suất thả nổi theo thị trường (lãi suất tham chiếu + biên độ dao động) dao động trong khoảng 12,1 - 15,5%/năm. Theo đó, Pvcombank đưa ra mức lãi suất 15,5%; MSB là 14,6%; VPBank là 14%, TPBank là 13,75%; MBBank là 13,7%…

Sở dĩ lãi suất cho vay mua nhà còn cao, theo TS. Nguyễn Hữu Huân, Giảng viên Trường đại học Kinh tế TP.HCM, là do các ngân hàng chưa tiêu thụ hết nguồn vốn huy động lãi suất cao kể từ quý III/2023 đến đầu năm 2023.

Ông Trịnh Bằng Vũ, Trưởng khối Cho vay bán lẻ, Ngân hàng Shinhan Việt Nam cho rằng, độ trễ khi điều chỉnh hay thay đổi về lãi suất cho vay còn phụ thuộc vào quy mô, năng lực, cấu trúc vốn và việc quản trị của mỗi ngân hàng. Giá vốn cho vay trong quý II/2023 của nhiều ngân hàng thương mại vẫn cao vì còn phụ thuộc nhiều vào vốn huy động lãi suất cao của thời gian trước (đặc biệt là giai đoạn quý III và quý IV/2022). Vì vậy, để giảm ngay lãi suất cho vay, các ngân hàng phải giảm bớt lợi nhuận, hoặc tiết giảm chi phí…

Với Shinhan Việt Nam, theo ông Vũ, từ đầu năm 2023, Ban lãnh đạo Ngân hàng đã sớm triển khai chủ trương này, nên đã giảm lãi suất vay ngay từ đầu tháng 2/2023. Trong đầu quý II/2023, Ngân hàng vẫn duy trì và áp dụng các mức lãi suất cho vay thấp hơn mặt bằng bình quân chung trước đây và sẽ tiếp tục điều chỉnh.

Cần giảm lãi vay để kích cầu

TS. Lê Anh Tuấn, Phó tổng giám đốc đầu tư, kiêm Trưởng phòng Nghiên cứu Công ty Quản lý quỹ Dragon Capital cho rằng, lãi suất đã, đang và tiếp tục giảm, song chưa thể về mức lãi suất của hai năm trước khi dịch Covid-19 xảy ra. Riêng lãi suất cho vay mua nhà đã giảm từ bình quân 14%/năm cách đây vài tháng về khoảng 12%/năm.

Theo TS. Tuấn, lãi suất cho vay hiện nay vẫn cao đối với người mua nhà, mà phải dưới 10%/năm, mới thực sự kích được nhu cầu. Tuy nhiên, việc giảm lãi suất là một quá trình và quá trình này sẽ tiếp diễn cho đến năm 2024, tính ảnh hưởng vào nền kinh tế cũng mất khoảng 6-9 tháng.

Phát biểu tại Diễn đàn Cấp cao Cố vấn tài chính Việt Nam năm 2023 (Vietnam Wealth Advisor Summit 2023) do Báo Đầu tư phối hợp với Cộng đồng Cố vấn tài chính Việt Nam (VWA) tổ chức hôm 8/8, TS. Lê Xuân Nghĩa, chuyên gia kinh tế - tài chính cho rằng, lãi vay vẫn còn cao là một trong các rủi ro lớn của nền kinh tế. Nhiều doanh nghiệp đang phải chịu lãi vay 14-15%/năm, bất chấp Ngân hàng Nhà nước đã có nhiều nỗ lực giảm lãi suất điều hành.

Trong khi đó, mặt bằng lãi suất huy động đã và đang giảm sâu so với quý III/2022. Thị trường và các chuyên gia phân tích lĩnh vực tài chính kỳ vọng, Ngân hàng Nhà nước sẽ hạ thêm 0,5 điểm phần trăm, đưa lãi suất điều hành về 4% trong quý III/2023. Từ đó, ngân hàng có thêm điều kiện tiết giảm chi phí đầu vào để giảm thêm lãi suất cho vay.

Sau 4 lần hạ lãi suất điều hành, lãi suất (cả huy động và cho vay) trên thị trường đã giảm, song vẫn có những doanh nghiệp chưa tiếp cận được vốn, nhất là cá nhân vay mua nhà. Tăng trưởng tín dụng nửa đầu năm nay thấp, khi đến cuối tháng 6/2023 mới tăng 4,73% so với cuối năm 2022, bằng 1/3 kế hoạch.

Do áp lực lãi vay còn cao và tăng trưởng tín dụng yếu trong nửa đầu năm nay, người vay kỳ vọng giảm thêm lãi suất để có cơ hội tiếp cận vốn, ngân hàng khơi dòng chảy tín dụng, cả với cho vay mua nhà. Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam (VNBA) đã có văn bản gửi lãnh đạo các ngân hàng hội viên kêu gọi tiếp tục đồng hành, chia sẻ khó khăn với doanh nghiệp, người dân, trong đó giảm lãi suất cho vay tối thiểu từ 1,5 - 2%/năm và đã được các ngân hàng đồng thuận.

Theo TS. Nguyễn Quốc Hùng, Tổng thư ký VNBA, trên cơ sở cân đối nguồn lực tài chính, các ngân hàng có thể xem xét giảm lãi suất đối với khoản dư nợ hiện hữu và các khoản vay mới, phấn đấu mức giảm tối thiểu 1,5 - 2%. Đồng thời, xem xét giảm phí, lệ phí và các dịch vụ khác... hỗ trợ doanh nghiệp, người dân phục hồi sản xuất - kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng.

Ông Trịnh Bằng Vũ nhận định, trong nửa cuối năm 2023, nhu cầu vay mua nhà sẽ cao hơn trước, chủ yếu do nhiều yếu tố hỗ trợ như có nhiều thông tin về khai thông tín dụng cho bất động sản, các ngân hàng sẽ qua độ trễ giá vốn cao nên có điều kiện giảm thêm lãi suất, kích thích nhu cầu vay…

Riêng về phân khúc nhà ở xã hội, sức hấp dẫn tùy thuộc vào khẩu vị, quan điểm, chính sách cho vay của từng ngân hàng. Tuy nhiên, với giá trị khoản vay vừa phải, phù hợp với phân khúc khách hàng có thu nhập ổn định, tin cậy từ lương, được Ngân hàng Nhà nước khuyến khích hỗ trợ…, đây là phân khúc tốt để các ngân hàng đẩy mạnh tín dụng cho vay mua nhà. Mặc dù vậy, quy định về việc chuyển nhượng quyền sở hữu trong vòng 5 năm với nhà ở xã hội là yếu tố gây băn khoăn cho một số ngân hàng khi xem xét việc thực hiện thế chấp và xử lý tài sản bảo đảm.

Theo Đầu tư

Vân Linh

Tags: