Thị trấn Đồng Văn là địa phương xuất hiện bệnh viêm da nổi cục trên bò đầu tiên trên địa bàn huyện Đồng Văn. Nguyên nhân được cho là do người dân mua và vận chuyển bò đã có dấu hiệu nhiễm bệnh ở nơi khác vào địa bàn. Sau đó dịch bùng phát tại các xã Sà Phìn, Ma Lé.
Ngay sau khi xuất hiện bệnh VDNC, cơ quan chuyên môn thú y, ngành nông nghiệp huyện Đồng Văn đã tiến hành các biện pháp tiêu độc, khử trùng xung quanh chuồng trại. Dừng mọi hoạt động mua bán, vẩn chuyển các mặt hàng từ trâu, bò ra vào địa bàn. Đến nay, tổng số gia súc mắc bệnh trên toàn huyện là 48 con bò/42 hộ/12 thôn/5 xã, thị trấn; số gia súc chết, tiêu hủy 2 con bò/2 hộ, trọng lượng 364kg.
Để kiểm soát chặt chẽ, hạn chế thấp nhất tình trạng trâu bò bị nhiễm bệnh, huyện Đồng Văn đã chỉ đạo ngành nông nghiệp, thú y và cấp ủy chính quyền các xã, thị trấn chủ động triển khai các biện pháp phòng dịch. Tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ việc mua, bán, vận chuyển, giết mổ gia súc; cung ứng hóa chất thực hiện tiêm phòng vắc xin, phun thuốc tiêu độc khử trùng chuồng trại.
Hiện đã cấp được 700 lít hóa chất cho 19 xã, thị trấn; đã sử dụng 366 lít, diện tích phun ước 156.500 m2/137 thôn, tổ dân phố. Cùng với đó, tuyên truyền các hộ chăn nuôi có số lượng lớn chủ động ngăn cách gia súc, tránh chăn thả tự do, tăng cường chế độ dinh dưỡng để nâng cao sức đề kháng, tổ chức theo dõi nhằm phát hiện sớm trường hợp trâu, bò mắc bệnh để có phương án giải quyết.
Toàn huyện Đồng Văn có trên 110.000 con trâu, bò đây được coi là số tài sản lớn nhất đối với người dân trên vùng cao nguyên đá.
Tại huyện Mèo Vạc, theo báo cáo, đến nay trên địa bàn huyện bệnh VDNC đã xảy ra tại 1.100 hộ chăn nuôi thuộc 151 thôn của 18 xã, thị trấn trên địa bàn huyện Mèo Vạc, với tổng số hơn 1.600 con trâu, bò đang mắc bệnh và 60 con trâu, bò đã chết hoặc bị tiêu hủy.
Ngay sau khi xuất hiện bệnh VDNC trên địa bàn, huyện Mèo Vạc đã ban hành các văn bản chỉ đạo triển khai các biện pháp phòng, chống dịch, trong đó thành lập các chốt kiểm soát động vật tạm thời; phân công các cán bộ chuyên môn phụ trách các xã, thị trấn trực tiếp xuống cơ sở nắm tình hình và triển khai công tác phòng, chống dịch. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền người dân chủ động đảm bảo vệ sinh trong chăn nuôi, phân bổ hóa chất để phun khử trùng chuồng trại; kiểm soát chặt chẽ việc vận chuyển trâu, bò ra khỏi vùng dịch; cấm giết mổ, buôn bán vận chuyển trâu, bò và các sản phẩm trâu, bò trong thời gian có dịch…
Theo đó, tổng số vắc xin được cấp và đã tiếp nhận là 19.800 liều. Đến ngày 20/7 tiêm phòng đạt tỷ lệ 85% tổng đàn trâu, bò.
Tại buổi làm việc mới đây với huyện Mèo Vạc, ông Hoàng Gia Long, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Giang đề nghị huyện Mèo Vạc tiếp tục tăng cường, nâng cao nhận thức cho nhân dân trong công tác phòng, chống dịch bệnh Viêm da nổi cục trên trâu, bò. Rà soát việc cung ứng và tiêm vắc xin ở các xã, thị trấn. Chủ động sử dụng nguồn kinh phí dự phòng của huyện cho công tác phòng, chống dịch theo đúng quy định. Cần có giải pháp cụ thể và đẩy nhanh công tác tiêm phòng theo đúng kế hoạch mà huyện đã đề ra, với quan điểm “tiêm phòng càng sớm, càng tốt”. Kiểm soát chặt chẽ công tác giết mổ gia súc, ngăn chặn không để tình trạng giết mổ gia súc mắc bệnh mang ra khỏi địa bàn.