dd/mm/yyyy

Giữ hay giảm diện tích lúa ĐBSCL (Bài 3): Nhiều tỉnh ĐBSCL ủng hộ chuyển đổi đất lúa, không muốn ôm mãi cây lúa

Lãnh đạo Sở NNPTNT một số địa phương ĐBSCL cho rằng, diện tích lúa ở ĐBSCL còn nhiều trong khi nhiều nơi sản xuất không hiệu quả, bị thiếu hụt nguồn nước, không có điều kiện cơ giới hóa nên cần có kế hoạch sử dụng linh hoạt.

Cần Thơ kiên trì giữ trên 50.000 ha diện tích lúa

Khi phóng viên đặt vấn đề nên giữ hay giảm diện tích lúa ĐBSCL trong thời gian tới, ông Trần Thái Nghiêm - Phó Giám đốc Sở NNPTNT TP.Cần Thơ khẳng định, giảm diện tích lúa là mong muốn chung của người dân và ngành nông nghiệp các địa phương ĐBSCL.

Giữ hay giảm diện tích lúa ĐBSCL (Bài 3): Nhiều tỉnh ĐBSCL ủng hộ chuyển đổi đất lúa, không muốn ôm mãi cây lúa - Ảnh 1.

Ngành nông nghiệp TP.Cần Thơ muốn giảm diện tích lúa trên 20.000 ha, kiên trì giữ trên 50.000 ha còn lại. Ảnh: Huỳnh Xây

"Hầu hết các địa phương ĐBSCL đều mong muốn chuyển một phần đất lúa sang các mục tiêu kinh tế khác. Về phía chúng tôi đã mạnh dạn đề xuất với lãnh đạo UBND TP.Cần Thơ cho giảm từ 20.000 -22.000ha đất lúa (đề xuất trong quy hoạch tích hợp giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến 2050)" - ông Nghiêm nói.

Theo ông Nghiêm, lý do giảm diện tích lúa vì thành phố có nhiều vùng sản xuất lúa không hiệu quả từ các nguyên nhân như: tác động của đô thị hóa, diện tích đất số nơi nhỏ không còn điều kiện cơ giới hóa, bị tác động từ diện tích lúa đã chuyển đổi trước đó...

"Ví dụ như ở huyện Phong Điền chỉ còn mấy trăm hec ta đất trồng lúa, chung quanh toàn là vùng trồng cây ăn trái, hệ thống hạ tầng không còn thích hợp, dịch hại nhiều. Còn quận Bình Thủy còn vài "lỏm" trồng lúa thì không thể áp dụng máy gặt đập liên hợp, người dân phải cắt lúa bằng tay và không áp dụng được máy bay không người lái" - ông Nghiêm giải thích.

Theo Phó Giám đốc Sở NNPTNT TP.Cần Thơ, ngoài những nguyên nhân nói trên, thành phố cũng sẽ giảm diện tích lúa ở một số vùng bị tác động bởi nhu cầu phát triển công nghiệp. Đồng thời, sẽ giữ diện tích lúa ở những vùng có lợi thế trồng như huyện Cờ Đỏ, huyện Thới Lai và huyện Vĩnh Thạnh.

Ông Nghiêm nói tiếp: "Còn lại 50.000 - 55.000 ha lúa sẽ được được chúng tôi kiên trì giữ, thậm chí những khu vực này trở thành vùng bảo vệ diện tích sản xuất lúa nghiêm ngặt. Không chỉ giữ và bảo vệ diện tích này một cách đơn thuần, thành phố sẽ có trách nhiệm nghiên cứu triển khai đồng bộ các chính sách để hỗ trợ người trồng lúa".

Về chính sách hỗ trợ cho người trồng lúa đối với khu vực được giữ lại, theo ông Nghiêm, ngành nông nghiệp sẽ có định hướng phát triển khu nông nghiệp công nghệ cao, khu chăn nuôi tập trung để tận dụng phụ phẩm rơm từ cây lúa, phát triển mô hình trồng nấm rơm, từ đó giúp người dân nâng cao thu nhập và thu hút lao động ở lại địa phương.

"Tóm lại vùng nào sản xuất không hiệu quả nên giảm diện tích lúa, vùng nào hiệu quả sẽ giữ và giữ bằng cách bảo vệ nghiêm ngặt, không để tự ý thay đổi, đúng tinh thần Nghị quyết 34 của Chính phủ về an ninh lương thực, đồng thời đáp ứng vùng lúa chất lượng để phục vụ cho xuất khẩu" - ông Nghiêm chia sẻ.

An Giang muốn giảm diện tích lúa kém hiệu quả

Đồng tình với quan điểm của ông Nghiêm, ông Trương Kiến Thọ - Phó Giám đốc Sở NNPTNT tỉnh An Giang khẳng định, không riêng gì tỉnh An Giang, tất cả các tỉnh, thành ở vùng ĐBSCL đều thấy rằng cần phải giảm diện tích lúa.

Giữ hay giảm diện tích lúa ĐBSCL (Bài 3): Nhiều tỉnh ĐBSCL ủng hộ chuyển đổi đất lúa, không muốn ôm mãi cây lúa - Ảnh 2.

Ngành nông nghiệp tỉnh An Giang muốn giảm diện tích lúa ở những nơi canh tác kém hiệu quả. Ảnh: Huỳnh Xây

"Giảm diện tích lúa cho phù hợp với cơ cấu ngành nông nghiệp theo tinh thần Nghị quyết 120 và đáp ứng nhu cầu thị trường xuất khẩu của doanh nghiệp" - ông Thọ chia sẻ.

Ông Thọ khẳng định, các chuyên gia chỉ ra trong báo cáo kinh tế thường niên năm 2022 rằng, cần giảm diện tích lúa là hợp lý bởi có như vậy mới có thể làm tăng tỷ trọng kinh tế. Nếu cứ tiếp tục giữ diện tích lúa sẽ làm tỷ trọng kinh tế vùng ĐBSCL tăng chậm.

Hiện nay tỉnh An Giang có khoảng 230.000ha đất trồng lúa. Theo kế hoạch dự kiến, đến cuối năm 2025, tỉnh này sẽ giảm còn 200.000ha, tức giảm khoảng 30.000ha trong 4 năm. Với diện tích 200.000ha này, tỉnh An Giang vẫn đảm bảo lượng lúa cần thiết cung cấp ra thị trường từ 3,8-4 triệu tấn/năm.

Diện tích lúa giảm ở An Giang chủ yếu chuyển đổi sang cây ăn trái, thủy sản và chăn nuôi ở khu vực Tri Tôn, Tịnh Biên. Riêng ở Long Xuyên, Châu Đốc, diện tích lúa giảm do tác động của đô thị hóa.

Vĩnh Long giảm 29.500 ha đất lúa trong năm 2022

Theo phóng viên Dân Việt tìm hiểu, trong năm 2022 này, tỉnh Vĩnh Long có kế hoạch giảm 29.500 ha đất lúa. Những diện tích này sẽ chuyển sang trồng cây hàng năm (26.800 ha, chủ yếu là khoai lang, bắp, rau cải) và cây lâu năm (2.700 ha, chủ yếu là cam sành, dừa, sầu riêng, mít Thái, bưởi).

Giữ hay giảm diện tích lúa ĐBSCL (Bài 3): Nhiều tỉnh ĐBSCL ủng hộ chuyển đổi đất lúa, không muốn ôm mãi cây lúa - Ảnh 3.

Trong năm 2022, tỉnh Vĩnh Long có kế hoạch giảm 29.500 ha đất lúa. Những diện tích này sẽ chuyển sang trồng cây hàng năm và cây lâu năm. Trong ảnh, người dân tỉnh Vĩnh Long chuyển đất lúa sang trồng ổi xuất khẩu. Ảnh: Huỳnh Xây

Theo ông Nguyễn Văn Liệt - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Long, khu vực giảm diện tích lúa để chuyển sang cây trồng khác là nơi không đảm bảo về nguồn nước tưới hoặc những nơi thích hợp trồng cây trồng khác mang lại hiệu quả kinh tế bền vững hơn. Các loại cây trồng chuyển đổi từ đất lúa sang phải có nơi tiêu thụ và có lợi thế cạnh tranh trên thị trường.

Tuy nhiên, tỉnh Vĩnh Long quy định, việc chuyển đổi nói trên không làm mất đi các điều kiện phù hợp để trồng lúa trở lại, để khi cần có thể chuyển sang trồng lúa ngay.

Mục đích giảm đất lúa chuyển sang cây trồng khác ở Vĩnh Long là nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng đất, tăng thu nhập cho người dân, góp phần xóa đói giảm nghèo và thích ứng biến đổi khí hậu.

Đồng thời nhằm hình thành các vùng sản xuất chuyên canh với khối lượng lớn, vùng sản xuất hàng hóa hiệu quả cao, tạo thuận lợi để phát triển nông nghiệp bền vững.

Liên quan đến giảm đất lúa để chuyển sang cây trồng khác ở Vĩnh Long, ông Liệt đã chỉ đạo Sở NNPTNT tỉnh Vĩnh Long tuyên truyền, vận động và hỗ trợ nhân dân thực hiện như chọn cây trồng chuyển đổi phù hợp, hướng dẫn kỹ thuật trồng, chăm sóc...

Đồng thời, tổ chức liên kết trong sản xuất, khuyến khích các doanh nghiệp hợp tác bao tiêu sản phẩm cũng như đề xuất UBND tỉnh các cơ chế, chính sách hỗ trợ cho người dân.

Ông Lê Văn Đông - Phó Giám đốc Sở NNPTNT tỉnh Trà Vinh thông tin với phóng viên Dân Việt, ở những vùng đất thường xuyên bị mặn xâm nhập ở tỉnh Trà Vinh, người dân đã chuyển sang nuôi thủy sản hoặc nuôi theo mô hình kết hợp tôm - lúa.

"Thay vì trước kia, người dân chỉ trồng lúa thì bây giờ chuyển sang mô hình tôm - lúa, tức vừa trồng lúa, vừa thả tôm nuôi theo hướng hữu cơ. Mô hình này làm tăng giá trị rất cao" - ông Đông nói.

Còn nữa!


Huỳnh Xây