Theo ông Tạ Văn Tường, Phó Giám đốc Sở NNPTNT Hà Nội, thành phố với dân số khoảng trên 10 triệu dân đang sinh sống, học tập và làm việc, chính vì vậy nhu cầu tiêu thụ và khả năng đáp ứng sản phẩm nông lâm thủy sản thực phẩm trên địa bàn là rất cần thiết. Đặc biệt là trong dịp Tết Nguyên đán.
Theo tính toán, trong 3 tháng trước, trong và sau Tết, nhu cầu tiêu thụ hàng hóa thiết yếu trên địa bàn thành phố khoảng 292.500 tấn gạo; 56.700 tấn thịt lợn; 18.900 tấn thịt gà; 18.459 tấn thịt bò; gần 400 triệu quả trứng gia cầm; 315 nghìn tấn rau củ...
Theo ông Tường, hiện sản lượng gia cầm, thủy sản đã đáp ứng 100% nhu cầu người dân, sản lượng gạo, rau, quả, thịt lợn, thịt gà… đáp ứng 60 - 90%.
Bà Trần Phương Lan, Phó giám đốc Sở Công thương Hà Nội cho hay, thành phố đã xây dựng kế hoạch, khai thác tăng lượng hàng hóa thiết yếu phục vụ Tết, tăng trung bình 7 - 22% so với kế hoạch Tết năm 2020. Nguồn cung các mặt hàng dồi dào, cơ bản đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của nhân dân trong dịp Tết. Ước tính tổng giá trị hàng hóa phục vụ Tết trên địa bàn thành phố đạt 39.400 tỷ đồng, tăng khoảng 5% so với năm trước.
Mặc dù, Hà Nội đã chuẩn bị kỹ càng các phương án đảm bảo nguồn cung thực phẩm cho dịp Tết Nguyên đán tới đây. Nhưng theo ông Tường, công tác quản lý, giám sát, thanh tra, kiểm tra, hậu kiểm chất lượng, an toàn thực phẩm cũng phải được kiểm soát chặt chẽ.
Hiện nay, trên địa bàn thành phố Hà Nội có 83.712 cơ sở sản xuất, kinh doanh, chế biến thực phẩm, 7 cơ sở giết mổ công nghiệp, 58 cơ sở giết mổ bán công nghiệp, 673 điểm giết mổ thủ công, 454 chợ, 141 siêu thị.
Để kiểm soát được chất lượng an toàn vệ sinh thực phẩm của các cơ sở trước khi đưa ra thị trường trước, trong và sau dịp Tết Nguyên đán Tân Sửu, từ ngày 15/12/2020, Sở NNPTNT thành phố đã lấy 42 mẫu sản phẩm nông, lâm, thủy sản nhằm giám sát chỉ tiêu an toàn thực phẩm tại các vùng sản xuất chuyên canh tập trung trên địa bàn thành phố và sản phẩm từ các tỉnh, thành phố, sản phẩm nhập khẩu lưu thông trên địa bàn. Qua đó, phát hiện 2 mẫu thịt vi phạm về chỉ tiêu Salmonella.
Bên cạnh đó, các đơn vị của Sở NNPTNT Hà Nội đã kiểm tra tại 42 cơ sở sản xuất, kinh doanh nông, lâm, thủy sản, cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm cho 25 cơ sở; phát hiện 6 cơ sở vi phạm, phạt vi phạm hành chính với số tiền 22,25 triệu đồng.
Trạm chăn nuôi và thú y của 30 quận, huyện, thị xã phối hợp với đoàn kiểm tra liên ngành của quận, huyện kiểm tra 1.526 cơ sở sản xuất, kinh doanh nông, lâm, thủy sản và xử lý 41 trường hợp vi phạm.
Từ nay, đến Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021, Sở Công thương sẽ tập trung hướng dẫn các đơn vị đăng ký và tổ chức các chương trình khuyến mại, tổ chức hội chợ Xuân đã được cấp phép. Trong đó, Hội chợ hàng hóa nông sản thực phẩm Tết Tân Sửu 2021 được tổ chức trong tháng 1/2021 với quy mô 200 gian hàng; Hội chợ Xuân Tân Sửu 2021 với quy mô 100 gian hàng được tổ chức trong tháng 2/2020; Toàn thành phố cũng có 88 hội chợ hoa Xuân; Các doanh nghiệp cũng tổ chức bán hàng phục vụ Tết tại 455 chợ, 142 siêu thị, trên 1.800 cửa hàng tiện ích...