Thứ Bảy, ngày 18/01/2025 09:48 AM (GMT+7)

Thủ tướng chủ trì hội nghị với 38 chủ tịch, tổng giám đốc ngân hàng tháo gỡ khó khăn về vốn cho nền kinh tế

2023-12-07 14:32:54

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nói hội nghị có tinh thần như hội nghị "Diên Hồng" nhằm tháo gỡ khó khăn về vốn cho nền kinh tế, từ đó thúc đẩy tăng trưởng và ổn định kinh tế vĩ mô.

Thủ tướng chủ trì hội nghị "Diên Hồng" của ngành ngân hàng

Sáng 7/12 tại trụ sở Chính phủ, Thủ tướng đã chủ trì hội nghị được xem là "Diên Hồng" với 38 chủ tịch, tổng giám đốc ngân hàng trong cả nước. Hội nghị bàn giải pháp khơi thông, gỡ vốn cho nền kinh tế.

Ngay tại hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh, hội nghị hôm nay có tinh thần như hội nghị "Diên Hồng" nhằm bàn việc tháo gỡ khó khăn về vốn cho nền kinh tế, khơi thông nguồn vốn cho sản xuất kinh doanh, từ đó thúc đẩy tăng trưởng và ổn định kinh tế vĩ mô.

Thủ tướng nói gì với 38 chủ tịch, tổng giám đốc tại hội nghị "Diên Hồng" của ngành ngân hàng? - Ảnh 1.

Thủ tướng đã chủ trì hội nghị được xem là "Diên Hồng" với lãnh đạo 38 chủ tịch, tổng giám đốc của 38 ngân hàng trong cả nước - Ảnh: Chinhphu.vn

Tham dự hội nghị có sự tham dự của các Phó Thủ tướng Lê Minh Khái, Trần Hồng Hà; các bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ; lãnh đạo các bộ, ngành, các hiệp hội ngành hàng, Hiệp hội Doanh nghiệp vừa và nhỏ, Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, Hiệp hội Bất động sản TP.HCM...

Phát biểu ý kiến khai mạc hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cho biết, thời gian qua, trước những khó khăn, thách thức của nền kinh tế, Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp, ngân hàng, người dân đã nỗ lực, cố gắng để khắc phục, thúc đẩy phát triển. Tuy nhiên, vẫn còn những tồn tại, hạn chế, khó khăn, thách thức, trong đó có khó khăn, thách thức về vốn.

Thủ tướng nêu rõ, ngân hàng, doanh nghiệp nằm trong một hệ sinh thái kinh tế. Sự phát triển của ngân hàng và doanh nghiệp có liên quan đến nhau và liên quan đến sự phát triển của nền kinh tế.

Người đứng đầu Chính phủ nhấn mạnh, nền kinh tế có phát triển thì ngân hàng và doanh nghiệp mới phát triển và ngược lại, ngân hàng và doanh nghiệp có phát triển thì đất nước mới phát triển.

"Mỗi người, mỗi chủ thể phải cùng có trách nhiệm để đất nước vượt qua khó khăn thì bản thân mỗi người, mỗi chủ thể mới vượt qua khó khăn được, mới có sự phát triển chung", Thủ tướng Phạm Minh Chính nói.

Thủ tướng nói gì với 38 chủ tịch, tổng giám đốc tại hội nghị "Diên Hồng" của ngành ngân hàng? - Ảnh 2.

Hơn 38 chủ tịch, tổng giám đốc các ngân hàng tề tựu tại hội nghị "Diên Hồng" - Ảnh: Chinphu.vn

Thủ tướng chỉ rõ, Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội đã đúc rút 5 bài học kinh nghiệm lớn, trong đó có có bài học về đại đoàn kết toàn dân tộc và bài học nhân dân làm nên sự nghiệp cách mạng, nhân dân làm nên lịch sử. Ngân hàng cũng có lúc thuận lợi, có lợi nhuận, vậy thì lúc khó khăn phải chia sẻ với người dân, với doanh nghiệp.

Thủ tướng cho rằng các doanh nghiệp bất động sản đang kêu khó tiếp cận vốn. Nhưng trong những năm qua, bất động sản tăng giá nói chung, nếu khó khăn mà vẫn muốn giữ giá bán như cũ, vẫn đòi hỏi "một chiều" thì liệu đã có trách nhiệm chung chưa?

Theo Thủ tướng, lúc bình thường thì có chính sách bình thường, lúc không bình thường phải có chính sách đột phá, phải có chính sách trên tinh thần "lợi ích hài hoà, rủi ro chia sẻ" thì mới là phù hợp, đúng đắn, thúc đẩy được sự phát triển.

Tuy nhiên, ông cho rằng, các chính sách phải hết sức linh hoạt, chúng ta không hạ chuẩn các điều kiện cho vay, nhưng chúng ta có linh hoạt được không? Có doanh nghiệp gặp khó khăn, nhưng dự án họ khả thi thì có cho vay được không?

Cũng theo Thủ tướng, tình hình kinh tế thế giới đang có những khó khăn chung, song ở mỗi nước có những khác nhau. Vấn đề toàn cầu cần có cách tiếp cận toàn cầu, đề cao chủ nghĩa đa phương; vấn đề toàn dân phải có cách tiếp cận toàn dân; song phải nghiên cứu kinh nghiệm thế giới, vận dụng sáng tạo, phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh, tình hình Việt Nam, không máy móc.

Thủ tướng lấy ví dụ, chính sách đối ngoại, hội nhập của Việt Nam đang rất thành công, đang chuyển thành nguồn lực, minh chứng rõ nét là đầu tư nước ngoài tăng trưởng mạnh, trong đó tỷ lệ giải ngân vốn FDI rất cao, thể hiện thế giới tin tưởng Việt Nam.

Thủ tướng đề nghị mỗi đại biểu cần phát biểu thẳng thắn, nhìn thẳng vào sự thật, lắng nghe, tiếp thu ý kiến của nhau; phát huy đoàn kết để cùng đóng góp và cần cả sự hy sinh, nhường nhịn; quyết tâm cao, nỗ lực lớn, hành động có trọng tâm, trọng điểm, làm việc nào dứt việc đó.

Theo Thủ tướng, nền kinh tế chúng ta đang chuyển đổi, quy mô còn khiêm tốn, độ mở lớn, sức chống chịu còn hạn chế nên hành động phải thận trọng, chắc chắn, bước đi phù hợp, nhưng phải có lộ trình để ngày càng sử dụng công cụ thị trường nhiều hơn là công cụ hành chính, tiến tới thị trường đầy đủ, theo các tiêu chuẩn quốc tế.

Theo Dân Việt

An Linh
TP.HCM: Năm 2024, hơn 79.000 tỷ đồng vốn đầu tư công

TP.HCM: Năm 2024, hơn 79.000 tỷ đồng vốn đầu tư công

UBND TP.HCM vừa trình HĐND TP.HCM kế hoạch đầu tư công năm 2024 với số vốn dự kiến là hơn 79.000 tỷ đồng. Trong đó, thành phố vẫn ưu tiên tập trung vào các công trình giao thông, hạ tầng, các dự án trọng điểm của địa phương.