Thứ Bảy, ngày 18/01/2025 07:08 AM (GMT+7)

Hướng tới tăng trưởng nhanh hơn khi tiếp tục tháo gỡ các nút thắt

2024-02-10 07:00:00

Thêm màu hồng được hy vọng cho bức tranh kinh tế nước ta trong năm nay so với tông màu không được tươi trong năm 2023. Chính phủ tiếp tục tháo gỡ khó khăn trong sản xuất kinh doanh và đầu tư trong khi Việt Nam vẫn được cộng đồng quốc tế nhìn nhận là một trong những nước tăng trưởng cao nhất thế giới.

Quốc hội giao chỉ tiêu tăng trưởng năm 2024 ở mức 6-6,5%, yêu cầu Chính phủ ưu tiên thúc đẩy phát triển kinh tế, giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế. Chỉ tiêu này được đặt ra trong bối cảnh trong suốt năm 2023, Chính phủ và các bộ, ngành trung ương liên tục đưa ra các giải pháp hỗ trợ tăng trưởng trong tình hình kinh tế thế giới vẫn trì trệ kéo dài.

Hướng tới tăng trưởng nhanh hơn khi tiếp tục tháo gỡ các nút thắt - Ảnh 1.

Thành phố Hồ Chí Minh về đêm. Ảnh: TTXVN

LÀM SAO ĐỂ CÁN BỘ DÁM LÀM?

Vấn đề được nhiều chuyên gia kinh tế xem là "chìa khóa" hiện nay chính là cải cách thể chế và hệ thống luật pháp để cán bộ dám làm và dám chịu trách nhiệm.

Tiến sĩ Nguyễn Đình Cung, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM), nhấn mạnh với Thế Giới Tiếp Thị: cán bộ sợ làm sai vì các quy định pháp luật chồng chéo nhau, và tình trạng các luật không khớp với nhau được ông gọi là "làm một luật phải sửa tám luật".

Hướng tới tăng trưởng nhanh hơn khi tiếp tục tháo gỡ các nút thắt - Ảnh 2.

TS. Nguyễn Đình Cung, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương. Ảnh tư liệu

Đơn cử, Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng nói trong tháng 4/2023 rằng TP.HCM năm 2022 có 584 văn bản hỏi ý kiến Bộ và và Bộ đã có 604 văn bản trả lời Tuy Bộ có trả lời nhưng quá trình thực hiện vẫn không trôi chảy, căn cứ vào trả lời đó cũng không biết sao mà làm, theo TS. Cung.

Và Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi đã làm rõ hơn vấn đề bằng cách xếp các văn bản xin ý kiến Bộ Kế hoạch và Đầu tư vào 4 nhóm vấn đề. Nhóm 1 là văn bản hỏi về các vấn đề thực tiễn của thành phố phát sinh nhưng quy định pháp luật chưa có. Nhóm 2 là những vấn đề đã có quy định nhưng còn sự khác nhau giữa luật này và luật kia. Nhóm 3 là đã có quy định nhưng cách hiểu còn khác nhau. Nhóm 4 là đã có quy định rõ nhưng còn nhiều điểm chưa chắc chắn nên hỏi.

"Vì vậy, công chức phải đánh đổi – thà đứng trước Hội đồng Kỷ luật còn hơn là đứng trước Hội đồng Xét xử", TS. Cung nhận định.

Cũng theo các chuyên gia, khi các mâu thuẫn trong hệ thống pháp luật chưa được tháo gỡ thì cán bộ vẫn còn sợ trách nhiệm. Do đó, chất lượng trong việc xây dựng luật phải được nâng cao. Về cách thức soạn thảo luật, đại biểu chuyên trách Lê Thanh Vân đã phát biểu tại Quốc hội ngày 23/4/2023. Ông nói Ban soạn thảo dự luật hiện nay chính là cơ quan quản lý nhà nước về lĩnh vực đó, như vậy không khách quan.

