Chủ Nhật, ngày 19/01/2025 01:42 AM (GMT+7)
Dừa "tài lộc" - hàng Tết hút vận may
2024-01-14 14:15:30
Đằng sau một trái dừa trang trí bắt mắt ngày Tết là cả quá trình dày công nghiên cứu, tìm tòi, và tâm huyết thực hiện của những người muốn duy trì, lan tỏa nét đẹp chữ thư pháp truyền thống.
Dành cả tâm huyết cho việc vẽ dừa Tết
Một trong những nét văn hóa không thể thiếu của người Việt trong ngày Tết là chưng ngũ quả trang trí.
Xuất phát từ đam mê hội họa và viết chữ thư pháp, chị Nguyễn Thị Bích Phương, 36 tuổi (Hàm Thuận Nam, Bình Thuận) đã tìm tòi, nghiên cứu những nét vẽ, hoa văn lên dừa.
Thời gian đầu, chị Phương chỉ vẽ số lượng ít để bán người thân, bạn bè. Tết năm nay, chị Phương quyết định mở rộng dịch vụ, dành thời gian để vừa thỏa mãn đam mê mỹ thuật, vừa kiếm thêm tiền ngày Tết. Ngoài ra, chị còn trang trí thêm bao lì xì và lon nước và quả dưa hấu. Chị Phương cho biết trung bình mất khoảng 2 tiếng đồng hồ để hoàn thành việc vẽ 1 trái dừa.
Để tạo ra một sản phẩm hoàn chỉnh, chị Phương phải thực hiện nhiều công đoạn. Đầu tiên, chị phải xịt 2-3 lớp màu sơn thường và 1 lớp sơn bóng để tạo màu cho quả dừa. Sau khi màu sơn khô, chị tiến hành tạo các chi tiết hoa văn, chữ thư pháp theo bố cục đã lên ý tưởng sẵn.
“Thông thường, tôi sẽ làm từng công đoạn, mỗi công đoạn sẽ làm lần lượt nhiều trái dừa khác nhau. Tranh thủ thời gian chờ sơn khô, tôi sẽ sơn trái khác và cứ thế theo nhịp dần dần”, chị Phương nói với Dân Việt.
Những trái dừa được đem đi trang trí, vẽ thư pháp phải có vẻ ngoài tròn trịa, bóng nhẵn. Theo chị Phương, tuyển chọn những trái dừa bắt mắt, vừa đáp ứng điều kiện dừa già, có màu xanh bên ngoài là công đoạn rất quan trọng. Bởi vì, dừa già sẽ để được thời gian dài hơn dừa non.
Hiện tại, chị Phương có nhận trang trí dừa, bao lì xì, lon nước và quả dưa hấu. Chị chia sẻ rằng dừa cần nhiều thời gian hoàn thành hơn những loại còn lại.
Trang trí dừa Tết kiếm tiền Tết
Đầu tháng 12 âm lịch, chị Phương đã bắt đầu nhận đơn hàng. “Tôi chỉ quảng cáo trên Facebook, nhưng may mắn được nhiều người ủng hộ. Khách hàng của tôi không chỉ là người trong tỉnh mà còn khách từ các tỉnh khác. Thậm chí có nhiều khách từ Hà Nội và TP.HCM liên hệ lấy sỉ”, chị Phương nói thêm.
Ngay sau khi nhận những đơn hàng đầu tiên, chị Phương phải chuẩn bị đầy đủ các dụng cụ như đế, màu, cọ, nơ trang trí và bao bì để vận chuyển xa… Để phục vụ việc vẽ, chị Phương tốn khá nhiều chi phí để mua dụng cụ.
Chị cho biết, một trái dừa có giá 15.000 đồng, tính thêm các chi phí dụng cụ thì khoảng 80.000 đồng. Thế nhưng công sức người trang trí bỏ ra cũng khá nhiều. Tiền lời thu về cũng là tiền công sức, tâm huyết chị Phương dành cho sản phẩm của mình.
Sau khi trang trí hoàn thiện trái dừa Tết, chị Phương bán ra giá 160.000 đồng, bao lì xì 12.000 đồng/bao tùy thuộc vào chi tiết vẽ.
“Những ngày Tết, khi tôi có nhiều thời gian rảnh, 1 ngày tôi cùng vài người phụ việc có thể làm được khoảng 30 trái dừa. Thu nhập từ việc trang trí này có thể lên đến 1 triệu rưỡi/ngày”, chị Phương nói.
Ngoài chữ thư pháp, các cơ sở vẽ hoa trái Tết cũng sáng tạo thêm các chi tiết mang màu sắc Tết. Thị trường hoa quả trang trí Tết nhộn nhịp trên cả các hội nhóm trên mạng xã hội. Họ cùng nhau buôn bán, trao đổi hoa quả chưng Tết hay các vật dụng trang trí.
Chị Lê Thị Ngọc Yến cũng đang kinh doanh quà dừa Tết do chính tay chị vẽ. Khách hàng rất yêu thích những trái dừa dát vàng, đơn đến liên tục, chị Yến phải ngưng nhận đơn sớm.
Chị Yến cho biết mỗi mùa Tết, chị bán được từ 300-500 cặp dừa. Mỗi cặp dao động từ 500.000 - 1 triệu đồng.
Tái hiện phong tục Tết Việt Nam tại Sài thành
Cây nêu ngày Tết ở quê và các mỹ tục cổ truyền ngày Tết khác đặc trưng cho văn hóa Việt Nam sẽ được thể hiện tại Lễ hội Tết Việt 2024, diễn ra ngày 18/01 - 21/01 tại Công viên Lê Văn Tám, quận 1, TP.HCM.