Chủ Nhật, ngày 19/01/2025 01:58 AM (GMT+7)

Ngân hàng không thiếu vốn nhưng doanh nghiệp thủy sản rất khó tiếp cận vốn vay

2023-04-05 11:52:00

Đầu tư càng lớn, rủi ro càng cao, song rủi ro trong sản xuất chưa được giải quyết một cách triệt để. Đó là lý do vì sao ngân hàng không thiếu vốn nhưng doanh nghiệp thủy sản rất khó tiếp cận vốn vay.

Doanh nghiệp thủy sản đối diện nhiều rủi ro

Nhiều doanh nghiệp thủy sản cho biết đang thiếu vốn nhưng khó tiếp cận vốn vay ngân hàng. Trong khi cơ cấu vốn nguyên liệu của những doanh nghiệp thủy sản nhỏ và vừa chiếm tới 80%. Khi doanh nghiệp không đủ vốn để mua nguyên liệu thì tất yếu dẫn đến việc bị chậm, trễ đơn hàng.

Ông Hồ Quốc Lực - Chủ tịch HĐQT Công ty CP Thực phẩm Sao Ta (Sóc Trăng) cho biết tình hình xuất khẩu tôm những tháng đầu năm 2023 gặp rất nhiều khó khăn.

Con tôm Việt chịu sự cạnh tranh gay gắt từ các đối thủ lớn như Ecuador, Ấn Độ. Ảnh: Trần Khánh

Con tôm Việt chịu sự cạnh tranh gay gắt từ các đối thủ lớn như Ecuador, Ấn Độ. Ảnh: Trần Khánh

Doanh nghiệp còn chịu sự cạnh tranh từ những đối thủ như Ecuador, Ấn Độ khi xuất khẩu cùng mặt hàng với chi phí thấp, và giá bán rẻ. Hệ quả là lượng hàng tồn kho tăng, trong khi khâu bảo quản, logistics của phần lớn doanh nghiệp thủy sản vẫn còn hạn chế.

Ecuador và Ấn Độ cũng là đối thủ cạnh tranh gay gắt của thủy sản Việt Nam tại thị trường Trung Quốc. Hai nước này hiện chiếm thị phần chi phối với hơn 60% nhập khẩu tôm của Trung Quốc.

Với cá tra, ông Đỗ Lập Nghiệp - Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Nam Việt (An Giang) cũng cho biết, các doanh nghiệp đang gặp nhiều khó khăn. Vì hiện nay nhu cầu thị trường đang giảm mạnh do lạm phát gây ra.

Ngành hàng cá tra phụ thuộc rất lớn vào nền kinh tế thế giới. Nếu Trung Quốc và châu Âu mở cửa cho nhập khẩu cá tra thì các doanh nghiệp ổn hơn. "Tuy nhiên, chiến sự giữa Nga - Ukraine đã làm ảnh hưởng rất lớn thị trường tiêu thụ thế giới", ông Nghiệp nói.

Xuất khẩu cá tra cũng đang gặp nhiều khó khăn. Ảnh: Trần Khánh

Xuất khẩu cá tra cũng đang gặp nhiều khó khăn. Ảnh: Trần Khánh

Theo Bộ NNPTNT, 3 tháng đầu năm 2023, xuất khẩu thủy sản đạt 1,79 tỉ USD; giảm 29% so với cùng kỳ năm trước. Hai mặt hàng xuất khẩu chủ lực của ngành thủy sản là cá tra đạt 422 triệu USD (giảm 33,1%); tôm đạt 578 triệu USD (giảm 39,4%).

Như vậy, chỉ sau thời gian ngắn khi Việt Nam đánh dấu cột mốc xuất khẩu thủy sản kỷ lục là 11 tỉ USD vào năm 2022, các doanh nghiệp trong nước đã bước vào giai đoạn khó khăn do ảnh hưởng của thị trường thế giới cũng như một số khó khăn nội tại trong nước.

Quy hoạch để giảm thiểu rủi ro

Hiện nay, Agribank là một trong những ngân hàng lớn nhất khi có quy mô cấp tín dụng lớn cho ngành thủy sản nói riêng và nông nghiệp nói chung.

Ngân hàng Agribank cho biết, tổng dư nợ cấp tín dụng của Agribank hiện nay là 1,5 triệu tỷ đồng. Trong đó, cho vay lĩnh vực thủy sản chỉ chiếm 2,5% tổng dư nợ cho vay, khoảng 40.000 tỷ đồng.

Theo bà Nguyễn Thị Phượng - Phó Tổng giám đốc Ngân hàng Agribank, trong dư nợ cho vay ngành thủy sản, khách hàng là doanh nghiệp chỉ chiếm 3,7%. Còn lại đại bộ phận cho vay khách hàng nhỏ lẻ, quy mô hộ gia đình.

Thiếu vốn, sụt giảm đơn hàng, cạnh tranh gắt gao là những khó khăn, thách thức mà các doanh nghiệp thủy sản Việt Nam phải đối mặt. Ảnh: Trần Khánh

Thiếu vốn, sụt giảm đơn hàng, cạnh tranh gắt gao là những khó khăn, thách thức mà các doanh nghiệp thủy sản Việt Nam phải đối mặt. Ảnh: Trần Khánh

Vậy, vì sao doanh nghiệp khó tiếp cận vốn vay hơn cá nhân? Bà Phượng cho rằng, có 2 yếu tố mà ngân hàng rất quan tâm, đó là: Rủi ro trong quá trình sản xuất và khả năng tiêu thụ.

Theo bà Phượng, nhiều doanh nghiệp thủy sản đầu tư quy mô càng lớn thì rủi ro tập trung càng cao. Trong khi quản trị rủi ro trong quá trình sản xuất chưa được giải quyết một cách triệt để. Ngược lại, khách hàng cá nhân có quy mô vay nhỏ. Nếu xảy ra thiệt hại thì rủi ro với ngân hàng thương mại không lớn.

Trong khâu tiêu thụ, hiện nay nhiều doanh nghiệp thủy sản thiên về xuất khẩu sản phẩm tươi sống, và phụ thuộc phần nhiều vào thị trường Trung Quốc. Khi gặp rủi ro trên thị trường, việc tiêu thụ thủy hải sản của doanh nghiệp sẽ ảnh hưởng rất nhiều.

Một vấn đề nữa mà bà Phượng lưu ý là mô hình sản xuất hiện còn manh mún, nhỏ lẻ. Agribank kỳ vọng Bộ NNPTNT và các địa phương cần quan tâm đến quy hoạch vùng sản xuất.

Bà Phượng gợi ý có thể hình thành các cụm công nghiệp kinh tế biển. Ở đó, chính quyền có cơ chế để thu hút đầu tư cho hạ tầng, đảm bảo môi trường nuôi trồng đồng nhất, và khép kín mô hình.

"Khi đó, các công ty bảo hiểm mới dám vào bảo hiểm rủi ro. Các dự án được bảo hiểm thì các ngân hàng sẵn sàng đầu tư ngành thủy sản khi rủi ro đã được giảm thiểu", bà Phượng chia sẻ.

Nhiều ý kiến đề nghị quy hoạch vùng nuôi trồng thủy sản theo mô hình khép kín để giảm thiểu rủi ro. Ảnh: Trần Khánh

Nhiều ý kiến đề nghị quy hoạch vùng nuôi trồng thủy sản theo mô hình khép kín để giảm thiểu rủi ro. Ảnh: Trần Khánh

Theo Vụ nuôi trồng thủy sản (Tổng Cục Thủy sản), chỉ riêng lĩnh vực nuôi tôm, cả nước có khoảng 700.000ha nuôi tôm nhưng có đến gần 500.000 cơ sở. Như vậy, tính bình quân mỗi cơ sở chỉ có 1,5ha. Đây là khó khăn lớn trong việc phát triển ngành.

Ông Trần Công Khôi - Phó Vụ trưởng Vụ nuôi trồng thủy sản cho biết, ngành thủy sản đã có đầy đủ quy hoạch của ngành. Các tỉnh thành cũng có quy hoạch riêng cho thủy sản. Tuy nhiên, một vấn đề mang tính nghịch lý hiện nay là các ngành kinh tế khác đi đến đâu thì ngành thủy sản thu hẹp đến đó.

Vì thế, ông Khôi mong muốn các địa phương cần quan tâm để cân đối, hài hòa giữa giữa các ngành, như giữa thủy sản với du lịch và công nghiệp.

"Khi các tỉnh tích hợp thủy sản vào quy hoạch địa phương sẽ tạo ra không gian cho ngành phát triển này", ông Khôi chia sẻ.

Trần Khánh