Thứ Năm, ngày 16/01/2025 08:28 PM (GMT+7)

Giữ chân giá lúa gạo trong nước khi giá xuất khẩu tăng vọt

2023-08-19 19:00:00

Bình ổn giá lúa gạo trong nước khi giá xuất khẩu tăng vọt là nhiệm vụ cấp bách của các cơ quan quản lý Việt Nam trong bối cảnh hiện nay.

Tại thị trường trong nước, giá gạo tiếp tục tăng thêm 500 đồng/kg ngày 18.8 sau khi giá lúa tăng 300 - 400 đồng/kg. Cụ thể, mặt hàng gạo cũng được điều chỉnh tăng giá với hầu hết các mặt hàng. Giá gạo nguyên liệu điều chỉnh tăng 200 - 400 đồng/kg lên mức 12.400 đồng/kg, gạo thành phẩm tăng 500 đồng/kg lên mức 14.500 - 14.600 đồng/kg.

Giữ chân giá lúa gạo trong nước khi giá xuất khẩu tăng vọt - Ảnh 1.

Thị trường xuất khẩu gạo của Việt Nam đang đứng trước cơ hội gia tăng về khối lượng, giá trị xuất khẩu - Ảnh: IT

Tại khu vực đồng bằng sông Cửu Long, giá một số mặt hàng lúa tăng. Cụ thể, giá lúa IR 504 ở mức 7.600 - 7.800 đồng/kg, tăng 300 đồng/kg; lúa Đài thơm 8 ở mức 7.800 - 8.000 đồng/kg, tăng 400 đồng/kg; nếp Long An (tươi) ở mức 7.000 - 7.500 đồng/kg, tăng 100 đồng/kg.

Với gạo xuất khẩu, Hiệp hội Lương thực Việt Nam cho biết, chốt phiên giao dịch ngày 17.8, giá gạo xuất khẩu của Việt Nam tăng thêm 5 USD/tấn với gạo 5% tấm và 25% tấm. Theo đó, giá gạo xuất khẩu 5% tấm tăng 5 USD/tấn lên mức 628 USD/tấn, gạo 25% tấm tăng 5 USD/tấn lên mức 608 USD/tấn.

Xuất khẩu tăng khiến giá lúa gạo trong nước tăng nhanh theo từng ngày (trung bình mỗi ngày tăng từ 100 - 200 đồng/kg). Hiện giá gạo nguyên liệu tại một số địa phương đã tăng từ 1.000 - 1.500 đồng/kg so với thời điểm ngày 20.7.2023 (lệnh cấm xuất khẩu gạo của Ấn Ðộ có hiệu lực), thậm chí tăng hơn 2.000 đồng/kg, nhưng doanh nghiệp khó mua vì lúa còn trong dân không nhiều.

Tình trạng này dẫn đến việc tranh mua tranh bán, đẩy giá gạo tăng liên tục, xuất hiện cò, thương lái thu gom lúa gạo đáp ứng nhu cầu doanh nghiệp do 70% doanh nghiệp không liên kết xây dựng vùng nguyên liệu với các hợp tác xã. Giá gạo xuất khẩu tăng đẩy giá gạo tiêu dùng ở Cần Thơ, Hậu Giang tăng thêm 10% so với tháng trước.

Thị trường xuất khẩu gạo của Việt Nam đang đứng trước cơ hội gia tăng về khối lượng, giá trị xuất khẩu sau khi một số quốc gia dừng xuất khẩu gạo, song cũng phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức nhằm bảo đảm an ninh lương thực và bình ổn giá tại thị trường nội địa.

Thái Lan - nước xuất khẩu gạo lớn thứ hai thế giới - đang kêu gọi nông dân nước này giảm diện tích trồng lúa nhằm tiết kiệm nước. Trong khi đó, Ấn Độ - nhà xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới - cũng đã áp đặt lệnh cấm xuất khẩu đối với gạo trắng không phải là gạo Basmati vào tháng trước. Chính phủ nước này cho biết mục đích của lệnh cấm này là giúp hạ giá gạo và đảm bảo nguồn cung trong nước. Không những vậy, Các tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất (UAE), nhà nhập khẩu và tái xuất khẩu lớn của gạo Ấn Độ, cũng hạn chế bán gạo cho các nước khác.