Ông gợi ý phải thay đổi cơ cấu của thành phần Ban soạn thảo theo hướng có nhiều nhà khoa học, nhiều chuyên gia và đặc biệt là những đối tượng chịu sự điều chỉnh của pháp luật đó và đề nghị phải thể chế được quan điểm chỉ đạo của Tổng Bí thư, đó là xác định trách nhiệm của những người khởi xướng chính sách, đề xuất xây dựng pháp luật, nếu như đạo luật đó sau này có hại cho nước, cho dân thì phải truy cứu trách nhiệm.

Cũng tại Quốc hội ngày 23/4, đại biểu Đỗ Ngọc Thịnh (đại biểu tỉnh Khánh Hòa) cho rằng nếu tiếp tục tư duy lập pháp hiện nay theo hướng cơ quan nào chủ trì dự thảo luật sẽ trình dự luật đó cho Quốc hội, và Quốc hội sẽ xem xét đưa vào kế hoạch xây dựng pháp luật hàng năm, thì sẽ không tránh khỏi việc Quốc hội vẫn phải chạy theo và vẫn có việc bị động khi cơ quan trình dự thảo luật đó.

Tại kỳ họp Quốc hội tháng 10 và 11/2023, ông Vũ Tiến Lộc (đại biểu của Hà Nội và là Chủ tịch Trung tâm Trọng tài Quốc tế) kiến nghị Quốc hội và Chính phủ cần khắc phục kịp thời những quy định pháp lý chồng chéo, bất cập, thiếu minh bạch đang gây rủi ro cho người thực hiện nhằm gỡ bỏ tâm lý sợ oan, sai; e ngại thanh tra, kiểm tra của cán bộ, công chức và doanh nghiệp.

Ông Lộc cũng kiến nghị cần bổ sung ngay chế tài kinh tế phù hợp để xử lý các vi phạm và không hình sự hóa các quan hệ kinh tế; xây dựng biện pháp thiết thực bảo vệ cán bộ và cả doanh nhân dám nghĩ, dám làm vì lợi ích chung, luật hóa các quy định về vấn đề này.

NHỮNG CƠ SỞ ĐỂ QUỐC TẾ LẠC QUAN

Theo Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), quy mô GDP năm 2023 của nước ta ước đạt khoảng 435 tỷ USD, đưa Việt Nam vào nhóm 40 nền kinh tế hàng đầu thế giới. Các doanh nhân người nước ngoài tại Việt Nam vẫn giữ quan điểm lạc quan về kinh tế Việt Nam vì vốn đầu tư nước ngoài, cả trực tiếp lẫn gián tiếp (FDI và FII) vẫn đang trên đường tìm đến thị trường 100 triệu dân này.

Trong buổi nói chuyện với Thế Giới Tiếp Thị trước thềm Xuân 2024, ông Dominic Scriven, nhà sáng lập kiêm Chủ tịch tập đoàn đầu tư Dragon Capital, cho biết kinh tế thế giới bước vào giai đoạn khó khăn trong năm 2020 do đại dịch Covid và đến nay chưa thể phục hồi như trước đó; tình hình này ảnh hưởng đến Việt Nam vì Việt Nam là nền kinh tế mở và hướng về xuất khẩu.

Hướng tới tăng trưởng nhanh hơn khi tiếp tục tháo gỡ các nút thắt - Ảnh 3.

Ông Dominic Scriven, Chủ tịch Dragon Capital. Ảnh: Dragon Capital

Tuy nhiên, doanh nhân lão luyện nói tiếng Việt như người Việt này cho rằng tình hình kinh tế Việt Nam hiện nay không khó như giai đoạn 2008-2013. Đó là giai đoạn rất nhiều vấn đề nối tiếp nhau, và qua đó Việt Nam cũng rút được các bài học kinh nghiệm. Hiện nay, các chỉ số cơ bản trong kinh tế vĩ mô ổn định hơn và Việt Nam vẫn được giới đầu tư nước ngoài quan tâm.

Ông Scriven cho rằng việc Việt Nam và Mỹ nâng tầm quan hệ lên đối tác chiến lược toàn diện sẽ tạo ra ảnh hưởng tích cực đến GDP Việt Nam. Theo quan sát của ông, thị trường chứng khoán Việt Nam chưa thu hút được nhiều quỹ đầu tư lớn của thế giới và đây là một trong những vấn đề cần quan tâm hơn nữa, ví dụ các quỹ hưu trí từ nước ngoài.

