Ngành điều Việt Nam cần chiến lược bài bản để khai thác tối đa giá trị thương hiệu quốc gia

Nguyên Vỹ Thứ hai, ngày 27/02/2023 12:53 PM (GMT+7)
Khai thác giá trị thương hiệu ngành điều Việt Nam là yêu cầu không mới nhưng Bộ Công Thương vẫn phải nhấn mạnh lại một lần nữa tại Hội nghị điều Quốc tế Việt Nam lần thứ 12 tổ chức tại TP.HCM, ngày 27/2.
Bình luận 0

Xúc tiến thương mại ngành điều Việt Nam

Hội nghị điều Quốc tế Việt Nam lần thứ 12 năm 2023 do Hiệp hội Điều Việt Nam và Bộ Công Thương phối hợp tổ chức tại TP.HCM, từ ngày 26 - 28/2.

Hội nghị điều Quốc tế Việt Nam là sự kiện thuộc Chương trình cấp quốc gia về xúc tiến thương mại của Việt Nam - một sự kiện quan trọng của ngành điều Việt Nam và thế giới.

Hội nghị điều Quốc tế Việt Nam lần thứ 12 tổ chức tại TP.HCM ngày 27/2. Ảnh: Nguyên Vỹ

Hội nghị điều Quốc tế Việt Nam lần thứ 12 tổ chức tại TP.HCM ngày 27/2. Ảnh: Nguyên Vỹ

Theo Hiệp hội Điều Việt Nam (Vinacas), năm 2022, kim ngạch xuất khẩu điều nhân chỉ đạt 3,07 tỷ USD; chấm dứt giai đoạn tăng trưởng về xuất khẩu kéo dài 10 năm từ năm 2011-2021 của ngành điều Việt Nam.

Bước vào năm 2023, thị trường nông sản toàn cầu được dự báo sẽ có nhu cầu lớn về lương thực, thực phẩm. 

Tuy nhiên, theo đánh giá của Hội đồng Thông tin Vinacas, hoạt động sản xuất cũng như chuỗi cung ứng ngành điều toàn cầu và ở Việt Nam tiếp tục còn gặp rất nhiều khó khăn.

Tăng trưởng của ngành điều bị tác động đáng kể do nhu cầu tiêu thụ điều nhân toàn cầu tiếp tục giảm; thị trường nguyên liệu điều thế giới sẽ gặp nhiều thách thức.

Do đó, Ban chấp hành Vinacas đã thống nhất đề nghị điều chỉnh mức chỉ tiêu doanh số xuất khầu điều nhân năm 2023 ở mức 3,1 tỷ USD; chỉ tăng nhẹ 30 triệu USD so với năm 2022. Đồng thời Vinacas tiếp tục duy trì chủ trương giảm lượng, tăng chất.

Năm 2022, kim ngạch xuất khẩu điều nhân chỉ đạt 3,07 tỷ USD; chấm dứt giai đoạn tăng trưởng về xuất khẩu kéo dài 10 năm từ năm 2011-2021 của ngành điều Việt Nam. Ảnh: Nguyên Vỹ

Năm 2022, kim ngạch xuất khẩu điều nhân chỉ đạt 3,07 tỷ USD; chấm dứt giai đoạn tăng trưởng về xuất khẩu kéo dài 10 năm từ năm 2011-2021 của ngành điều Việt Nam. Ảnh: Nguyên Vỹ

Ông Phạm Văn Công - Chủ tịch Vinacas cho biết, Hội nghị điều quốc tế luôn là sự kiện xúc tiến thương mại quan trọng của ngành điều Việt Nam, là "điểm hẹn vàng" của những doanh nhân ngành điều toàn cầu.

"Tại sự kiện, cộng đồng nhà xuất khẩu, thương mại, rang chiên, đóng gói sẽ đưa ra các phân tích, đánh giá và đề xuất những giải pháp, sáng kiến giúp ngành điều Việt Nam và thế giới phát triển bền vững", ông Công chia sẻ.

Ông Phạm Văn Công - Chủ tịch Vinacas chia sẻ những thách thức và kỳ vọng của ngành điều Việt Nam. Ảnh: Nguyên Vỹ

Ông Phạm Văn Công - Chủ tịch Vinacas chia sẻ những thách thức và kỳ vọng của ngành điều Việt Nam. Ảnh: Nguyên Vỹ

Gia tăng giá trị thương hiệu ngành điều Việt Nam

Ông Michael Waring – Chủ tịch Hội đồng Hạt và Quả khô Quốc tế (INC) cho biết, giới trẻ là thế hệ tiêu dùng mới. Ngành điều và hạt nói chung nên tăng cường tiếp cận thế hệ tiêu dùng này. Hiện INC đang thử nghiệm tại thị trường Trung Quốc.

"Thông điệp của INC là trồng thêm hạt và ăn thêm hạt. INC sẽ tiếp tục hỗ trợ Vinacas và cộng đồng doanh nghiệp ngành điều mở rộng hợp tác quốc tế", ông Michael Waring chia sẻ.

Ông Michael Waring – Chủ tịch Hội đồng Hạt và Quả khô Quốc tế (INC). Ảnh: Nguyên Vỹ

Ông Michael Waring – Chủ tịch Hội đồng Hạt và Quả khô Quốc tế (INC). Ảnh: Nguyên Vỹ

Ông Bob Bauer - Chủ tịch Hiệp hội Công nghiệp Thực phẩm Mỹ (AFI) thì cho biết, an toàn thực phẩm và truy xuất nguồn gốc luôn là vấn đề quan tâm hàng đầu ở Mỹ.

AFI thường xuyên mua hàng của Việt Nam nên AFI có trách nhiệm thông báo cho đối tác Việt Nam chuẩn bị đầy đủ thông tin cần thiết.

"Việt Nam vẫn đang gửi hàng sang Mỹ. Các bạn không tự mãn trong việc đáp ứng các yêu cầu của nhà thu mua. Điều đó là cần thiết để hạt điều Việt Nam tiêp tục vươn mình ra phía trước", ông Bob chia sẻ.

Lễ ký kết biên bản hợp tác giữa Hiệp hội Điều Việt Nam và Hiệp hội điều Campuchia. Ảnh: Nguyên Vỹ

Lễ ký kết biên bản hợp tác giữa Hiệp hội Điều Việt Nam và Hiệp hội điều Campuchia. Ảnh: Nguyên Vỹ

Ông Uon Silot – Chủ tịch Hiệp hội điều Campuchia cho biết, tổng diện tích điều của Campuchia là 700.000ha. Hạt điều Campuchia cung cấp hơn 90% cho thị trường Việt Nam.

Ông cho biết, các nghiên cứu khoa học cho thấy hạt điều Campuchia có hàm lượng dinh dưỡng cao nên giá bán điều thô luôn ở mức khác. Hiện nay Campuchia đang khuyến cáo trồng điều giống M23, có chất lượng tốt và thích hợp trên đất pha cát.

"Chúng tôi hi vọng sẽ còn cung cấp hạt điều thô chất lượng tốt nhiều hơn nữa sang Việt Nam", ông Uon Silot nói.

Cục xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) đề nghị ngành điều Việt Nam cần chiến lược bài bản để khai thác tối đa giá trị thương hiệu quốc gia. Ảnh: Nguyên Vỹ

Cục xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) đề nghị ngành điều Việt Nam cần chiến lược bài bản để khai thác tối đa giá trị thương hiệu quốc gia. Ảnh: Nguyên Vỹ

Ông Vũ Bá Phú - Cục trưởng Cục xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) cho biết, chương trình xúc tiến thương mại quốc gia luôn giành sự ưu tiên cho các ngành xuất khẩu nông sản hàng đầu, trong đó có ngành điều.

Thông qua chương trình, các doanh nghiệp có cơ hội nắm bắt yêu cầu của thị trường, nâng các chất lượng sản phẩm, và quảng bá thương hiệu ra quốc tế. 

Riêng ngành điều, nhiều doanh nghiệp đã xây dựng, phát triển thương hiệu riêng của mình ra toàn thế giới. 

 Tuy nhiên, việc phát huy giá trị thương hiệu của toàn ngành điều Việt Nam vẫn chưa thực sự hiệu quả dù vấn đề đã đề cập nhiều năm qua. "Ngành điều Việt Nam cần chiến lược bài bản để khai thác tối đa giá trị thương hiệu quốc gia", ông Vũ Bá Phú đề nghị.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem