dd/mm/yyyy

Kỳ bí tảng đá thần ở La Pán Tẩn

Thôn Trống Páo Sang có một tảng đá, người dân gọi là tảng đá thần. Hàng năm có cả trăm người khắp huyện Mù Cang Chải đến đây cầu cúng…



Kỳ bí tảng đá thần ở La Pán Tẩn - Ảnh 1.

Tảng đá thần ở La Pán Tẩn. Ảnh: Thái Sinh.

Tôi được nhiều người kể cho nghe về sự linh thiêng của tảng đá thần nằm ở xã La Pán Tẩn, nơi có những thửa ruộng bậc thang đẹp mê hồn, năm 2020 được Thủ tướng chính phủ xếp hạng là danh thắng quốc gia đặc biệt, nhất là quả đồi Mâm Xôi khiến cho bao người mê mẩn bởi sự sáng tạo kỳ diệu của người dân nơi đây.

Tôi đã nhiều ngày lang thang khắp nơi trên đất Mù Cang Chải (Yên Bái), được nghe nhiều chuyện về tảng đá thần nhưng không biết tảng đá đó nằm ở đâu, mãi đến hôm nay mới được Bí thư Đoàn xã La Pán Tẩn là anh Lù A Tu dẫn lên xem và kể cho nghe những chuyện mà chính gia đình anh từng đến cầu xin với nhiều điều kỳ bí không thể nào giải thích nổi.

Hóa ra tảng đá thần nằm cạnh con đường từ trụ sở Ủy ban nhân dân xã La Pán Tẩn lên quả đồi Mâm Xôi. Từ con đường bê tông tới chỗ tảng đá thần ngự chỉ khoảng 50m, đi qua vài thửa ruộng bậc thang và một dòng suối nhỏ.

Điều kỳ diệu, xung quang tảng đá là những thửa ruộng bậc thang, tuyệt nhiên không có một tảng đá nào khác, tựa hồ như tảng đá này do bàn tay thần kỳ nào đó nhấc từ nơi khác đến đặt ngay ngắn tại đây. Tảng đá thẳng đứng, cao gần bằng ngôi nhà hai tầng dựa lưng vào dải đất như thân con rồng, mà tảng đá là đầu rồng trườn từ đỉnh núi Tà Xá xuống dòng suối uống nước.

Kỳ bí tảng đá thần ở La Pán Tẩn - Ảnh 2.

Người dân đến làm lễ tạ ơn tảng đá thần. Ảnh: Lù A Tu.

Chuyện xưa kể rằng, mùa mưa năm ấy, mưa rất to kéo dài cả tháng trời, mưa liên miên và dai dẳng, khiến đất nhão ra, sấm chớp nhì nhằng đến nỗi không ai dám bước chân ra khỏi nhà. Vào một đêm có tiếng sét rất lớn làm rung chuyển cả núi rừng, lũ trẻ đang ngủ khóc thét lên, người già thì co rúm lại như thể núi sập, trời tối đen như tro bếp bỗng sáng rực, nhìn lên đỉnh núi Tà Xá thấy một vầng sáng lóa cùng với tiếng sấm, tiếng sét kéo dài rền vang đến nửa canh gà không ngớt.

Sớm hôm sau người ta nhìn lên đỉnh núi thấy toang hoác một khoảng trống rất lớn, thì ra đêm qua sét đánh xuống đỉnh núi đã tách đôi tảng đá, một nửa trôi xuống phía Pú Nhùa đó là hòn vợ, một nửa trôi xuống Háng Sung gặp quả núi thì dừng lại bên dòng suối, đó là hòn chồng. Người Mông gọi là Nả Chí Khúa Pao Dê. Tức là tảng đá bố mẹ hay là tảng đá thần.

Lù A Tu ngồi xuống một hòn đá bên bờ suối kể cho tôi nghe, con gái anh tên là Lù Thị Tuyết Nga sinh năm 2016, khi cháu được hơn một tuổi, người còi cọc không ăn không ngủ cứ khóc nhành nhạch suốt ngày, đi lại không vững bước chân lẩy bẩy…

Chẳng biết bệnh gì, thuốc thang thế nào cũng không khỏi, rồi mời cả thầy cúng về cúng cũng chả ăn thua gì. Hai vợ chồng mới bàn nhau đưa cháu bé lên tảng đá thần xin một cái tên, giống như xin làm con nuôi thần linh. Vốn là cán bộ đoàn, nên Tu không hẳn tin những chuyện như thế, nhưng bố mẹ giục mãi nên anh mới cùng vợ bế con đi mang theo một sợi chỉ để làm vía.

Ba hôm trước khi đưa con gái lên xin sức khỏe của đá thần, hai vợ chồng ăn uống, ngủ nghỉ thật thanh tịnh, tắm rửa cho con bằng lá thơm, họ chọn giờ đẹp đưa con gái lên nơi tảng đá thần ngự, đặt sợi chỉ lên tảng đá, hai vợ chồng và đứa trẻ cùng quỳ xuống khấn rằng: Tôi tên là Lù A Tu ở thôn Tả Chí Lừ, hôm nay cùng vợ đưa con gái là Lù Thị Tuyết Nga lên xin Nả Chí Khúa Pao Dê nhận con gái tôi làm con nuôi. Thần đá hãy cho con tôi có sức khỏe, hay ăn chóng lớn, bước đi vững vàng như đá…

Lời khấn của hai vợ chồng Tu dài lắm với tấm lòng thành thật và sự cầu mong thần đá che chở cho con gái mình. Sau khi cúng xong họ buộc sợi chỉ vào cổ tay cô con gái và gọi là Dê. Dê, tiếng Mông nghĩa là đá. Kể từ hôm đó cô bé Lù Thị Tuyết Nga là con nuôi của thần đá Nả Chí Khúa Pao Dê.

