dd/mm/yyyy

Gỡ điểm nghẽn làm trì trệ vùng Đông Nam Bộ

Vùng Đông Nam Bộ dù có nhiều tiềm năng phát triển dài hạn nhưng đang có dấu hiệu chững lại. Thể chế và hạ tầng giao thông kết nối đang là những điểm nghẽn làm trì trệ vùng Đông Nam Bộ.

Đối diện nhiều khó khăn

GS-TS Sử Đình Thành - Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế TP.HCM cho biết, vùng Đông Nam Bộ dù chỉ chiếm khoảng 9% diện tích và 20% dân số, nhưng đóng góp hơn 30% GDP và khoảng 45% tổng thu ngân sách nhà nước (2021). Tuy nhiên, vùng này đang đối diện với hạ tầng giao thông chưa được phát triển đồng bộ. 

Điều này khiến chi phí vận chuyển và lưu thông hàng hóa cao, ảnh hưởng đến kết quả hoạt động của doanh nghiệp. Vùng có tỷ lệ đô thị hóa cao 67%, lại thu hút hơn 40% lao động nhập cư, nên phải đối diện thách thức về cơ sở hạ tầng đô thị và cơ sở hạ tầng xã hội.

Gỡ điểm nghẽn làm trì trệ vùng Đông Nam Bộ - Ảnh 1.

TS Trần Du Lịch kiến nghị cần có chính sách tạo động lực để TP.HCM thực sự là hạt nhân phát triển Vùng Đông Nam Bộ. Ảnh: Nguyên Vỹ

"Việc hoàn thiện chính sách và thể chế tạo động lực phát triển, không chỉ đưa vùng vào giai đoạn phát triển mới, mà còn đóng góp to lớn vào quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa cả nước với tầm nhìn năm 2045".

TS Trần Du Lịch

GS-TS Nguyễn Trọng Hoài - Tổng Biên tập Tạp chí Nghiên cứu kinh tế và kinh doanh châu Á cho biết, đến năm 2030, vùng Đông Nam Bộ có 970km cao tốc. Thế nhưng, toàn vùng hiện chỉ đưa vào khai thác hơn 10% so với quy hoạch, do thiếu hụt nguồn vốn đầu tư công và khó khăn giải phóng mặt bằng. "Đây là vùng có nhiều tiềm năng phát triển dài hạn, nhưng gần đây có dấu hiệu chững lại, và tồn tại nhiều điểm nghẽn"- GS Hoài nói.

Các chuyên gia kinh tế đồng ý rằng, bên cạnh thành tựu, sự phát triển vùng Đông Nam Bộ đang đối mặt với nhiều thách thức. Tốc độ tăng trưởng của vùng, trong đó có TP.HCM bị chậm lại. Nhiều chỉ tiêu kinh tế quan trọng như năng suất lao động, chất lượng nguồn nhân lực còn thấp. Nhà nước có nghị quyết chung về phát triển kinh tế - xã hội vùng Đông Nam Bộ, nhưng các tỉnh trong vùng không có chiến lược chung để phát triển. Cơ sở hạ tầng của vùng chưa hiện đại, chưa mang tính nối kết liên vùng, trong khi đó giải ngân đầu tư công còn thấp.

Đông Nam Bộ là vùng công nghiệp lớn nhất nước, nhưng chủ yếu vẫn là công nghiệp gia công. Tình trạng ô nhiễm nguồn nước, không khí, rác thải là vấn đề bức xúc trong xã hội nhưng chưa được cải thiện. 

Về khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo của vùng Đông Nam Bộ cao hơn so với nhiều vùng kinh tế khác ở Việt Nam. Thế nhưng vai trò của sáng tạo và ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất, đời sống xã hội còn hạn chế, chưa đóng góp nhiều vào tăng trưởng kinh tế và đời sống nhân dân.

Các tồn tại cơ bản kể trên đã ảnh hưởng hạn chế đến sự phát triển, và đến vai trò mang tính lan tỏa, động lực của vùng Đông Nam Bộ.

Giải pháp vùng Đông Nam Bộ "cất cánh"

Theo các chuyên gia, để vùng Đông Nam Bộ phát triển đúng tiềm lực, cần tập trung hoàn thiện thể chế, chính sách và đẩy mạnh phát triển liên kết vùng.

GS-TS Nguyễn Trọng Hoài đề nghị, Đông Nam Bộ cần mở rộng không gian phát triển bằng cách hoàn thiện hệ thống giao thông kết nối, hình thành khu siêu kinh tế. Việc tiếp theo là liến nghị Trung ương để lại ngân sách tái thiết sau đại dịch cho vùng, đặc biệt là TP.HCM theo 1 cơ chế đặc thù.

Theo GS Hoài, Hội đồng vùng kinh tế trọng điểm phía Nam (bao gồm Đông Nam Bộ) chưa hiệu quả trong ít nhất 10 năm vừa qua. Đặc biệt cơ chế hoạt động hội đồng vùng càng trở nên lúng túng và bị động trong bối cảnh giãn cách xã hội làm đứt gãy chuỗi cung ứng. Vì thế, GS Hoài đề xuất, hội đồng vùng phải có cơ chế vượt trội về đầu tư và quản trị vùng. Theo đó, hội đồng vùng được đưa ra các quyết nghị liên quan đến các vấn đề thuộc vùng, dù là các dự án quốc gia hay dự án địa phương có tác động đến vùng.

TS Trần Du Lịch- thành viên Hội đồng Khoa học TP.HCM cũng cho rằng, vùng cần tập trung tháo gỡ có hiệu quả 2 điểm nghẽn về thể chế và hạ tầng giao thông kết nối. Nhất là về thể chế, TS Lịch đề nghị cần mở rộng việc phân cấp, phân quyền cho các địa phương trong vùng Đông Nam Bộ; nâng cao tính tự chủ tự chịu trách nhiệm của địa phương trong một số lĩnh vực quản lý đầu tư, quy hoạch, xây dựng, đất đai, môi trường và ngân sách. 

Nguyên Vỹ