Thứ Sáu, ngày 17/01/2025 12:10 AM (GMT+7)

Doanh nghiệp nhẫn nại chờ thị trường xuất khẩu điều nhân phục hồi

2023-03-01 16:27:00

Giá điều thô vẫn đang ở mức cao, mất cân đối nghiêm trọng với giá điều nhân. Bức tranh xuất khẩu điều nhân tiếp tục đối diện hàng loạt khó khăn trong năm 2023.

Các chuyên gia khuyến cáo ngành chế biến xuất khẩu điều nhân cần thận trọng và nhẫn nại chờ tín hiệu tích cực hơn từ thị trường.

Xuất khẩu điều nhân bết bát

Ông Tạ Quang Huyên - Chủ tịch HĐQT Công ty CP Hoàng Sơn I (Bình Phước) cho biết, hơn 10 năm qua, doanh số xuất khẩu điều nhân của công ty vẫn tăng bình quân 20%/năm.

Suốt thời gian dài, giá điều thô thế giới khá ổn định. Vì thế, nhiều nước mở rộng diện tích trồng điều, làm cho sản lượng điều thô tăng nhanh hơn so với mức tăng của nhu cầu.

xuất khẩu điều nhân 2023 (1)

Nhà máy chế biến điều nhân của Công ty CP Hoàng Sơn I (Bình Phước). Ảnh: T.L

Khi xung đột Nga - Ucraine xảy ra, nhằm giảm bớt tình trạng lạm phát, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) nhiều lần tăng lãi suất. EU cùng có những biện pháp tương tự. Các nhà nhập khẩu, bán buôn điều nhân thế giới không kham nổi lãi suất nên hạn chế hoặc không mua trữ sẵn trong kho như trước.

"Cùng với lạm phát, nhu cầu tiêu dùng điều nhân suy yếu nên năm 2022, lần đầu tiên công ty Hoàng Sơn I không tăng trưởng về doanh số", ông Huyên nói.

Theo ông Phùng Văn Sâm - Tổng giám đốc Hanfimex Group (Bình Phước), giá điều thô vẫn còn ở mức cao, mất cân đối nghiêm trọng với giá điều nhân.

Năm 2022, giá điều nhân mã W320 trung bình ở mức 2,7-2,9 USD/lbs (0,45kg). Hiện nay, công ty bán điều nhân mã W320 với giá 2,6 USD/lbs bị khách chê là giá "trên trời", vẫn chưa ai mua.

Theo ông Sâm, Bình Phước có hơn 1.000 nhà máy chế biến xuất khẩu điều nhân thì 40% số đó đã dừng hoặc đang sản xuất cầm chừng. "Nhiều doanh nghiệp đang chờ giá điều thô giảm bớt, và giá điều nhân xuất khẩu cải thiện hơn vì không biết sẽ trụ được đến bao lâu", ông Sâm nói.

Gía điều nhân vẫn duy trì ở mức thấp. Ảnh: Trần Khánh

Gía điều nhân vẫn duy trì ở mức thấp. Ảnh: Trần Khánh

Ông Vũ Thái Sơn - Phó Ban Đối ngoại và Xúc tiến thương mại Hiệp hội điều Việt Nam (Vinacas) cho biết, 2 năm trong đại dịch Covid-19, xuất khẩu điều nhân vẫn tăng về lượng do nhu cầu tiêu dùng hạt điều tại nhà ở Mỹ và châu Âu.

Năm 2022, hậu Covid-19, ngành điều lại bị ảnh hưởng bởi xung đột Nga - Ucraine, khủng hoảng năng lượng và lạm phát gần đây.

Lần đầu tiên trong nhiều năm xuất khẩu điều nhân, số lượng điều xuất khẩu giảm 14,8%, chỉ còn 519.000 tấn. Giá trị xuất khẩu cũng giảm, kim ngạch xuất khẩu điều nhân chỉ đạt 3,07 tỷ USD, giảm 19,57%.

Ông Sơn đánh giá: "Việc xuất khẩu điều nhân sụt giảm sản lượng là hiện tượng hiếm gặp của ngành điều Việt Nam, vì trước đây lượng xuất luôn tăng".

Chưa dám nhập khẩu điều thô

Ông Cao Thúc Uy - Ủy viên Ban thường vụ Vinacas kể, năm 2021, nhập khẩu điều thô tăng kỷ lục lên đến 3,15 triệu tấn, giá trung bình 1.390 USD/tấn. Đến năm 2022, nhập khẩu điều thô giảm lại, chỉ còn hơn 2,07 triệu tấn nhưng giá vẫn ở mức cao 1.355 USD/tấn, có thời điểm lên đến 1.400 USD/tấn.

Cộng thêm các chi phí như nhân công, vật tư, bao bì, điện... đều tăng đã đẩy giá thành điều thô lên cao, trong khi giá bán điều nhân lại giảm. Hầu hết các doanh nghiệp chế biến thuần gần như không có lãi, phải chật vật ứng phó để tồn tại.

Ông Nguyễn Minh Họa - Phó Chủ Tịch Vinacas cho biết, sau tết Quý Mão 2023, nông dân bắt đầu thu hoạch điều. Các doanh nghiệp cũng bắt đầu xử lý nguyên liệu chế biến nhưng hợp đồng khá ít.

Đầu năm 2023, đơn hàng xuất khẩu điều nhân chưa nhiều. Ảnh: Trần Khánh

Đầu năm 2023, đơn hàng xuất khẩu điều nhân chưa nhiều. Ảnh: Trần Khánh

Trước đây, ngay từ đầu mỗi năm, đa số nhà nhập khẩu lớn Âu - Mỹ đã ký hợp đồng mua điều nhân dài hạn. Nhưng đầu năm 2023, các nhà nhập khẩu chỉ ký hợp đồng mua tới giữa năm, nhưng số lượng hạn chế.

Theo ông Họa, ngành điều trong nước đang đối mặt nhiều thách thức khi các ngân hàng Việt Nam vẫn siết chặt tín dụng và lãi suất vẫn tăng cao. Giá điều nhân chưa cải thiện và giá điều thô vẫn chưa hợp lý khiến cho doanh nghiệp nhập khẩu không dám mạo hiểm.

Lượng điều thô tồn kho toàn cầu còn lớn (khoảng 300.000 tấn). Tổng nguồn cung điều thô lại đang tăng cao, khoảng 5 triệu tấn trong khi nhu cầu thế giới chỉ cần khoảng 4 triệu.

Năng lực chế biến điều nhân xuất khẩu trong nước rất tốt. Vì thế, Vinacas khuyến cáo doanh nghiệp không nên vội vàng ký nhập khẩu điều thô khi giá còn cao, không cân đối được với giá xuất khẩu điều nhân.

Giá điều thô nhập khẩu vẫn đang ở mức cao. Ảnh: Trần Khánh

Giá điều thô nhập khẩu vẫn đang ở mức cao. Ảnh: Trần Khánh

Ông Vũ Thái Sơn cho rằng xuất khẩu điều nhân năm 2023 vẫn có những tín hiệu tích cực.

Giá điều thô đang dần trở lại giá trị thực. Bởi vì trước đó, một doanh nghiệp lớn thu mua điều thô khá cao, buộc các công ty khác phải mua theo giá cao. Khi giá điều thô thực chất hơn, doanh nghiệp có nhiều cơ hội cân đối giá nhân và giá thô.

Đồng thời, năm nay, cước phí tàu biển giảm nhiều, giúp các nhà nhập khẩu trả cước phí thấp hơn. Ngành điều hi vọng thị trường sẽ có những bước phục hồi tích cực trong giai đoạn 6 tháng cuối năm.

Ông Marc Rosenblat, đại diện Công ty Richard Franco Agency, Inc., (Mỹ) cho rằng bức tranh xuất khẩu điều nhân Việt Nam vẫn có những khởi sắc nhất định thời gian qua. Ngành điều Việt Nam cần nỗ lực duy trì vị trí ngành hàng dẫn đầu thế giới của mình.

Ít nhất, người tiêu dùng Mỹ vẫn thích ăn hạt điều Việt Nam. Tuy nhiên đã có những phản ánh gần đây từ phía người dùng về chất lượng hạt điều suy giảm. Theo ông Marc Rosenblat, nguyên nhân do tình trạng trữ hàng điều thô quá lâu, ảnh hưởng đến chất lượng điều nhân.

Thị trường hạt điều sẽ thay đổi nhưng cần thời gian. Trong giai đoạn khó khăn này, sẽ có nhiều công ty biến mất khỏi thị trường. Nhưng doanh nghiệp nào đủ lực vượt qua sẽ có mức độ phát triển hơn nữa.

"Việc cần thiết lúc này là cố gắng giảm thiểu rủi ro, chờ tín hiệu tích cực hơn từ thị trường", ông Marc Rosenblat đề nghị.

Trần Khánh