Thật không ngờ, sau hôm cúng đó cô bé ăn khỏe, ngủ ngon, bước chân đi vững chắc không còn run rẩy ngã siêu ngã vẹo như trước nữa. Để trả ơn tảng đá thần, từ mùng 2 đến mùng 5 tết âm lịch vợ chồng Lù A Tu chọn một ngày mang một con gà, hay miếng thịt lợn tới chân tảng đá thần cúng tạ ơn.

Kỳ bí tảng đá thần ở La Pán Tẩn - Ảnh 3.

Người dân quỳ lạy dưới chân tảng đá thần. Ảnh: Lù A Tu.

Vàng A Sào, cán bộ Ban Quản lý rừng phòng hộ Mù Cang Chải người xã Púng Luông, cho biết: Gia đình nào đến xin tảng đã thần sức khỏe, may mắn, thóc gạo và trâu bò… thì ba năm phải trả lễ. Lễ thần đá thật đơn giản, chỉ là một con gà, hay một miếng thịt. Miếng thịt ấy phải là thịt con lợn mổ tết của gia đình được giữ lại, chứ không phải thịt mua ở chợ. Gia đình nào làm ăn được thì mang một con lợn khoảng 15 - 20kg đến tạ ơn…

Kỳ bí tảng đá thần ở La Pán Tẩn - Ảnh 4.

Những cụ già tới làm lễ dán những lá bùa vào tảng đá cầu may. Ảnh: Lù A Tu.

Theo Lù A Tu, từ ngày mùng 2 đến ngày mùng 5 tết có hàng trăm người khắp huyện Mù Cang Chải đến đây làm lễ, có ngày 200 người. Họ bắc bếp dọc bờ suối quanh tảng đá dài vài chục mét, họ mổ gà, mổ lợn làm cỗ đặt quanh tảng đá cúng bái một cách thành kính. Sau khi làm lễ xong thì họ ăn uống ngay dưới chân tảng đá…

Quan sát dưới chân tảng đá tôi thấy có rất nhiều chén và bát ăn cơm bỏ lại cùng một vài nắm hương chưa thắp, Lù A Tu chỉ chiếc bàn thờ nhỏ gắn vào hốc đá bảo: Người cúng chỗ này, người cúng dưới đất, quanh tảng đá thần này cúng chỗ nào cũng được...

Kỳ bí tảng đá thần ở La Pán Tẩn - Ảnh 5.

Những dụng cụ cúng tế của các thầy cúng đã mất được người nhà mang đến để trên tảng đá. Ảnh: Thái Sinh.

Nhìn lên sườn tảng đá có những thanh gỗ tựa như bàn thờ hay cầu thang được bỏ trên đó mưa nắng lâu ngày đã ải. Tôi hỏi vì sao lại có những vật dụng đặt trên đó, Tu giải thích rằng: Đấy là bàn thờ hay đồ cúng tế của những ông thầy cúng, sau khi các ông thầy cúng đó mất thì gia đình mang những thứ đó đặt lên lưng tảng đá, như thể trả lại cho tảng đá thần hay nhờ đá thần mang đến cho người đã chết ở thế giới bên kia, hoặc những thứ của đá thần thì trả lại đá thần thế thôi…

Kỳ bí tảng đá thần ở La Pán Tẩn - Ảnh 6.

Chiếc váy của người tới làm lễ bỏ lại. Ảnh: Thái Sinh.

Tôi nhìn xuống dòng suối thấy nhiều chiếc váy, áo còn mới tựa hồ như ai đó đã mang lên vứt lại ở đây. Tu giải thích rằng, nhiều người ốm yếu muốn có sức khỏe, họ mang áo hoặc váy mỗi thứ hai cái, một cái mới và một cái cũ đặt dưới chân tảng đá thần làm lễ cầu khấn. 

Sau khi cầu khấn xong thì họ mặc chiếc váy hoặc áo mới về, còn chiếc váy, áo cũ thì để lại. Chiếc váy, áo đã mặc mang sức mạnh của tảng đá thần, người đó sẽ mạnh khỏe ít ốm đau. Gió núi thổi những chiếc váy, áo đó xuống dòng suối mà tôi đã nhìn thấy. Tu cúi xuống nhấc một chiếc váy từ dưới suối lên cho tôi xem, chiếc váy gửi lại tảng đá thần với niềm tin sẽ cho họ sức khỏe.

Trên đường trở về, Lù A Tu kể tiếp: Bố tôi được các cụ kể lại rằng, năm ấy có đôi vợ chồng đưa cậu con trai khoảng 6 - 7 tuổi ốm quặt quẹo, học hành chẳng ra đâu vào đâu, nên đến xin tảng đá thần sức khỏe và trí tuệ. Họ làm lễ dưới chân tảng đá, khi họ rập đầu quỳ lạy tảng đá thì cậu bé nhìn thấy một ông già râu tóc bạc phơ từ tảng đá hiện ra đỡ hai người đó dậy. Thoáng cái không thấy ông già đó đâu, khi trở về nhà cậu mới kể lại cho bố mẹ nghe. Sau hôm đó cậu khỏe mạnh và học rất giỏi, được bổ làm quan…

Một điều kỳ diệu nữa là dòng suối dưới chân tảng đá thần không khi nào cạn, tháng ba đang là giữa mùa khô, khắp núi rừng Mù Cang Chải khô xác, nhiều dòng suối cạn trơ đáy, riêng dòng suối dưới chân tảng đá tuy không lớn nhưng nước quanh năm dào dạt.


Thái Sinh