"Theo tôi biết, chỉ mới 3 quỹ hưu trí ở Mỹ có đầu tư tại Việt Nam. Trong khi đó, nguồn vốn từ các quỹ hưu trí Mỹ lên đến hàng trăm tỷ USD và họ có quan tâm đến Việt Nam nhưng còn thận trọng". Chủ tịch của Dragon Capital cũng nhấn mạnh điều quan trọng là Chính phủ Việt Nam vẫn đang kiên trì từng bước tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp để củng cố niềm tin của thị trường và giới đầu tư nói chung.

Ông Scriven lạc quan: "Theo tôi quan sát, kinh tế Việt Nam đang phục hồi. Các thị trường nhập khẩu lớn của Việt Nam đang dần tiêu thụ hết các đơn hàng lớn đã đặt trong thời gian trước. Vì thế, nhu cầu đặt hàng với Việt Nam đang quay lại. Và kinh tế Trung Quốc vẫn đang phục hồi sau dịch Covid".

Cũng đánh giá cao quan hệ đối tác chiến lược toàn diện giữa Việt Nam và Mỹ, và lạc quan như ông Scriven là ông Andy Ho, Tổng Giám đốc Hội đồng Đầu tư Tập đoàn VinaCapital.

Hướng tới tăng trưởng nhanh hơn khi tiếp tục tháo gỡ các nút thắt - Ảnh 4.

Ông Andy Ho, Tổng Giám đốc Hội đồng Đầu tư VinaCapital. Ảnh: VinaCapital

"Quan hệ song phương ở mức cao nhất này hứa hẹn sẽ tạo cơ hội cho Việt Nam thu hút được dòng FDI chất lượng cao từ Mỹ và các quốc gia phát triển, giúp Việt Nam đi lên trong chuỗi giá trị toàn cầu và sở hữu năng lực sản xuất các sản phẩm phức tạp hơn nữa", ông Andy Ho nói với Thế Giới Tiếp Thị.

Ông cũng nhận định Việt Nam đã đạt được nhiều bước tiến quan trọng trong mục tiêu cải thiện môi trường kinh doanh và thu hút đầu tư, và đây sẽ là một quá trình diễn ra liên tục trong dài hạn.

"Cụ thể, các cấp quản lý cần tiếp tục đối thoại với cộng đồng doanh nghiệp trong và ngoài nước để thấu hiểu, giải quyết những khó khăn, vướng mắc trong hoạt động sản xuất kinh doanh; đẩy mạnh cải cách đơn giản hóa các thủ tục hành chính; hỗ trợ tài chính, thuế, tín dụng cho doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ và vừa, các doanh nghiệp khởi nghiệp và sáng tạo. Môi trường kinh doanh càng hấp dẫn, thị trường Việt Nam sẽ càng trở thành điểm đến được các nhà đầu tư nước ngoài ưu tiên, đặc biệt là các tổ chức đầu tư", ông Andy Ho nêu ý kiến đề xuất.

Cũng trong một cuộc nói chuyện với Thế Giới Tiếp Thị trước thềm Xuân 2024, bà Michele Wee, CEO ngân hàng Standard Chartered Việt Nam, cho biết Standard Chartered toàn cầu sẽ kỷ niệm 120 năm hoạt động tại Việt Nam vào năm 2024, khẳng định đầu tư và cam kết lâu dài tại Việt Nam, một thị trường quan trọng của tập đoàn.

Hướng tới tăng trưởng nhanh hơn khi tiếp tục tháo gỡ các nút thắt - Ảnh 5.

Bà Michele Wee, CEO ngân hàng Standard Chartered Việt Nam. Ảnh: Standard Chartered

"Chúng tôi tin rằng Việt Nam vẫn sẽ là điểm đến đầu tư hấp dẫn nhờ chiến lược đa dạng hóa chuỗi cung ứng của các công ty đa quốc gia và những nền tảng vững mạnh trong nước. Những lợi thế mang đến sự hấp dẫn cho Việt Nam từ trước đại dịch Covid vẫn được duy trì tới nay".

