Thứ Năm, ngày 16/01/2025 04:01 AM (GMT+7)

F88 vay tổng cộng 100 triệu USD từ Lending Ark Asia

2023-09-06 10:26:00

Công ty F88 (chuỗi cho vay tiêu dùng F88) vừa huy động được khoản vay 50 triệu USD (hơn 1.200 tỉ đồng) mới từ quỹ Lending Ark Asia. Đây là khoản vay thứ hai F88 nhận từ quỹ ngoại này sau lần vay cũng 50 triệu USD tháng 11/2022.

Ông Phùng Anh Tuấn, Chủ tịch kiêm CEO F88 cho biết: "Với nguồn vốn mới này, mục tiêu của F88 là mở rộng việc cung cấp các dịch vụ tài chính đạt chuẩn về dịch vụ, dễ dàng và minh bạch những khách hàng dưới chuẩn vay ngân hàng tại Việt Nam".

F88 vay tổng cộng 100 triệu USD từ Lending Ark Asia - Ảnh 1.

Khách hàng vay tiền tại một cửa hàng F88. Ảnh: F88

Theo F88, Lending Ark Asia có trụ sở chính ở Hong Kong (Trung Quốc) luôn áp dụng quy trình thẩm định cho vay nghiêm ngặt, và cẩn trọng khi đánh giá các nội dung như tiềm năng thị trường, chiến lược kinh doanh, năng lực quản trị rủi ro, năng lực tuân thủ pháp lý, chất lượng dịch vụ, đóng góp cho cộng đồng... trong các hoạt động kinh doanh và vận hành của doanh nghiệp.

Việt quỹ này tiếp tục cho F88 vay thêm 50 triệu USD cho thấy họ có niềm tin vào chuỗi cho vay tiêu dùng này, theo ông Tuấn.

Số liệu do F88 cung cấp cho thấy doanh thu 6 tháng đầu năm 2023 của chuỗi tăng 52% so với cùng kỳ 2022, tỷ lệ hài lòng của khách hàng sau giao dịch đạt mức 89%. Tỷ lệ chi phí hoạt động CIR (chi phí hoạt động không bao gồm chi phí dự phòng và xóa sổ nợ xấu) trên tổng doanh thu hoạt động (đã loại trừ chi phí tài chính) trong 6 tháng đầu năm 2023 giảm 16% so với cùng kỳ năm 2022.

F88 cũng đã chi trả 1.250 tỷ đồng tiền gốc và lãi trái phiếu cho các nhà đầu tư đúng hạn. Đồng thời, tỷ lệ nợ vay so với vốn chủ sở hữu (tỷ lệ D/E) được duy trì an toàn quanh mức 1,0 lần. Fiin Ratings (công ty tư nhân xếp hạng tín nhiệm của Việt Nam) tiếp tục duy trì xếp hạng tín nhiệm ở mức BBB- cho F88.

Về kết quả kinh doanh chưa có lợi nhuận trong nửa đầu năm 2023, ông Tuấn giải thích phần lớn là do chi phí rủi ro tăng cao khi công ty áp dụng chính sách trích lập quỹ dự phòng nợ xấu khá thận trọng so với thông lệ.

Tương tự F88, các công ty tài chính tiêu dùng khác cũng có kết quả kém khả quan trong 6 tháng đầu năm do kinh tế khó khăn và một phần cũng do một số doanh nghiệp trong ngành và các chuỗi cho vay cầm đồ có những hoạt động thu hồi nợ trái pháp luật, gây bất ổn trong đời sống xã hội. Vì vậy phía công an phải vào cuộc kiểm tra và điều tra để bảo đảm an ninh trật tự.

Trong 6 tháng đầu năm, công ty Tài chính TNHH Ngân hàng Việt Nam Thịnh Vượng SMBC (FE Credit) báo lỗ 2.996 tỷ đồng nhưng cùng kỳ năm trước báo lãi 144 tỷ đồng. Vốn chủ sở hữu giảm mạnh từ 15.917 tỷ đồng xuống 10.250 tỷ đồng.

Sở dĩ tên đầy đủ của FE Credit có SMBC vì ngân hàng Sumitomo Mitsui Banking Corp. (SMBC) của Nhật sở hữu 49% vốn điều lệ FE Credit; giá để SMBC hoàn tất việc mua 49% này trong tháng 10/2021 là xấp xỉ 1,4 tỷ USD.

Cũng trong nửa đầu năm nay, công ty Tài chính Shinhan Việt Nam thuộc tập đoàn tài chính Shinhan Hàn quốc báo lỗ 246 tỷ đồng. Home Credit Việt Nam thuộc Home Credit (Cộng hòa Czech) báo cáo lợi nhuận 6 tháng đầu năm nay là 211 tỷ đồng, chưa tới 18% so với cả năm 2022.

Hiện nay, ngân hàng KBank của Thái Lan đang đàm phán với tập đoàn mẹ Home Credit để mua lại Home Credit Việt Nam và giá do KBank đề xuất là khoảng 1 tỷ USD. Hai bên chưa đi đến quyết định cuối cùng về thương vụ này.


Minh Tường

Tags: