Thứ Năm, ngày 16/01/2025 09:31 PM (GMT+7)
Hàng tết tấp nập về chợ sỉ lớn nhất TP.HCM
2024-01-03 08:12:00
Hiện thị trường hàng khô, mứt, bánh kẹo... đã về chợ Bình Tây (quận 6, TP.HCM) nhưng ghi nhận cho thấy sức mua hiện vẫn yếu. Người tiêu dùng có xu hướng chọn sản phẩm có giá vừa phải.
Hàng hóa không thiếu nhưng ngại nhập
Bà Ưng Thị Liên hơn 50 năm bán bánh kẹo, mứt… ở chợ Bình Tây nhận định đến giờ này bà vẫn không dám trữ hàng tết với số lượng lớn và chờ đợi chuyển biến của thị trường cuối năm. "Mọi năm tôi nhập tầm 20-30 tấn hàng về bán cho các mối sỉ, giờ này chỉ trữ 1-2 tấn bán cầm chừng. Còn các mối ruột cũng chưa báo sẽ lấy hàng thêm hay không. Những mặt hàng của chúng tôi chủ yếu sản xuất ngắn ngày, nên không dám lấy nhiều, để qua tết bán không được", bà Liên nói.
Bà Liên cho hay kinh tế khó khăn đã khiến nhu cầu và thói quen mua sắm tết của người tiêu dùng dần thay đổi. Họ dè dặt hơn vì khó khăn và việc tiêu dùng thông minh hơn. Do đó, người mua cũng cân nhắc lựa chọn những sản phẩm có uy tín, giá cả hợp lý với mục đích chi tiêu rõ ràng.
Vị tiểu thương khẳng định tết năm nay 80% hàng bánh kẹo, mứt đều từ nguồn sản xuất trong nước, biết rõ nguồn gốc, xuất xứ và hạn sử dụng. "Buôn bán lâu nay ăn nhau ở chữ tín, mình bán hàng chất lượng thì bạn hàng thích sẽ luôn ủng hộ. Một phần tôi cũng muốn ưu tiên dùng hàng Việt, giúp tiêu thụ được sản phẩm", bà Liên bày tỏ.
Năm nay, sản phẩm bánh kẹo, mứt đều giữ giá, riêng mứt mãng cầu có tăng nhẹ. Theo bà Liên do cơn sốt trà mãng cầu gần đây dẫn đến thiếu nguồn nguyên liệu làm mứt. Cụ thể, mứt bí 60.000 đồng/kg, mứt gừng 90.000-120.000 đồng/kg, nho 150.000 đồng/kg, me 170.000-180.000 đồng/kg, hạt điều 200.000 đồng/kg…
"Tôi hy vọng khoảng nửa tháng cuối năm thị trường hàng tết sẽ khởi sắc, người mua tấp nập. Do khó khăn chung nên mình không than trách được", bà nói.
Đối với mặt hàng trang trí, chị Ngọc Điệp cho biết đến giờ này nhu cầu tiêu dùng giảm 40-50%, chỉ ngồi chờ cận tết. Sạp hàng của chị Điệp chuyên bán sản phẩm mai mạ vàng, cây thần tài… theo chị mỗi năm lại đa dạng mẫu mã, giá dao động từ vài chục nghìn đến hơn một triệu đồng.
"Sau dịch, buôn bán vẫn chạy. Thế nhưng năm nay lại thấy khó khăn thật sự, lượng người ngưng mua, ngưng đặt hàng tăng mạnh. Các khách hàng ruột đến nay cũng lắc đầu không dám đặt. Hoặc có đơn vị đặt nhưng số lượng giảm 30-40%", chị Điệp nói.
Hiện sản phẩm trang trí giá bình dân khách chuộng hơn, giá khoảng vài chục nghìn đến vài trăm nghìn, vì nhu cầu hầu bao của khách cũng hạn chế. Dù là hàng dài hạn nhưng chị Điệp vẫn chỉ đặt tượng trưng vài cây mai, không dám dự trữ nhiều.
Kế bên là sạp giày dép cũng không mấy khả quan, chủ cửa hàng nói háng năm thời điểm này chợ sầm uất không chỗ chen chân. "Mỗi khi tết đến, chúng tôi đều nhập mẫu mới về liên tục nhưng lượng mua không cao. Không nhiều người đi chợ, một phần họ đặt online nhiều. Giờ chúng tôi chỉ ngồi chờ những ngày cuối năm hốt cú chót", chủ cửa hàng nói.
Đẩy mạnh công tác kiểm hàng hóa dịp tết
Đại diện Ban Quản lý chợ Bình Tây cho biết lượng hàng về chợ đã bước vào đợt cao điểm để phục vụ nhu cầu mua sắm của người dân dịp Tết. Trước đó, nhằm kích cầu người tiêu dùng, chợ cũng đã tổ chức nhiều hoạt động mua sắm khuyến mãi, đồng thời kết hợp đón chào những đoàn du lịch tham quan chợ, giúp bà con tiểu thương tiêu thụ hàng hóa.
Ban Quản lý chợ cũng tăng cường công tác tự kiểm tra nguồn gốc hàng hóa vừa đảm bảo sự yên tâm cho khách hàng cũng như giữ uy tín cho chợ. "Đó cũng là yếu tố giúp tiểu thương chợ truyền thống kéo doanh thu, lượng khách đến chợ tăng. Do tình hình kinh tế đang khó khăn, tới đây chúng tôi sẽ tổ chức phiên chợ handmade để phục vụ người dân dịp tết", đại diện Ban Quản lý chợ chia sẻ.
Theo vị đại diện, hàng hóa tết năm nay giảm nhiều, tiểu thương ngại nhập hàng, không dự trữ ồ ạt như mọi năm. "Tỷ lệ người mua hàng lẻ trong năm vừa qua ở chợ giảm, may mắn tiểu thương vẫn còn bạn hàng cũ, đối tác lâu năm nên vẫn giữ được doanh thu, đảm bảo các chỉ tiêu đóng thuế đủ. Tới đây, chợ sẽ mở rộng việc đón các đoàn khách du lịch đến tham quan nhằm vực dậy khu chợ truyền thống phát triển", vị đại diện nói.
Để chuẩn bị hàng hóa Tết, ngay từ đầu năm, thành phố đã xây dựng kế hoạch và giao Sở Công Thương chủ trì tích cực triển khai thực hiện. Theo đó, các tháng Tết, lượng hàng bình ổn thị trường chiếm từ 25-43% nhu cầu thị trường, bình quân mỗi tháng dự kiến cung ứng 5.000 tấn gạo, 70 triệu quả trứng gia cầm, 2.000 tấn đường, 1.000 tấn thực phẩm chế biến, 2.000 tấn dầu ăn, 10.000 tấn rau củ quả, 6.000 tấn thịt gia súc, 8.000 tấn thịt gia cầm, 200 tấn thủy hải sản...
Nhằm đẩy mạnh kích cầu tiêu dùng dịp cuối năm, nhất là Tết dương lịch và Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024, Sở Công Thương TP.HCM cũng đã làm việc với các đơn vị để bình ổn thị trường; tập trung tổ chức các chương trình khuyến mại, thực hiện các chương trình, kết nối cung cầu, trong đó đặc biệt chú ý liên kết vùng, cụ thể là đang phối hợp với các tỉnh thành tạo nguồn hàng hóa dịp cuối năm, bảo đảm chất lượng hàng hóa, làm sao đem chất lượng tốt nhất cho người tiêu dùng.
Tiểu thương chợ truyền thống lên mạng bán hàng Tết
Trước thách thức kinh doanh sụt giảm, người tiêu dùng thắt chặt chi tiêu, nhiều tiểu thương chợ truyền thống ở TPHCM tìm mọi cách bán hàng sao cho hấp dẫn nhất để kéo khách mua hàng.