Bà nói thêm: "Các lợi thế như nền kinh tế phát triển nhanh chóng trong khu vực nhờ nguồn lao động trẻ dồi dào và có trình độ, sự phát triển của thị trường trong nước, sự bình ổn chính trị và vị trí chiến lược. Việt Nam cũng đã ký kết hơn 15 hiệp định thương mại tự do FTA. Điều này cũng hỗ trợ cho cam kết và mục tiêu của Việt Nam trong việc hội nhập thị trường toàn cầu và các chuỗi cung ứng quốc tế".

Nữ CEO nhấn mạnh Standard Chartered đã đầu tư đáng kể vào Việt Nam trong vài năm qua để mở rộng hoạt động kinh doanh. Cuối năm 2021, Standard Chartered tăng thêm 120 triệu USD vốn cấp 1 (Tier 1, hay còn gọi là vốn cốt lõi) vào Việt Nam.

"Việc tăng vốn một lần nữa khẳng định cho quyết tâm của Standard Chartered trong chiến lược dài hạn tại Việt Nam và hỗ trợ hoạt động kinh doanh và hỗ trợ khách hàng ở đây thông qua nguồn vốn FDI này. Chúng tôi cam kết sẽ tiếp tục các khoản đầu tư vào thời điểm thích hợp", đại diện của Standard Chartered cho biết.

"Trung tâm thịnh vượng" ở Đông Nam Á

Trang moneyweek.com tại Anh (chuyên phân tích về đầu tư quốc tế) nhận định trong 1 bài viết cuối năm 2023: Việt Nam đang được xem là một "trung tâm thịnh vượng" trong khu vực với nhiều tiềm năng phát triển và thu hút sự chú ý của các nhà đầu tư nước ngoài.

Việt Nam là nơi sản xuất smartphone nổi bật toàn cầu hiện nay, phần lớn là nhờ khoản đầu tư khổng lồ của Samsung. Bài cũng cho biết Việt Nam đã chuyển từ các ngành thâm dụng lao động như gia công và dệt may sang các lĩnh vực công nghệ cao và lợi nhuận cao như chất bán dẫn. Điều này giúp các nhà đầu tư nước ngoài quan tâm đến Việt Nam trước áp lực ngày càng lớn trong việc đa dạng hóa chuỗi cung ứng.

Những năm gần đây, Việt Nam được mệnh danh là "con hổ châu Á" mới – cách nói gợi nhớ đến sự phát triển nhanh chóng của các quốc gia và vùng lãnh thổ như Hàn Quốc, Đài Loan, Hong Kong và Singapore trong nửa sau thế kỷ 20…

Tuy nhiên, người Việt Nam chỉ cần nhìn vào các nước láng giềng ở Đông Nam Á để thấy con đường đến thịnh vượng không bằng phẳng. Trong những năm 1990, Thái Lan và Malaysia cũng có mức tăng trưởng ấn tượng nhưng phải vật lộn để lấy lại đà cũ trong những năm sau cuộc khủng hoảng tài chính châu Á 1997. Dù hiện nay Thái Lan và Malaysia vẫn giàu hơn Việt Nam nhưng họ không phải là những thị trường mới nổi đầy triển vọng.

Hiện nay, GDP bình quân đầu người của Việt Nam vẫn ở mức 4.000 USD, bài báo viết. Con số này chưa bằng 1/3 mức trung bình toàn cầu, do đó vẫn còn rất nhiều nỗ lực bắt kịp tăng trưởng trước khi bẫy thu nhập trung bình có nguy cơ xảy ra.

Tường Thụy
HSBC khẳng định kinh tế Việt Nam đang phục hồi theo tiến độ, sẽ tăng trưởng 6% trong năm 2024

HSBC khẳng định kinh tế Việt Nam đang phục hồi theo tiến độ, sẽ tăng trưởng 6% trong năm 2024

HSBC nói Việt Nam sẽ lấy lại mức tăng trưởng 6% trong năm 2024, khi nền kinh tế đang phục hồi theo đúng tiến độ. Điểm sáng đáng chú ý là vốn FDI mới đổ vào sản xuất đã tăng lên mức cao mới, đạt trên 15 tỷ USD, và 80% trong số này tập trung vào lĩnh vực sản xuất.