dd/mm/yyyy

Khó khăn trong xây dựng nông thôn mới ở xã vùng cao Vầy Nưa

Xã Vầy Nưa, huyện vùng cao Đà Bắc (Hòa Bình) có diện tích tự nhiên 6.059 ha với 646 hộ, 2741 nhân khẩu dân tộc Mường, Dao, Tày cư trú tại 10 xóm, trong đó 8 xóm ở ven hồ sông Đà, đặc biệt có xóm Nưa bị chia cắt hoàn toàn, không có đường bộ đến trung tâm xã.

Là một trong những xã chịu thiệt hại nặng nề về người và của trong đợt mưa lũ lịch sử tháng 10/2017 với khoảng 30 hộ dân xã Vầy Nưa phải di dời khỏi nơi ở do sạt lở đất, nhiều lồng cá mất trắng, trên 120 ha lúa và hoa màu thiệt hại, 4.500 m đường ống dẫn nước sinh hoạt và một số đoạn đường giao thông bị hư hỏng. Năm 2018, thực hiện dự án di dân tái định cư, được sự hỗ trợ của tỉnh, huyện, với tổng kinh phí đầu tư trên 15 tỷ đồng, xã thi công xây dựng khu tái định cư với tổng diện tích trên 4 ha tại xóm Lau Bai cho 33 hộ dân. Công trình hoàn thành và được bàn giao cho các hộ vào dịp cận Tết Nguyên đán. Đến nay, nhà ở và các công trình phúc lợi tại khu tái định cư cơ bản đáp ứng được nhu cầu của người dân.

Cán bộ, chiến sỹ Công an huyện Đà Bắc gặp gỡ, thăm hỏi người có uy tín trong đồng bào dân tộc Dao ở xóm Dướng, xã Vầy Nưa. Ảnh: baohoabinh.com.vn
Cán bộ, chiến sỹ Công an huyện Đà Bắc gặp gỡ, thăm hỏi người có uy tín trong đồng bào dân tộc Dao ở xóm Dướng, xã Vầy Nưa. Ảnh: baohoabinh.com.vn

Tuy nhiên, hành trình xây dựng nông thôn mới của xã vùng lòng hồ còn rất nhiều khó khăn, thách thức. Anh Bùi Văn Kỳ, Chủ tịch Ủy ban nhân xã Vầy Nưa cho biết: Năm 2018, xã đã thực hiện lồng ghép các dự án đầu tư trên 5 tỷ đồng để xây dựng nông thôn mới, trong đó người dân đóng góp trên 200 triệu đồng. Mặc dù có nhiều cố gắng, nhưng nguồn vốn cho xây dựng chương trình còn ít so với nhu cầu của xã, tổng vốn đầu tư chỉ đạt 23% so với đề án được duyệt.

Do vậy, qua rà soát, đánh giá thực trạng nông thôn của xã theo Bộ tiêu chí Quốc gia về nông thôn mới, đến hết năm 2018, xã Vầy Nưa mới đạt 9/19 tiêu chí. 10 tiêu chí chưa đạt được là giao thông, trường học, cơ sở vật chất văn hóa, thông tin và truyền thông, nhà ở dân cư, thu nhập, hộ nghèo, tổ chức sản xuất, văn hóa và môi trường. Nan giải nhất là thu nhập bình quân đầu người xã này mới đạt 15,2 triệu đồng/người /năm, tỷ lệ hộ nghèo và cận nghèo còn 43,8%.

Trước thực trạng đó, xã Vầy Nưa kiện toàn lại bộ máy chỉ đạo thực hiện Chương trình nông thôn mới, tham quan học hỏi kinh nghiệm ở những địa phương đã thực hiện tốt Chương trình. Năm 2019, xã tập trung mọi nỗ lực thúc đẩy sản xuất phát triển, phát huy tối đa tiềm năng thế mạnh của địa phương như du lịch, thủy sản và kinh tế rừng, nâng thu nhập bình quân đầu người/năm lên 19,2 triệu đồng.

Hiện, tổng diện tích trồng ngô cả xã Vầy Nưa đạt 200 ha. Với những diện tích trồng ngô kém hiệu quả, chính quyền xã khuyến khích bà con chuyển sang trồng cây lâm nghiệp đem lại hiệu quả kinh tế. Bên cạnh đó, nhận thấy nuôi cá lồng phù hợp với điều kiện của địa phương, xã đã tổ chức các lớp tập huấn khoa học kỹ thuật, phòng bệnh và hỗ trợ nguồn vốn gần 4 tỷ đồng giúp bà con đầu tư mua giống, vật liệu. Đến nay, toàn xã đã có 458 lồng cá đạt 163% so với kế hoạch huyện giao; ước tính thu hoạch 150 kg cá thịt/ lồng nuôi, sản lượng khai thác cá tự nhiên 80 tấn.

Là xã nghèo đặc biệt khó khăn, xã Vầy Nưa chưa có nhà văn hóa và khu thể thao. Số xóm có nhà văn hóa đạt 5/10 xóm, nhưng cũng chưa đạt tiêu chuẩn theo quy định của Bộ Văn hóa- Thể thao và Du lịch. Do vậy, để đẩy nhanh tiến trình xây dựng nông thôn mới, chính quyền và người dân xã Vầy Nưa mong mỏi tỉnh, huyện quan tâm đầu tư kinh phí xây dựng nhà văn hóa xã, xóm.

Nhan Sinh