Những diễn biến trên xảy ra trong bối cảnh thị trường lương thực toàn cầu vốn đang phải chật vật trước những hậu quả của biến đổi khí hậu. Điều này làm dấy lên lo ngại rằng, sự gián đoạn trong thương mại gạo toàn cầu có thể làm trầm trọng thêm tình hình an ninh lương thực vốn đã nguy cấp ở nhiều quốc gia.

Trong khi theo thông tin của Bộ Nông nghiệp - Phát triển nông thôn, dự kiến năm 2023, cả nước gieo trồng được 7,1 triệu hecta, sản lượng đạt từ 43,2 - 43,4 triệu tấn, tăng 1,8 - 2% so với năm 2022. Các địa phương cũng đã thu hoạch gần 3,7 triệu hecta. Năng suất bình quân đạt 65,7 tạ/ha, tăng 0,8 tạ/ha cho nên sản lượng lúa thu hoạch 7 tháng năm 2023 đạt trên 24,1 triệu tấn, tăng 0,4%.

Hiện các địa phương đẩy nhanh tiến độ gieo cấy vụ mùa và vụ thu đông năm 2023 và thu hoạch vụ hè thu năm 2023. Với kế hoạch sản xuất này, ngoài bảo đảm an ninh lương thực trong nước cho 100 triệu người dân, chế biến, làm giống và thức ăn chăn nuôi, cả nước có thể xuất khẩu hơn 7,5 triệu tấn gạo năm 2023.

Để kiểm soát giá gạo trong nước, mới đây, Bộ trưởng Công Thương Nguyễn Hồng Diên đã yêu cầu kiểm tra các cơ sở kinh doanh, kho nhằm kiểm soát nguồn cung, ngăn hành vi đầu cơ, găm hàng, tăng giá gạo bất hợp lý.

Chuyên gia kinh tế, PGS-TS Ngô Trí Long nhận định mặc dù giá gạo thế giới đang tăng mạnh, song giá gạo tiêu dùng trong nước về cơ bản vẫn được xem là ổn định. Điều này là nhờ vào sự điều tiết hoạt động xuất khẩu hợp lý để hưởng lợi từ giá gạo tăng cao, vừa đảm bảo bình ổn giá ở thị trường trong nước.

Trước bối cảnh giá gạo xuất khẩu tăng cao từng ngày, ông Long đề nghị các địa phương, doanh nghiệp kéo dài các chương trình bình ổn thị trường. Nếu các doanh nghiệp đẩy mạnh xuất khẩu ngay vào lúc này mà không có sự điều tiết, kiểm soát chặt chẽ thì sẽ sẽ làm cho nguồn thu mua tăng lên và giá gạo trong nước sẽ tăng theo, tác động lớn đến người tiêu dùng trong nước cũng như mức tăng chỉ số CPI của cả năm.

Theo ông Long, giá cả các loại hàng hóa nói chung và gạo nói riêng phụ thuộc vào quan hệ cung - cầu. Vì vậy, hiện nay các thị trường lớn về xuất khẩu gạo như: Thái Lan, Ấn Độ có những chủ trương lớn liên quan đến gạo như Ấn Độ tạm dừng xuất khẩu gạo, Thái Lan khuyến cáo nông dân giảm diện tích trồng lúa do hạn hán... đã tác động trực tiếp đến giá gạo xuất khẩu trong thời gian gần đây. Giá gạo xuất khẩu tăng vọt, đồng thời đẩy giá gạo trong nước của nhiều quốc gia tăng cao. Tuy nhiên, tại Việt Nam, những ngày qua, giá gạo bán ra trên thị trường không có nhiều biến động, đặc biệt là ở các điểm bán hàng bình ổn giá.

Theo Một thế giới

Tuyết Nhung

Tags: