Chủ Nhật, ngày 19/01/2025 02:34 AM (GMT+7)
Đừng để giá gạo tăng ảo gây bất ổn thị trường
2023-08-11 13:00:00
Dự báo khoảng hai tuần nữa thị trường lúa gạo giá cả sẽ trở lại ổn định.
Thời gian qua, Ấn Độ cùng một số quốc gia khác cấm xuất khẩu gạo khiến giá gạo xuất khẩu Việt Nam tăng cao kéo theo giá gạo trong nước biến động. Hiện nay giá gạo xuất khẩu của Việt Nam lên hơn 600 USD/tấn, mức giá chưa từng có sau hàng chục năm. Đây là tin vui cho nông dân, doanh nghiệp xuất khẩu nhưng cũng là nỗi lo của các tiểu thương, người tiêu dùng trong nước cũng như các nhà sản xuất, chế biến những mặt hàng từ gạo.
Khóc ròng vì giá gạo tăng từng ngày
Ông Thanh, chủ vựa gạo ở quận Tân Bình, cho biết giá gạo đang quá biến động, tăng giá mỗi ngày với khoảng tăng 1.000-4.000 đồng/kg nên người bán lẻ cũng điêu đứng theo. Chẳng hạn, hiện giá bán lẻ gạo nàng thơm mềm xốp 16.000 đồng/kg, trong khi giá sỉ cũng lên 16.000 đồng/kg.
Trung bình mỗi tháng TP.HCM có 3.311 tấn gạo bình ổn được cung ứng ra thị trường. Riêng tháng Tết Giáp Thìn 2024 sẽ cung ứng ra thị trường 4.525 tấn.
Các mặt hàng làm từ gạo như bún, bánh canh… cũng chịu ảnh hưởng từ giá gạo tăng. Bà Phụng, đại diện cơ sở bún Ba Khánh (Vĩnh Long), chuyên sản xuất bún tươi, bánh canh cung cấp cho các hệ thống siêu thị tại TP.HCM, cho biết có hôm buổi sáng công ty gạo báo giá 12.000 đồng/kg, chiều tăng 12.500 đồng/kg, qua ngày hôm sau lại giá khác. “Họ không nói lý do tăng giá, chỉ cho biết với mức giá này mới bán được. Mình là cơ sở sản xuất cũng đành chịu thôi” - bà Phụng nói.
Theo bà Phụng, hiện nay nguyên liệu đầu vào không chỉ mặt hàng gạo tăng giá mà xăng dầu, điện… đều tăng, giá bán lẻ phải điều chỉnh lên 20%-30% để bù đắp chi phí. Điều này cũng ảnh hưởng đến người tiêu dùng khi mua bán các mặt hàng thiết yếu.
Ông Huy, đại diện Công ty Sản xuất gia công chế biến thực phẩm Thảo Xuân (huyện Củ Chi) chuyên sản xuất bánh tráng, bún gạo…, cho hay những ngày qua giá gạo tăng liên tục. Ví như hôm 8-8, nhà cung cấp báo giá 15.500 đồng/kg, hôm 9-8 đã lên 16.500 đồng/kg.
Tương tự, một doanh nghiệp sản xuất các loại bún, bánh tráng xuất khẩu kể: “Vừa rồi công ty ký hợp đồng, đặt cọc tiền xong nhưng thị trường biến động, nhà cung cấp kỳ kèo, muốn tăng thêm 3.000 đồng/kg gạo”.
Nhiều mặt hàng bị ảnh hưởng
Nhận định về tình hình trên, TS Trần Minh Hải, Phó Hiệu trưởng Trường Chính sách công và Phát triển nông thôn, Bộ NN&PTNT, cho rằng: Hiện nay giá lúa gạo tăng là tín hiệu tốt cho bà con nông dân. Tuy nhiên, giá lúa gạo đầu vào đang là tăng ảo.
TS Hải phân tích thị trường Việt Nam hiện nay có 180 doanh nghiệp xuất khẩu gạo nhưng chỉ có 50 doanh nghiệp tham gia chuỗi liên kết với nông dân, hợp tác xã. Đối với 50 doanh nghiệp này, khi giá lúa gạo lên xuống hai bên đều chia sẻ lợi nhuận lẫn rủi ro nên có mối quan hệ bền chặt, khó bẻ kèo.
Đối với 130 doanh nghiệp không liên kết theo chuỗi thì gặp khó khăn hơn. Bởi nếu doanh nghiệp không giao đơn hàng như đã ký kết thì phải đền hợp đồng xuất khẩu, thiệt hại rất lớn cũng như mất uy tín với khách hàng. Theo đó, các doanh nghiệp rất cần và tăng thu mua lúa gạo để trả hợp đồng. Điều này đã đẩy giá lúa tại ruộng bình thường 3.700 đồng/kg tăng lên đến 7.000-8.000 đồng/kg như hiện nay.
“Dự báo khoảng hai tuần nữa thị trường lúa gạo giá cả sẽ trở lại ổn định. Đặc biệt, hiện nay Việt Nam có 46 triệu tấn lúa dự trữ, đảm bảo an ninh lương thực quốc gia, người dân không nên lo lắng” - TS Hải nhấn mạnh.
Bà Lý Kim Chi, Chủ tịch Hội Lương thực thực phẩm TP.HCM, cho biết sau khi chính phủ Ấn Độ chính thức ban hành lệnh cấm xuất khẩu gạo, giá gạo 5% tấm và 25% tấm xuất khẩu của Việt Nam tăng mạnh từng ngày.
Theo bà Chi, hiện nay giá gạo đang có xu hướng tăng nhưng sẽ có điểm dừng. Do đó, nếu tham gia đầu cơ tích trữ có thể sẽ là rủi ro, không chỉ cho nông dân, nhà cung ứng, kể cả nhà xuất khẩu.
TP.HCM chủ động bình ổn thị trường lúa gạo
Theo bà Lý Thị Kim Chi, các doanh nghiệp xuất khẩu gạo cần xem xét đàm phán để có được thời hạn xuất khẩu lúa gạo một cách hợp lý, phù hợp với khả năng có thể cung ứng để xuất khẩu. Bên cạnh đó, doanh nghiệp cũng cần tính toán tới yêu cầu gối vụ, yêu cầu giá cả.
“Chúng ta đẩy mạnh xuất khẩu nhưng cũng cần đảm bảo các yêu cầu khác và đặc biệt là đảm bảo an ninh lương thực. Cần tránh trường hợp vì lợi nhuận mà quên mất dự phòng, khiến chúng ta lâm vào tình huống khủng hoảng thiếu lương thực trong trường hợp vụ mùa không được đảm bảo” - bà Chi nói.
Song song đó, bà Chi cho biết nhằm nỗ lực ổn định giá hàng hóa tiêu dùng thiết yếu, Hội Lương thực thực phẩm cùng với ngành công thương TP.HCM triển khai nhiều giải pháp bình ổn giá, kích cầu tiêu dùng. Đồng thời phối hợp với doanh nghiệp sản xuất, siêu thị triển khai nhiều chương trình giảm giá sâu, hạn chế tình trạng tăng giá hàng hóa theo lương tăng…
“Các hệ thống bán lẻ lớn đều giảm giá mạnh cho nhóm hàng tiêu dùng thiết yếu nhằm chia sẻ gánh nặng chi tiêu với người dân. Nhờ vậy, thị trường hàng tiêu dùng thiết yếu ở TP khá ổn định, không có sự tăng giá đột biến” - bà Chi chia sẻ.
Sở Công Thương TP.HCM cũng cho biết sở đã làm việc với những doanh nghiệp bình ổn thị trường về mặt hàng gạo. Cạnh đó, sở yêu cầu các doanh nghiệp cần chủ động triển khai kế hoạch thu mua, dự trữ, đảm bảo nguồn hàng cung ứng đủ, vượt số lượng đã đăng ký trong mọi tình huống.
Ngoài ra, sở cũng đề nghị các doanh nghiệp cân đối đảm bảo nguồn cung, duy trì lượng hàng dự trữ bình ổn thị trường đầy đủ để sẵn sàng cung ứng ra thị trường khi cần thiết.
Xử nghiêm trường hợp đầu cơ, trục lợi thị trường gạo
Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành Chỉ thị 24 về việc đảm bảo vững chắc an ninh lương thực quốc gia và thúc đẩy sản xuất, xuất khẩu gạo bền vững trong giai đoạn hiện nay.
Chỉ thị nêu thời gian qua tình hình thương mại lương thực toàn cầu diễn biến phức tạp… Tại Việt Nam, một số địa phương có hiện tượng mua gom lúa gạo ồ ạt, gây mất cân đối cung - cầu cục bộ, đẩy giá lúa gạo trong nước lên cao bất hợp lý.
Theo đó, Thủ tướng yêu cầu Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với Bộ NN&PTNT, Bộ Công Thương tính toán, cân đối việc dự trữ gạo phù hợp, dứt khoát không được để người dân thiếu lương thực, thiếu gạo…
Thủ tướng yêu cầu chủ tịch UBND các tỉnh, TP chỉ đạo các cơ quan chức năng tăng cường theo dõi, giám sát hoạt động sản xuất, lưu thông, tiêu thụ lúa gạo trên địa bàn. Qua đó xử lý nghiêm các trường hợp đầu cơ, trục lợi bất chính, đẩy giá lúa gạo lên cao bất hợp lý, gây bất ổn thị trường trong nước, uy tín của thương hiệu gạo Việt Nam trên thị trường quốc tế.