Thứ Năm, ngày 16/01/2025 07:58 PM (GMT+7)

Doanh nghiệp lữ hành lạc quan về bức tranh du lịch Đồng bằng sông Cửu Long

2024-02-29 10:39:00

Thực tế cho thấy, ngành du lịch vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) phát triển chưa tương xứng với tiềm năng. Nhưng những “nút thắt” này đang dần được mở ra để nơi đây từng bước khẳng định vị thế trên bản đồ du lịch Việt Nam...

Theo báo cáo của Hiệp hội Du lịch ĐBSCL, năm 2023 khu vực đón gần 45 triệu khách, trong đó có 1,88 triệu khách quốc tế, doanh thu hơn 45.700 tỉ đồng. Hiệp hội đã công nhận 13 điểm du lịch tiêu biểu ĐBSCL, trong đó có 9 điểm mới và 4 điểm tái công nhận. Cũng trong năm 2023, Hiệp hội Du lịch ĐBSCL đã kết nạp 10 hội viên mới, nâng số hội viên trong vùng lên 141 hội viên.

Triển vọng cho năm mới 

“Thời gian tới du khách tìm về vùng đất Cửu Long sẽ đông hơn trước” là chia sẻ từ đại diện một doanh nghiệp lữ hành trong khi tham quan nhà cổ Huỳnh Thủy Lê, làng hoa tại Sa Đéc, Đồng Tháp. Lý giải về vấn đề vừa nêu, vị đại diện này cho rằng xuất phát lớn nhất là nhờ hệ thống đường giao thông đã thuận lợi hơn. Có thể thấy, việc đưa vào khai thác hai dự án cầu Mỹ Thuận 2 và đường cao tốc Mỹ Thuận – Cần Thơ, không chỉ đơn thuần là việc cải thiện mạng lưới giao thông mà còn mở đường cho sự phát triển du lịch của khu vực. Một số chuyên gia còn cho rằng, cao tốc xuất hiện giúp “vẽ” lại bản đồ du lịch, tạo ra nhiều điểm đến mới, nhiều sản phẩm mới và nhiều loại hình mới.

Bên cạnh đó, sản phẩm mới dựa trên tài nguyên cũ đã  khiến du lịch miền Tây bớt trùng lắp và nhàm chán, nhờ vậy mà thu hút khách. Như nhà cổ Huỳnh Thủy Lê, sau thời gian dài ngưng hoạt động, giữa tháng 12/2023, Công ty TNHH MTV Khu du lịch Văn hóa Phương Nam đã tổ chức khai thác lại. Bên cạnh tham quan, chụp ảnh, nghe thuyết minh nhà cổ còn có các dịch vụ mới là xem phim “Người tình”, phục vụ bánh dân gian Nam bộ, trưng bày và bán sản phẩm OCOP, cho thuê trang phục chụp ảnh, hay trải nghiệm ở lại “nhà của đại gia lúa gạo”...

Doanh nghiệp lữ hành lạc quan về bức tranh du lịch Đồng bằng sông Cửu Long- Ảnh 1.

Giải chạy Marathon Đất Sen hồng tại Đồng Tháp năm 2023.

Sự thành công của việc thúc đẩy du lịch từ các sự kiện văn hóa, thể thao cũng là yếu tố giúp du khách tìm về đất Cửu Long. Theo ông Trần Minh Trí, Tổng giám đốc Công ty Du lịch Đồng Tháp: “Việc tổ chức các sự kiện, chương trình như lễ hội xoài Đồng Tháp, sự kiện Marathon Đất Sen hồng, Festival hoa kiểng Sa Đéc đã giúp cộng đồng khai thác du lịch địa phương được hưởng lợi rất nhiều. Trong những ngày diễn ra lễ hội, công suất các khách sạn ở Đồng Tháp hầu như đạt tối đa, các nhà hàng, quán ăn cũng chật kín khách”.

Ông Nguyễn Lộc, Hiệu trưởng Trường Đào tạo nghề Western, Chủ tịch Hội Đầu bếp chuyên nghiệp ĐBSCL cho biết, ẩm thực là yếu tố quan trọng góp phần phát triển du lịch. Vì vậy, trong thời gian qua, Hội đầu bếp chuyên nghiệp ĐBSCL đã có nhiều chương trình, hoạt động nâng cao giá trị ẩm thực ĐBSCL, định vị ẩm thực ĐBSCL trong cả nước và quốc tế. Chẳng hạn, TP Cần Thơ với lễ hội bánh và trái cây Nam bộ, Đồng Tháp khai thác văn hóa ẩm thực với 200 món ăn từ sen; Hậu Giang với 200 món ăn từ cá thát lát, khóm, cùng Festival Áo bà ba mang đậm dấu ấn riêng…

Bà Trần Thị Lan Phương, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Bạc Liêu cho hay, việc công nhận các điểm du lịch tiêu biểu là để mỗi địa phương tập trung và có sự đầu tư tốt để phục vụ du khách. Tuy nhiên cũng cần nhìn nhận, để phát triển du lịch ĐBSCL bền vững cần quan tâm đến tính liên kết. Điều này thể hiện những mặt sau, đó là tính liên kết giữa các địa phương với địa phương, địa phương với quốc tế, tính liên kết giữa những nhà tổ chức, kinh doanh du lịch.

Doanh nghiệp lữ hành lạc quan về bức tranh du lịch Đồng bằng sông Cửu Long- Ảnh 2.

Festival Áo bà ba tại Hậu Giang mang đậm dấu ấn riêng.

Phát huy hiệu quả liên kết vùng 

Chia sẻ tại Hội nghị tổng kết năm 2023 và phương hướng nhiệm vụ năm 2024 của Hiệp hội Du lịch ĐBSCL, nhiều đại biểu cho biết cần phải đẩy mạnh phát triển sản phẩm du lịch đặc thù mang dấu ấn vùng miền. Hiệp hội Du lịch ĐBSCL cho biết phương hướng năm 2024 là xây dựng và phát triển sản phẩm du lịch đặc thù và tour tuyến du lịch ĐBSCL. Đồng thời, ngành Du lịch sẽ tổ chức Hội nghị xúc tiến, quảng bá du lịch ĐBSCL tại Hà Nội (trong khuôn khổ VITM Hà Nội 2024); tại Quảng Ninh cũng như tại Campuchia, Thái Lan, Trung Quốc…

Để thực hiện mục tiêu của năm 2024, ông Trần Việt Phường, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch ĐBSCL yêu cầu, các địa phương tiếp tục phát huy ưu điểm, thành tích, những mặt làm được thể hiện qua doanh thu du lịch, liên kết hợp tác, xúc tiến quảng bá du lịch. Đồng thời, các địa phương, đơn vị cần khắc phục những thiếu sót, hạn chế, đặc biệt là trong xây dựng sản phẩm du lịch đặc thù và đào tạo nguồn nhân lực.

Bên cạnh đó, thời gian qua, liên kết vùng được nhiều tỉnh, thành trong vùng quan tâm. Các địa phương trong vùng ĐBSCL đã ký kết với nhau và với TP.HCM các chương trình hợp tác du lịch qua nhiều hoạt động như Diễn đàn hợp tác kinh tế ĐBSCL, Tuần lễ du lịch xanh, xây dựng sản phẩm du lịch "Một điểm đến bốn địa phương +", sử dụng sản phẩm du lịch của nhau… Nhiều hoạt động phối hợp giữa Hiệp hội Du lịch ĐBSCL và Hiệp hội Du lịch TP.HCM với sự tham gia của các nhà đầu tư, doanh nghiệp đã thúc đẩy đầu tư, phát triển du lịch vùng.

Doanh nghiệp lữ hành lạc quan về bức tranh du lịch Đồng bằng sông Cửu Long- Ảnh 3.

Về Đồng Tháp, du khách sẽ được trải nghiệm ăn sen, uống sen, được thưởng thức những món ngon chế biến từ sen.

Tuy nhiên, theo các chuyên gia, tình trạng chung là không gian du lịch vùng còn bị ngắt khúc. Cách làm du lịch ở nhiều nơi vẫn còn mang nặng tính tự phát, thiếu chuyên nghiệp. Sở Du lịch TP.HCM đề nghị, TP.HCM cùng 13 tỉnh, thành ĐBSCL cần quan tâm thực hiện tốt hơn nữa định hướng liên kết để phát triển sản phẩm du lịch liên kết theo không gian, liên kết hợp tác quốc tế, liên kết vùng, liên kết cụm du lịch, liên kết theo nội dung, liên kết phát triển sản phẩm, liên kết thị trường, liên kết quảng bá xúc tiến và liên kết giữa doanh nghiệp du lịch.

Ông Lê Thanh Phong, Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch ĐBSCL, cho rằng mối liên kết này không phải là “hai đối tác” giữa TP.HCM và 13 tỉnh, thành ĐBSCL, mà chúng ta nên nghĩ đến khái niệm đây là một không gian chung vùng du lịch phía Nam kéo dài từ Cần Giờ cho đến mũi Cà Mau.

Bà Bùi Thị Ngọc Hiếu, Phó Giám đốc Sở Du lịch TP.HCM, nhìn nhận: “Đánh giá điểm đến, đề xuất phát triển các chương trình du lịch liên kết TP.HCM và 13 tỉnh, thành ĐBSCL trong kết nối giao thông, thương mại, văn hóa, du lịch… đã đi vào thực tiễn, mang lại hiệu quả thực tế, góp phần phục hồi hoạt động du lịch và tăng trưởng kinh tế của ĐBSCL nói riêng, cả nước nói chung. Đồng thời, thúc đẩy phát triển du lịch của từng địa phương, từng bước xây dựng, phát triển thương hiệu du lịch vùng. Thúc đẩy, tạo sự liên kết lan tỏa, tổng thể trên nhiều lĩnh vực giữa TP.HCM và 13 tỉnh, thành ĐBSCL theo hướng bền vững, cùng nhau phát triển”.

Theo vneconomy.vn

Tường Bách
'Nút kép' cho không gian du lịch Nam bộ

"Nút kép" cho không gian du lịch Nam bộ

Liên kết không gian và tích hợp sản phẩm du lịch đặc thù chính là cách thức làm cho du lịch Đồng bằng sông Cửu Long trở nên hấp dẫn hơn.